Người tiêu dùng tự truy xuất nguồn gốc thịt heo

Sự vào cuộc, hợp tác giữa các cơ quan quản lý gồm Sở Công Thương, UBND các quận - huyện, ban quản lý các chợ… là điều kiện quyết định để chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo đạt hiệu quả như mong muốn - ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhận định như vậy tại buổi làm việc chiều 5-8 với các quận huyện, đơn vị liên quan về đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Theo ông Hòa, có 3 tháng chuẩn bị để “chạy” thử đề án vào đầu tháng 11 tới tại 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, 5 chợ lẻ là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông. Đến đầu năm 2017, việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được áp dụng đại trà.

Người tiêu dùng tự truy xuất nguồn gốc thịt heo - 1

Từ tháng 11-2016, TP HCM sẽ tổ chức thí điểm đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Ảnh: Tấn Thạnh

Theo đề án này, heo xuất chuồng tại trang trại sẽ được đeo vòng nhận diện có mã QR (mã vạch hai chiều) sẽ chứa thông tin về từ trang trại nuôi cho đến các công đoạn sau đó. Ở công đoạn cuối cùng, trước khi bán lẻ, tiểu thương dán tem điện tử lên vòng nhận diện giúp người tiêu dùng, cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất nguồn gốc qua ứng dụng miễn phí TE-FOOD trên smartphone, máy kiểm tra tại chợ hay trên web www.te-food.com.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo là một phần của chợ an toàn thực phẩm. Con heo từ khi xuất chuồng đến lúc bán cho người tiêu dùng qua 4 công đoạn với nhiều chủ thể nên để chương trình thành công, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng rất cần có sự đồng thuận, tham gia tích cực của các bên liên quan. Trong đó, ban quản lý các chợ có vai trò hết sức quan trọng trong việc giám sát, không để xảy ra tình trạng người bán pha trộn thịt heo chưa được kiểm soát vào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Nhân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN