Người Sài Gòn dùng điện thoại thông minh mua thịt heo

TP.HCM ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn đối với thịt heo.

Sở Công Thương TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM đề án Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Trong đó quan trọng nhất là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để kiểm soát nguồn gốc thịt heo mọi lúc mọi nơi.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, xung quanh chương trình này.

Dùng smartphone kiểm tra thịt heo

. Phóng viên: Ông có thể cho biết cụ thể về chương trình ứng dụng CNTT để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thịt heo?

+ Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Hiện nay nguồn heo từ trang trại đến tay người mua được các cơ quan chuyên ngành kiểm tra nhưng công đoạn nào biết công đoạn đó, không kết nối thông tin với nhau nên khó kiểm soát được nguồn gốc. Thậm chí có khi người bán pha trộn, thay đổi nguồn gốc thịt heo so với lúc mới xuất chuồng… cũng không kiểm soát được.

Thực trạng đó đặt ra cho chương trình một số mục tiêu. Thứ nhất, làm thế nào để người tiêu dùng, các cơ quan chức năng nhận biết và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Thứ hai, giúp người tiêu dùng có trong tay danh sách bản đồ chỉ rõ những địa điểm tham gia chương trình để họ đến mua sắm. Thứ ba, bắt buộc CNTT vào để truy xuất nguồn gốc thịt heo mà nếu làm bằng phương pháp thủ công thì không thể thực hiện được.

. Vậy người tiêu dùng, doanh nghiệp được hưởng lợi gì từ chương trình này, thưa ông?

+ Sau quá trình tìm kiếm mô hình quản lý thực phẩm, Sở đã đề xuất với UBND TP giải pháp của Hội Công nghệ cao TP.HCM. Theo đó tất cả thông tin về thịt heo sẽ được quản lý bằng máy chủ với cơ sở dữ liệu tập trung. Ví dụ, heo tại trang trại được gắn vòng nhận diện (gắn chip theo dõi), đến khi ra thị trường sẽ có tem dán trên thịt và người tiêu dùng có thể kiểm tra thịt sạch hay bẩn bằng ứng dụng trên smartphone. Điều này có nghĩa là chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người mua có thể kiểm tra được thịt heo bày bán trên thị trường là sạch hay không sạch, do ai cung cấp, ai bán và bán ở đâu.

Người Sài Gòn dùng điện thoại thông minh mua thịt heo - 1

Heo từ khi ra khỏi chuồng đến bàn ăn đều có gắn chip, tem để truy xuất nguồn gốc. Ảnh: TÚ UYÊN

Bằng phương pháp này, giả sử có thương lái mua heo về rồi nhốt lại, sau đó bơm nước, giết mổ bán ra thị trường… thì cũng sẽ dễ bị phát hiện. Từ đó sẽ đưa những đối tượng này vào “danh sách đen” và có giải pháp xử lý phù hợp.

. Nhưng người mua bằng cách nào để truy xuất được nguồn gốc thịt heo và làm sao biết được đó thực sự là heo sạch?

+ Hội Công nghệ cao TP.HCM đã thiết kế một ứng dụng miễn phí có thể cài đặt trên điện thoại để soi vào thịt heo. Đơn cử khi thịt đến chợ, ban quản lý, nhân viên thú y dùng máy chuyên dụng để kiểm tra xuất xứ. Heo có mã xác nhận nhập hàng, số thịt đúng mã sẽ được niêm phong… rồi giao tiểu thương bán. Tiếp đó, tiểu thương dùng điện thoại kích hoạt tem lên tờ in mã vạch, rồi dán tem có mã vạch lên miếng thịt bán cho khách. Khi khách hàng scan tem miếng thịt sẽ biết được thịt được chứng nhận an toàn hay chưa, ai bán, bán ở chợ nào.

Bảo vệ người kinh doanh chân chính

. Một số ý kiến cho rằng đây là giải pháp hay trong việc quản lý thịt heo nhưng lo ngại sẽ xảy ra tình trạng tem giả ở khâu bán lẻ?

+ Tem và vòng nhận diện được Hội Công nghệ cao TP.HCM đảm bảo bảo mật. Mặt khác, cơ quan phát hành tem phải kiểm soát được bán ở chợ nào, mỗi con tem có mã vạch riêng ứng với từng chợ… để chống tình trạng bị làm giả.

Bên cạnh đó, các tiểu thương tham gia chương trình cũng phải ký cam kết (bán thịt heo có nguồn gốc, không sử dụng tem giả… - PV) và cam kết này có giá trị pháp lý. Nếu thực hiện không đúng thì thấp nhất có thể bị bêu tên hoặc bị loại khỏi chương trình.

Ở giai đoạn đầu chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các hộ kinh doanh. Chúng tôi cũng sẽ kiểm soát để các chi phí truy xuất nguồn gốc không làm tăng quá 200 đồng/kg thịt heo.

. Thưa ông, với tập quán kinh doanh theo kiểu truyền thống như lâu nay thì việc ứng dụng công nghệ để kiểm soát thịt heo liệu có gặp khó khăn?

+ Thực tế cho thấy những công ty, chủ cơ sở giết mổ, người chăn nuôi uy tín rất ủng hộ chương trình vì nó giúp bảo vệ uy tín, thương hiệu cho họ. Bởi sản phẩm nào không có truy xuất nguồn gốc thì khách hàng sẽ tẩy chay và quy được trách nhiệm nơi làm sai. Ngược lại, hàng truy xuất nguồn gốc thì được bảo vệ, phát huy và nhân rộng ra.

Tuy vậy, cái khó là thay đổi thói quen kinh doanh của các tiểu thương, vì từ trước đến giờ họ chưa làm việc này. Vì vậy, họ cần phải có sự tham gia đầy đủ trách nhiệm nhằm góp phần đem lại nguồn thịt heo an toàn. Chúng ta xây dựng môi trường để cho phép các doanh nghiệp, trang trại, tiểu thương khẳng định được thương hiệu của mình nên hy vọng mọi người sẽ hợp tác và ủng hộ.

. Xin cám ơn ông.

Thí điểm tại bảy chợ và nhiều siêu thị

Chương trình chợ thí điểm an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016-2020 sẽ triển khai thí điểm tại 12 lò giết mổ tập trung; hai chợ đầu mối là Bình Điền, Hóc Môn và năm chợ chính là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông. Các chuỗi siêu thị Co.opmart, Satra, Vissan và Sagrifoods cũng nằm trong diện thí điểm. Sau thử nghiệm với thịt heo, TP.HCM dự kiến sẽ mở rộng mô hình trên ra các mặt hàng như rau, củ, quả.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa chỉ đạo Sở Công Thương hỗ trợ các đơn vị, công ty, tiểu thương tích cực đăng ký tham gia chương trình để sớm triển khai đồng loạt từ đầu năm 2017. Bởi TP muốn từng bước loại trừ thịt bẩn, độc hại ra khỏi thị trường.

Mời chuyên gia châu Âu tham gia

Từ tháng 8 đến tháng 10 tới đây, chúng tôi sẽ mời đơn vị tư vấn và các chuyên gia từ châu Âu để hoàn chỉnh giải pháp CNTT kiểm soát thịt heo. Song song đó chúng tôi vận động, mời gọi các chủ thể tham gia và ký các cam kết. Đến tháng 11 hoặc tháng 12 sẽ chạy thử nghiệm chương trình, trong quá trình này sẽ tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý. Dự kiến đến đầu năm 2017 sẽ triển khai đồng loạt.

Chương trình này không nhằm loại trừ, ngăn cản việc kinh doanh khác. Nghĩa là người kinh doanh thịt heo không tham gia chương trình nếu chứng minh được nguồn gốc chất lượng hàng hóa, an toàn thì vẫn đưa hàng vào chợ kinh doanh bình thường.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN