Nghịch lý "chơi lan": Nơi bán tiền tỷ, nơi vứt bỏ vì ế không ai mua

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Ở Mỹ, các loài lan thông thường có giá khoảng 10 USD và thường sẽ chỉ lên đến tối đa 100 USD đối với các loài đắt tiền bán sẵn trên thị trường.

Phong lan ma.

Phong lan ma.

Hoa lan được định giá thế nào?

Hoa lan là một trong những loài hoa phổ biến và hấp dẫn nhất trên thế giới. Chúng luôn có mặt trong danh sách những loài hoa đắt nhất và hiếm nhất. Điều này đến từ vẻ đẹp độc đáo và vì một số loài của chúng rất hiếm, đến mức chỉ có thể được nhìn thấy hoa nở một lần trong hàng chục năm.

Lan là loài thực vật có hoa phổ biến được biết đến với những bông hoa nhiều màu sắc, hình dáng kỳ lạ, mùi thơm và giá trị làm cảnh nói chung. Chúng có nhiều loại, bao gồm hơn 30.000 loài và nhiều giống lai.

Theo Planted Shack, ở Mỹ, các loài lan thông thường có giá khoảng 10 USD và thường sẽ chỉ lên đến tối đa 100 USD đối với các loài đắt tiền bán sẵn trên thị trường. Loại hiếm có thể lên tới hàng nghìn USD.

Vậy giá lan được xác định như thế nào?

Những yếu tố tạo nên giá thành của lan bao gồm kích thước, loài, màu sắc, tính chất dễ trồng và các điều kiện sinh trưởng cần thiết.

Yếu tố đầu tiên là giống lan. Lan có nguồn gốc thông thường hoặc dễ tìm thấy sẽ có giá thấp hơn một loài lan có nguy cơ tuyệt chủng. Yếu tố thứ hai sẽ là vị trí, xem xét các yếu tố môi trường và sinh trưởng khác.

Một cây lan thích hợp để trồng ở địa điểm X chắc chắn sẽ có giá thấp hơn so với loại cần phải chăm sóc đặc biệt ở cùng một địa điểm.

Sự chênh lệch giá tương tự sẽ tồn tại khi một cây lan Y được mua từ một người bán hoa ở Beverly Hills, California so với cùng một cây lan được mua từ một cửa hàng ở Cheyenne, Wyoming.

Một yếu tố khác có ảnh hưởng trực tiếp đến giá lan là giai đoạn phát triển cụ thể.

Một cây đã nở hoa chắc chắn sẽ thu hút một mức giá lớn hơn một cây chỉ vừa mới nảy mầm. Cùng với đó, một cây lan có nhiều nụ và đã phát triển đến kích thước hợp lý sẽ có giá cao hơn so với cây có ít nụ hơn và kích thước nhỏ hơn.

Bên cạnh các yếu tố trên, chi phí, thời gian, chuyên môn và các nguồn lực khác, tiêu tốn cho việc trồng và vận chuyển cây lan đem đi bán cũng được tính vào giá.

Các loại lan đắt giá

Lan Nongke Thâm Quyến.

Lan Nongke Thâm Quyến.

Lan hồ điệp được coi là một trong những loài lan được biết đến rộng rãi nhất và bán phổ biến trên thị trường.

Chúng được ưa chuộng vì hoa tươi lâu, có thể nở trong nhiều tuần liên tục và có nhiều màu sắc khác nhau. Dễ dàng sinh trưởng cũng là một lý do khác tạo nên sự phổ biến của loài lan này. Một chậu lan hồ điệp ở Mỹ có giá dưới 50 USD.

Cát lan là một chi phổ biến khác, cứng cáp và chịu được nhiệt độ nên đây cũng là loài lan phổ biến với mức giá từ 25-100 USD tùy loài cụ thể, cho dù là lai hay vô tính. Bên cạnh đó, các mẫu được bán nhiều khác như lan vũ nữ, lan thiên nga đỏ, cũng có mức giá từ 10-35 USD.

Trên thế giới, các mẫu lan đắt tiền nhất có thể kể đến các loài quý hiếm như phong lan ma, có nguồn gốc từ bang Florida và một số vùng của Cuba. Nó hiếm đến mức được liệt kê trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp - một hiệp ước đa phương về bảo vệ các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Lan ma cực kỳ khó trồng khi hầu hết các cây được thu hái từ tự nhiên sẽ chết trong vòng một năm. Vì vậy, lan ma khi được rao bán thường bán hết nhanh và đội giá khá cao trên thị trường chợ đen.

Lan hài “Vàng của Kinabalu” cũng là một loài lan hiếm có tương tự. Loài lan này chủ yếu mọc dọc theo sườn núi Kinabalu trong khuôn viên khép kín của Vườn quốc gia Kinabalu ở Malaysia.

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1987, loài lan này hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng, do đó nó là loài thực vật được chính phủ Malaysia bảo vệ. Hoa của nó có thể mất đến 15 năm để nở, chính vì vậy một gốc của loài lan này có giá 5.000 USD trên thị trường chợ đen.

Lan Nongke Thâm Quyến là loài lan đắt nhất thế giới và không bao giờ có thể được tìm thấy mọc tự nhiên vì nó là một loài lan hoàn toàn do con người tạo ra.

Lan Nongke Thâm Quyến là thành quả của 8 năm nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học nông nghiệp tại Đại học Nongke Thâm Quyến, Trung Quốc. Cây mất khoảng 4-5 năm để nở hoa, với nét đẹp mỏng manh và tao nhã.

Trong một cuộc đấu giá vào năm 2005, cây này đã được bán cho một người đấu giá giấu tên với mức giá hơn 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng).

Thái Lan khốn khổ vì hoa lan

Hoa lan ở Thái Lan rơi vào cảnh bán không ai mua trong đợt Covid-19 vừa qua.

Hoa lan ở Thái Lan rơi vào cảnh bán không ai mua trong đợt Covid-19 vừa qua.

Trong khi các loài lan hiếm có vẫn được người chơi săn đón với giá lên đến tiền tỷ thì ở Thái Lan, ngành công nghiệp hoa lan của nước này đang rơi vào tình cảnh bi thảm.

Khi du lịch toàn cầu sụp đổ vào năm ngoái, ngành hoa lan ở nước xuất khẩu hàng đầu thế giới này cũng sụp đổ theo.

Nhu cầu toàn cầu về hoa cắt cành, từ hoa lan Thái Lan cho đến hoa tulip Hà Lan và hoa hồng Kenya, đã giảm mạnh khi các doanh nghiệp và khách sạn đóng cửa trên toàn thế giới và người tiêu dùng ở nhà.

Hồi tháng 8/2020, Sompong Thaveesuk, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Vườn Lan Thái Lan cho biết, hàng triệu bông hoa lan - được sử dụng để trang trí khách sạn và nhà hàng, lễ kỷ niệm và sự kiện - đã bị cắt và vứt bỏ mỗi ngày vì không tìm được người mua.

“Hầu như không có người mua, và ngay cả khi chúng tôi muốn xuất khẩu hoa, chúng tôi cũng không thể làm được vì hầu hết các chuyến bay đã bị hủy bỏ”, ông Sompong cho biết, ước tính rằng nhu cầu đã giảm 95%.

Thái Lan xuất khẩu hơn một nửa số hoa lan trong ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng trăm triệu USD. Không chỉ các nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn, nhu cầu từ người mua trong nước cũng giảm do du lịch trì trệ.

Các nhà xuất khẩu và trồng lan Thái Lan, sử dụng khoảng 50.000 lao động, hiện chỉ tập trung vào việc duy trì các trang trại hoạt động, trong khi chờ người mua quay trở lại.

Trước đó vào tháng 3/2020, người trồng lan ở Nakhon Pathom còn phải phát những bó hoa lan miễn phí sau khi lượng hoa xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm mạnh.

Hoa lan, một biểu tượng nổi tiếng của Thái Lan, là một loại sản phẩm chủ lực trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của Thái Lan. Thái Lan hiện là nhà xuất khẩu hoa lan số một thế giới, với các loài bán chạy nhất là Dendrobium, Aranda, Arachnis, Oncidium và Vanda.

Các dữ liệu thống kê cho thấy, thị trường hoa lan toàn cầu ước tính khoảng 400 triệu USD, với hầu hết các loại lan có sẵn trên thị trường hiện nay đều đến từ vùng nhiệt đới.

Hiện có hơn 60 thị trường mua hoa lan lớn trên toàn thế giới, với Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc và Ý chiếm 68% lượng hoa lan nhập khẩu toàn cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Trồng thứ mỗi năm chỉ nở hoa 1 lần, ở Việt Nam giá chục triệu/kg

Nhìn bên ngoài không ấn tượng nhưng chúng là hương liệu quan trọng trên thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trương Mạnh Kiên ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN