Mẹo chọn thịt lợn vừa ngon vừa sạch, không lo hóa chất

Thực phẩm bẩn đang một trong những thủ phạm hàng đầu khiến tỷ lệ ung thư đang ngày càng tăng lên ở Việt Nam, trong đó thịt lợn bẩn luôn là nỗi lo sợ đối với người nội trợ.

Làm sao để không mua phải thịt lợn bệnh, thịt lợn tẩm hàn the, lợn “siêu nạc” nuôi bằng chất tạo nạc, chất kích thích tăng trọng… là mối quan tâm hàng đầu của các chị em. Sau đây là một số bí kíp bỏ tủi giúp chị em yên tâm khi chọn mua thịt lợn.

Phân biệt thịt lợn dùng chất tạo nạc

Để lợn nhanh lớn, siêu nạc, dễ bán, các hộ chăn nuôi thường dùng các chất clenbuterol và salbutamol. Đây là hai chất thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của hai chất này làm cho lợn nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc. Về lâu dài tồn dư các chất này trong thịt heo có thể khiến người dùng có các triệu chứng đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng, thậm chí gây ung thư.

Mẹo chọn thịt lợn vừa ngon vừa sạch, không lo hóa chất - 1

Thịt lợn nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng hẳn, khi lợn còn sống da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong. Khi chọn thịt cần tránh loại có lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). Khi thái thịt, nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc.

Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc. Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.

Bên cạnh các loại thịt lợn có thể được nuôi bằng chất tạo nạc, thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều loại được tạo bằng các giống lợn cao nạc hoặc giống siêu nạc và có giá trị dinh dưỡng cao. Mặc dù thường rất khó để phân biệt đâu là thịt lợn từ giống siêu nạc với thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc.

Tuy nhiên, khi mua người tiêu dùng quan sát để chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.

Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Các mẹo chọn mua thịt lợn sạch khác

Mẹo chọn thịt lợn vừa ngon vừa sạch, không lo hóa chất - 2

- Thịt bị bệnh: Da đỏ, thịt đỏ hơn mức bình thường và nội tạng cũng đỏ, bị tụ máu, quá bóng. Thịt lợn có độ đàn hồi kém, nhũn nhão, rỉ dịch ra nhiều, có mùi kháng sinh rất đậm, thịt quá cứng, hoặc quá nhão. Lợn bị bệnh huỳnh đản thì thịt có màu vàng khác thường.

Ngoài ra, nội tạng của những con lợn này thường có màu sậm đen, bị xuất huyết, tụ huyết lốm đốm.

- Lợn chết đã lâu: Thịt sẽ bị phân hủy, có mùi hôi; bì tím bầm, nước luộc đục, không thơm, thậm chí có mùi ôi rất khó chịu. Khi cắt sâu vào miếng thịt sẽ có máu (do lợn chết trước khi chọc tiết nên máu còn tụ lại trong cơ thể).

- Thịt ôi, để lâu: Thịt lợn cũ, để lâu ngoài không khí thường chuyển sang màu xanh.

Nội tạng lợn để lâu ngày sẽ chuyển sang màu sậm, bốc mùi hôi và không còn độ săn chắc mà bị phân hủy; không có độ ánh bóng sáng, nhăn nheo, bủn rộp.

- Thịt tẩm hàn the: Miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, cầm thấy cứng nhưng khô, thớ thịt săn, không dính... Cắt vào bên trong, thịt nhũn nhão, rỉ dịch và có mùi. Thịt ướp muối diêm có độ đàn hồi kém. Nếu rửa thịt, thấy thịt chuyển màu nhợt nhạt và có mùi tanh chứng tỏ là thịt đã bị thoa phẩm màu pha với tiết lợn nhằm mục đích làm cho miếng thịt trông đẹp và tươi hơn.

Ngoài ra, bạn lưu ý, nên mua thịt ở nhưng nơi bán hàng có uy tín để biết rõ xuất xứ, nguồn gốc của thịt và để chắc chắn rằng thịt đã được kiểm định về mặt an toàn, chất lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sức khỏe đời sống
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN