Mất chục tỷ đồng do giao dịch miệng

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá ớt đang rớt thê thảm từ 50.000 đồng/kg xuống còn 8.000 - 10.000 đồng/kg; dừa khô từ 140.000 - 150.000 đồng/chục còn 35.000 - 40.000 đồng/chục; khoai mì ở Tây Nguyên cũng rớt còn 2.000 đồng/kg… đẩy nông dân vào cảnh lỗ nặng. Nguyên nhân là do nhiều hộ mở rộng diện tích quá lớn, trong khi đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi thương lái Trung Quốc giảm thu mua giá rớt ngay lập tức.

Mình tự... hại nhau

Chiều 16-5, trở lại huyện Bình Tân (Vĩnh Long), nơi có vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất ĐBSCL, không khí bao trùm là nỗi âu lo của những người nông dân tay lấm, chân bùn. Ông Đào Văn Duy, một thương lái chuyên thu mua và cung ứng khoai lang tím Nhật cho thị trường Trung Quốc, kể: Cách nay hơn 3 năm, anh Duy tình cờ quen với một vài thương lái Trung Quốc sang Bình Tân mua khoai lang và trở thành cò cho họ. Những năm đó ở Bình Tân ít người làm cò, trong khi thương lái Trung Quốc mạnh tay chi hoa hồng, mua giá cao, nhận hàng dễ dãi… làm cò lời đậm. Chính từ đồng lời béo bở nên không bao lâu đã có trên 50 người đứng ra làm lái khoai. Tuy nhiên, gần đây thương lái địa phương lỗ te tua. Đầu tháng 4-2012, khoai lang còn giá khoảng 600.000 đồng/tạ đến giữa tháng 4 giá xuống 500.000 đồng/tạ và nay còn 220.000 - 300.000 đồng/tạ. Chưa hết, lái Trung Quốc còn quỵt tiền.

Mất chục tỷ đồng do giao dịch miệng - 1


Giá dừa khô ở Bến Tre xuống thấp do thị trường Trung Quốc giảm thu mua. Ảnh: HUỲNH LỢI

Đồng cảnh ngộ trên, anh Út, một thương lái ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân chua chát: lợi dụng nguyên liệu nhiều, thương lái Trung Quốc còn “thừa gió bẻ măng” chê khoai bị da phèn, da cám, khoai lớn… để ép giá, thậm chí không mua. Và thương lái địa phương phải “ôm sô”, chịu lỗ hàng trăm triệu đồng.

Ông Đào Văn Duy cho rằng, do quá nhiều lái địa phương giành mối cung ứng khoai nên bị thương lái Trung Quốc lợi dụng và dùng “chiêu” thiếu tiền gối đầu. Thậm chí họ thiếu liên tục nhiều chuyến liền lên đến hàng tỷ đồng mà chưa chịu thanh toán. “Nếu mình không cung ứng khoai thì có ngay lái địa phương khác giao hàng. Vì sợ mất mối nên ai cũng làm liều bán thiếu”- ông Duy nói.

Trong tháng 4-2012, anh Duy giao 5 xe tải khoai lang hơn 390 tấn, trị giá 1,1 tỷ đồng nhưng mới lấy được 200 triệu đồng. Hơn 2 tuần nay thương lái Trung Quốc đã về nước, chỉ để lại lời hẹn… trả sau. Nhiều thương lái khoai ở Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long) và các tỉnh khác cũng đang bị thương lái Trung Quốc nợ số tiền lớn chưa biết bao giờ đòi được…

Mù tịt về đối tác

Chuyện buôn bán khoai lang tiền tỷ giữa thương lái địa phương và thương lái Trung Quốc lâu nay hết sức đơn giản, không hề có hợp đồng hoặc ràng buộc điều kiện gì cả. Cụ thể khi mua khoai, thương lái Trung Quốc nhờ thông dịch viên điện thoại thương lái địa phương đặt số lượng, giá cả, ngày giao hàng. Do cả tin nhau nên không ai đặt tiền cọc. Vì thế khi gặp lúc giá giảm, tiêu thụ chậm… thương lái Trung Quốc tìm nhiều lý do làm khó và lái địa phương chịu thiệt hoàn toàn. Nhiều thương lái địa phương thừa nhận, dù làm ăn với nhau đã mấy năm nhưng không hề biết lai lịch gì về những thương lái Trung Quốc. Họ ở đâu, buôn bán ra sao, năng lực thế nào… đều mù tịt. Vì vậy, khi bị thương lái Trung Quốc quỵt hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng, chỉ biết điện thoại năn nỉ và phập phồng chờ đợi chứ chẳng biết tìm họ nơi đâu.

Mất chục tỷ đồng do giao dịch miệng - 2

Buôn bán khoai lang giữa lái địa phương và lái Trung Quốc bằng nói miệng không có hợp đồng nên dễ mất tiền

Mang chuyện buôn bán tiền tỷ kiểu “nói miệng” đặt lên bàn, ông Phạm Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Thuận An, huyện Bình Minh, nơi tập trung thương lái Trung Quốc, ông cho biết: “Hàng chục thương lái Trung Quốc sang đây theo dạng khách du lịch, họ đăng ký tạm trú và thuê lại kho vựa để thu mua khoai chở về Trung Quốc tiêu thụ. “Đến nay chưa có thương lái Trung Quốc nào trình báo là doanh nghiệp hay có công ty gì. Khả năng tài chính họ ra sao, làm ăn thế nào… chúng tôi cũng không biết”.

Tại Cà Mau, nhiều chủ vựa cua đang khóc ròng vì bị thương lái Trung Quốc giựt nợ hàng chục tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên chiều 16- 5, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã chỉ đạo ngành công an, quản lý thị trường… nắm tình hình và xử lý theo đúng pháp luật. Tuy nhiên cái khó là việc buôn bán giữa các chủ vựa cua với thương lái Trung Quốc không có hợp đồng nên khó xử lý.

Theo ông Dũng, thương lái Trung Quốc rất “manh”, khi nhờ thương lái địa phương thu mua nguyên liệu, trả tiền… đều núp bóng phía sau nên không chịu trách nhiệm. Những thương lái Trung Quốc này không hề mở thư tín dụng L/C, hay tài khoản để thanh toán. Do đó khi xảy ra sự cố họ bỏ về nước và người địa phương lãnh đủ.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, lâu nay việc buôn bán giữa thương lái địa phương và lái Trung Quốc diễn ra lặng lẽ, không ai đăng ký hay báo cáo ngành chức năng. Đến khi bị giựt nợ mới trình báo công an thì chuyện đã rồi!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huỳnh Phước Lợi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN