Kinh doanh phân bón giả diễn biến phức tạp

Tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài.

Ngày 22.8, tại hội nghị về phân bón và hoá chất trong canh tác, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý 1.390 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón với số tiền hơn 17 tỷ đồng và tịch thu 917 tấn phân bón các loại.

Theo ông Lam, tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như việc phân bón kém chất lượng sản xuất tại Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. “Đối tượng vi phạm cũng rất đa dạng gồm cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân, tư thương, buôn bán nhỏ lẻ... với các hành vi vi phạm chủ yếu là phân bón giả, kém chất lượng, vi phạm về nhãn mác, về giá, hợp đồng, hoá đơn...” - ông Lam nói.

 Kinh doanh phân bón giả diễn biến phức tạp - 1
Một lô phân bón giả vừa được phát hiện ở Đăk Lăk.

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, phân bón là loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất ngành trồng trọt nhưng luôn biến động về giá và nguồn cung, tác động rất lớn đến sản xuất, gây khó khăn và thiệt hại cho nông dân. Đặc biệt, lợi dụng những lúc giá phân bón cao, một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp “cuốc xẻng” đã đưa ra thị trường phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sản xuất và làm thiệt hại cho nông dân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh...

“Hiện cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất và 30.000 đơn vị lớn nhỏ kinh doanh phân bón. Trong khi phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện nên nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã làm ra các mặt hàng kém chất lượng vẫn được tham gia sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng phân bón”- ông Định nói.

Bà Đỗ Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm hiện nay, tổng năng lực sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 8 triệu tấn/năm, đáp ứng được trên 80% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bà Liên cho biết, để quản lý tốt hơn sản xuất, kinh doanh phân bón, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng nghị định về sản xuất kinh doanh phân bón, thay thế Nghị định 113 theo hướng coi mặt hàng phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN