Phân bón: Hai bộ quản vẫn rối

Phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường đang gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong khi đó, các cơ quan quản lý vẫn loay hoay tìm giải pháp.

Chiều 12-6, nhiều đại biểu Quốc hội đã làm “nóng” nghị trường khi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về vấn nạn phân bón giả tràn lan. Dù được cả Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng “chia lửa”, tuy nhiên kết quả của câu trả lời vẫn chỉ là... chờ.

Phân bón: Hai bộ quản vẫn rối - 1

Kinh doanh phân bón trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP HCM. Ảnh: HỒNG THÚY

Một bộ quản mỗi thứ

Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) đưa ra dẫn chứng: Năm 2010 qua kiểm tra 23 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón, với 55 mẫu được phân tích thì có tới 64,3% số mẫu không đạt yêu cầu. Năm 2011 kiểm tra 18 đơn vị sản xuất và 7 đơn vị kinh doanh, với 100 mẫu được phân tích thì có 41,8% số mẫu chưa đạt yêu cầu về hàm lượng đạm, lân, kali. Như vậy có thể thấy sản xuất, kinh doanh phân bón chưa được quản lý chặt chẽ và đến bây giờ thì phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban về vật tư nông nghiệp, khi đề cập đến việc thanh tra chuyên ngành chưa thể kiểm soát được nạn sản xuất, buôn bán phân bón giả, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu phải thốt lên: “Người ta nói không có gì lời bằng sản xuất phân bón. Và dư luận cũng cho rằng hình như đang vắng bóng vai trò quản lý nhà nước về thị trường phân bón”. Bà Thu cho biết hiện tình trạng vi phạm về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là rất nhiều, thế nhưng khi thanh tra thì chỉ phát hiện được những vi phạm về nhãn mác hoặc những vi phạm rất nhỏ. “Đây là điều hết sức mâu thuẫn. Chúng ta phải xem lại cách làm, cách thanh tra chứ đi thanh tra mà rầm rộ thì chắc người ta cũng giấu hết và sẽ không có kết quả”- bà Thu nói.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ NN-PTNT cũng nhận thấy đây là một vấn đề rất bức xúc đối với ngành nông nghiệp, tuy nhiên bộ chỉ quản lý phân hữu cơ, vi sinh; còn phân vô cơ trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng cũng thừa nhận phân bón giả là vấn đề nhức nhối trong dư luận, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người nông dân. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đấu tranh với tình trạng này nhưng kết quả chưa như mong muốn. Lý do là khung pháp lý trong quản lý phân bón còn những bất cập, đồng thời chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Chính vì thế nhiều cơ sở đã bị phát hiện sai phạm, bị xử phạt, nhưng vẫn tái phạm.

Lỗ hổng đáng lo

Theo quy định hiện hành, Bộ NN-PTNT được giao quản lý sản phẩm phân bón hữu cơ và vi sinh; Bộ Công Thương quản lý về phân bón vô cơ. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), khẳng định việc quản lý phân bón đã tồn tại những hạn chế trong nhiều năm. Hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng đến 90% là phân vô cơ. Vì vậy, trách nhiệm quản lý phân bón là của cả Bộ Công Thương chứ không riêng gì Bộ NN-PTNT.

Đánh giá về nguyên nhân để xảy ra tình trạng phân bón giả tràn lan, ông Quảng lý giải do có quá nhiều cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ. Trong khi đó, những quy định về kinh doanh phân bón còn rất chung chung, thậm chí kinh doanh phân bón hiện nay không cần giấy phép. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 600 cơ sở sản xuất phân bón. Trong đó những cơ sở có công nghệ cao, đầu tư trang thiết bị, có vốn lớn không nhiều. Đa phần là cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ thấp, vốn ít. “Chính những đối tượng này là nơi tung ra thị trường những sản phẩm phân bón kém chất lượng” - ông Quảng khẳng định.

Về quản lý chất lượng, một lãnh đạo Cục Trồng trọt cho hay hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng phân bón. Bấy lâu nay, các chỉ tiêu dinh dưỡng chủ yếu là do các doanh nghiệp tự công bố, chính vì vậy một cơ sở nhỏ cũng có thể đưa ra được vài chục loại phân bón khác nhau. “Hiện có hơn 6.000 danh mục phân bón khác nhau nên việc quản lý rất khó khăn. Và đây là một kẽ hở để các cơ sở sản xuất phân bón có thể lợi dụng”- vị này nhận xét.

Để quản lý tốt sản phẩm phân bón, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo nghị định mới thay thế những quy định về quản lý phân bón hiện hành. Trong đó có 2 nội dung mới, đó là quy định phân bón là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, muốn sản xuất phân bón phải có giấy phép, đồng thời sẽ ban hành quy chuẩn kỹ thuật, trong đó quy định ngưỡng tối thiểu phải đạt đối với các chỉ tiêu dinh dưỡng và mức tối đa về chỉ tiêu độc hại... Tuy nhiên, ông Quảng cũng nói rằng vẫn còn một vướng mắc chưa giải quyết được, đó là Bộ Công Thương vẫn quản lý phân vô cơ và Bộ NN-PTNT quản lý phân hữu cơ. Nếu điều này tiếp tục xảy ra thì sẽ còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn trong quản lý.

Phân bón từ đất, muối, gạch non

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thủ tục đăng ký sản xuất phân bón rất dễ (không cần điều kiện gì), ở đâu sản xuất cũng được, thậm chí chỉ cần vài cái xẻng, máy trộn bê - tông mini và vài ba công nhân là thành xưởng sản xuất phân bón. Chất lượng cũng không ai kiểm soát nên mạnh ai nấy làm, nhiều cơ sở sản xuất trộn đất, muối, gạch non nghiền… làm phân bón. Để bán được giá cao, những người làm phân bón kém chất lượng, phân bón giả còn sử dụng màu, mùi đặc trưng theo từng loại phân bón của những hãng sản xuất có tiếng trong nước và thế giới.

N.Hải

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN