Kiểm tra chất lượng hàng hóa: “Bí mật” kết quả thanh tra

Mỗi năm, nhà nước bỏ rất nhiều kinh phí để tiến hành các đợt tổng kiểm tra về chất lượng với nhiều ngành hàng. Thế nhưng, sau những đợt ra quân rầm rộ, kết quả chỉ được công bố hết sức chung chung ở các hội nghị tổng kết như số lượng mẫu có vi phạm, tỉ lệ phần trăm (%) và số tiền thu phạt là bao nhiêu. Còn những thông tin chính xác như tên sản phẩm, thuộc doanh nghiệp (DN) nào, kém chất lượng đến đâu thì không nghe nói tới.

Mỗi khi xảy ra sự cố chất lượng đối với mặt hàng nào đó, các cơ quan quản lý thường nhanh chóng tuyên bố mở đợt tổng kiểm tra toàn diện và hứa sẽ công khai kết quả DN nào làm tốt, DN nào vi phạm để người dân yên tâm sử dụng hàng chất lượng, tẩy chay hàng hóa xấu.

Thế nhưng, lời hứa này thường chỉ được thực hiện tốt thời gian đầu, sau đó, các kết quả kiểm tra dường như chỉ để báo cáo cấp trên hoặc nằm trên bàn giấy. Sự “bí mật” này không chỉ khiến người tiêu dùng tiếp tục chịu cảnh hên xui mỗi khi mua sắm vì không biết đâu là sản phẩm xấu mà còn khiến những DN làm ăn chân chính vạ lây vì bị người tiêu dùng nghi ngờ.

Nguyên nhân được lý giải là do hệ thống pháp luật còn nhiều kẽ hở nên im lặng xử lý thì không sao chứ công khai sẽ rất phiền hà cho cán bộ thực thi vì sợ DN kiện, mà kiện thì cán bộ rất dễ... thua. Lý do này có thể được thông cảm phần nào trong bối cảnh hiện nay nhưng rất khó thuyết phục dư luận.

Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác thanh tra vật tư nông nghiệp năm 2014, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phải công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành.

Bởi vì, công khai vi phạm là điều DN sợ nhất, sợ hơn việc bị phạt tiền vì lo mất thương hiệu, bị người tiêu dùng tẩy chay. Công khai thông tin là điều hết sức đơn giản để loại bỏ những sản phẩm xấu, những DN không chân chính ra khỏi thị trường và thúc đẩy nâng cao chất lượng hàng hóa cho xã hội.

Không chỉ riêng kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa, các hoạt động giám sát khác của cơ quan chức năng đối với DN đến khi nào vẫn còn trong vòng “bí mật” thì hiệu quả sẽ không đi tới đâu bởi xử lý vi phạm một DN cụ thể không chỉ mang ý nghĩa riêng lẻ mà còn có vai trò răn đe, phòng ngừa các DN khác.

Yêu cầu công khai cũng buộc các cán bộ thực thi phải tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật trong suốt quá trình thanh kiểm tra vì đó là cách duy nhất bảo vệ họ nếu bị DN kiện tụng sau này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Nhi (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN