Khoai tây nhập khẩu vẫn đội lốt “hàng Đà Lạt”, vì sao?
Thực trạng khoai tây Trung Quốc bị các tư thương “phù phép” biến thành khoai tây Đà Lạt xuất đi tiêu thụ khắp nơi với giá cao kiếm lời bất chính đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua.
Sau mỗi lần bị báo chí “phanh phui” hành vi gian dối này, các cơ quan chức năng địa phương lại khẩn trương vào cuộc. Tuy nhiên, mọi việc chỉ tạm lắng được một thời gian ngắn, tình trạng cũ lại tiếp tục tái diễn công khai.
Còn nhớ, vào năm 2016, sau khi bị báo chí phản ánh, lật tẩy thủ thuật của không ít gian thương tại chợ nông sản Đà Lạt, nhập khoai tây Trung Quốc với giá rẻ về rửa sạch, dùng đất đỏ (loại đất đặc trưng của Đà Lạt) rắc lên cho giống với khoai tây được trồng tại địa phương sau đó đóng vào bao bì mới và vận chuyển đi tiêu thụ, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo cấm bôi đất Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc, đồng thời trong mỗi bao bì đựng khoai tây Trung Quốc trước khi xuất đi tiêu thụ phải có tem, ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đó là Trung Quốc hoặc Đà Lạt, nếu đó là sản phẩm khoai tây của địa phương.
Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Lạt phát hiện một vụ khoai tây Trung Quốc làm giả thành khoai tây Đà Lạt ngày 21-8.
Đây là biện pháp được cho là hữu hiệu nhất để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, lựa chọn mà không lo bị nhầm lẫn, mắc lừa. Dù vậy, công tác dán tem cho khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt chỉ duy trì được thời gian ngắn, khi sự bức xúc của dư luận lắng xuống thì mọi việc lại diễn ra như cũ, khoai tây Trung Quốc vẫn được “mặc áo Đà Lạt” trước khi tiêu thụ.
Theo giá ghi trong hóa đơn, các tư thương ở chợ đầu mối nông sản Đà Lạt thường nhập khoai tây Trung Quốc thông qua một số doanh nghiệp ở Lạng Sơn với giá dao động khoảng 2.500-5.000 đồng/kg tùy vào thời điểm.
Sau khi qua các bước đơn giản như cho vào máy rửa sạch lớp đất bám trên củ khoai, để ráo nước rồi rắc lên một lớp đất đỏ của Đà Lạt, phân loại, đóng vào bao bì, các tiểu thương sẽ xuất đi tiêu thụ dưới mác khoai tây Đà Lạt với giá cao gấp nhiều lần giá gốc.
Theo Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, mùa khoai tây của địa phương thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Thời gian tích trữ của khoai tây Đà Lạt thường không quá 2 tháng, sau đó sẽ nảy mầm, hư hỏng nếu không kịp tiêu thụ.
Vào những tháng Đà Lạt không có khoai tây để cung cấp cho thị trường quen thuộc, nhiều tư thương ở thành phố này và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng thường nhập khoai tây Trung Quốc với số lượng rất lớn, sau đó vận chuyển đi nhiều nơi tiêu thụ, lớn nhất là thị trường TP Hồ Chí Minh.
Điều đáng nói, các tư thương cố tình tạo sự nhập nhằng về nguồn gốc, xuất xứ bằng cách “phù phép”, biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt trước khi đưa đi tiêu thụ.
Không thể nói là các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không biết sự việc, hành vi này đã bị báo chí nhiều lần lên tiếng, UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt cũng đã không ít lần có chỉ đạo chấn chỉnh, ngăn chặn, làm rõ, xử lý nghiêm.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng còn chi hơn 1 tỷ đồng để triển khai “Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt”, nhằm chống lại tình trạng khoai tây Trung Quốc tuồn về địa phương này, sau đó mạo danh thương hiệu khoai tây Đà Lạt rồi đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Điều khó ngờ là trong khi đề án đang triển khai thì các tư thương vẫn dùng khoai tây Trung Quốc để làm giả khoai tây Đà Lạt.
Điển hình là chiều 21-8 vừa qua, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Lạt phát hiện tại quầy số 19, chợ nông sản Đà Lạt, do bà Đoàn Thị Chè làm chủ, một nhóm người đang trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc. Bà Chè trình bày mua khoai tây Trung Quốc của bà Trần Thi Thùy Trang tại quầy số 54 (chợ nông sản Đà Lạt) với giá 7.000 đồng/kg, rồi “tân trang” bán với giá 8.000 đồng/kg.
Còn bà Trang cho biết mua khoai tây Trung Quốc giá 3.740 đồng/kg. Tiếp đó, ngày 22-8, Công an TP Đà Lạt lại bắt quả tang cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Hiệp, đường Tự Phước, TP Đà Lạt, đang nhuộm đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc.
Bà Hiệp trình bày việc nhuộm đất khoai Trung Quốc là theo đơn đặt hàng của khách. Theo bà Hiệp, mỗi tháng, cơ sở của bà cung cấp từ 6 - 12 tấn khoai tây Trung Quốc đã nhuộm đất đỏ Đà Lạt về các chợ đầu mối tiêu thụ.
Trong chuyến công tác tại Lâm Đồng vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cập đến việc nông sản Đà Lạt bị một số nông sản có xuất xứ từ nước ngoài giả danh, đội lốt với sự tiếp tay của các tư thương và không ngoại trừ có sự liên quan của cơ quan quản lý nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng phải có biện pháp ngăn chặn triệt để, xử lý dứt điểm để bảo vệ thương hiệu nông sản địa phương và nông dân Đà Lạt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận, tình trạng nông sản Trung Quốc bị tiểu thương giả mạo thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của Đà Lạt đã tồn tại từ nhiều năm qua. Tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này nhưng các sở, ngành vẫn chưa xử lý dứt điểm.
“UBND tỉnh đã giao cho UBND TP Đà Lạt ban hành quy chế để quản lý chợ nông sản Đà Lạt, chỉ đạo UBND các huyện Đức Trọng và Đơn Dương tập trung quản lý, giám sát các tiểu thương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng hàng nông sản Trung Quốc giả danh hàng Đà Lạt.
Giao cho Sở Công Thương cử cán bộ giám sát, trinh sát ngoài giờ để kịp thời phát hiện xe các vựa nhận hàng từ Trung Quốc sau đó đưa đi bán dưới danh là nông sản Đà Lạt để xử lý theo quy định”, ông Phạm S nói.
Riêng ở chợ nông sản Đà Lạt, ngoài sự quản lý trực tiếp của Ban quản lý chợ còn có Phòng Kinh tế Đà Lạt, Đội Quản lý thị trường,…
Với lực lượng quản lý “hùng mạnh” như vậy nhưng khoai tây Trung Quốc vẫn được công khai làm giả khoai tây Đà Lạt trong nhiều năm qua. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có sự tiếp tay, bao che của cơ quan quản lý nhà nước?
Sáng nay (22-8), lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bắt quả tang thêm một vụ mạo danh thương...