Hút vốn FDI, cần tạo môi trường thông thoáng

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có tiềm năng khá lớn trong thu hút vốn FDI từ Mỹ, song nếu quản lý chưa thông thoáng, Luật đầu tư chưa hoàn thiện, trình độ tay nghề lao động chưa được nâng cao, … thì cơ hội này sẽ trôi qua.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố gói kích thích kinh tế Mỹ lần thứ 3 (gọi tắt là QE3). Theo đó, hoạt động này sẽ giúp các Ngân hàng Mỹ cho vay nhiều hơn và đồng thời giảm lãi suất cho vay.

40 tỷ USD được bơm vào nền kinh tế Mỹ mỗi tháng sẽ khiến lãi suất dài hạn giảm xuống trong tương lai. Khi lãi suất dài hạn giảm xuống, doanh nghiệp Mỹ sẽ có nhiều lựa chọn hơn để đầu tư tăng trưởng trong tương lai và QE3 sẽ được thực hiện cho đến khi kinh tế Mỹ phục hồi.

Theo đó, ngay từ ngày 14/9 , FED sẽ khởi động chiến dịch mua lại các trái phiếu có liên quan tới thế chấp. và cũng ngay trong tháng 9 này, FED dự kiến tung ra 23 tỷ USD và sau đó mỗi tháng sẽ tung ra 40 tỷ USD để mua trái phiếu. Tối thiểu từ nay đến cuối năm FED sẽ tung thêm khoảng 85 tỷ USD vào thị trường. Với gói kích thích kinh tế QE3 này được FED hy vọng sẽ kích thích chi tiêu tiêu dùng, qua đó tạo điều kiện cho các công và vực dậy nền kinh tế Mỹ. Và theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nếu gói kích thích này được thực hiện tốt sẽ có tác động tích cực tới xuất khẩu Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế: Mỹ đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam về xuất khẩu . Vì thế sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam.

Với giả thiết QE3 giúp kinh tế Mỹ phục hồi nhanh, kéo theo tác động tích cực tới xuất khẩu Việt Nam. Và để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam cần tập trung vào các mặt hàng thế mạnh và có lợi thế cạnh tranh. Nhưng quan trọng hơn là từ tác động của QE3, doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ sử dụng ưu đãi vay vốn nhưng không phải để sản xuất nội địa, mà sẽ đưa luồng vốn này sang những nơi có chi phí rẻ hơn, quản lý thông thoáng, minh bạch để sản xuất. Việt Nam hoàn toàn có thể là điểm đến của dòng đầu tư này. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam cần tăng cường năng lực để thu hút và hấp thu tốt dòng đầu tư này.

TS. Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết : Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Các dòng vốn FDI vào Việt Nam có nhiều dạng khác nhau, có thể là dòng vốn đầu tư trực tiếp và cũng có thể là dòng vốn đầu tư gián tiếp. Câu hỏi đặt ra là môi trường đầu tư Việt Nam đã đủ thông thoáng, minh bạch… để thu hút luồng đầu tư này chưa?

Theo một số chuyên gia kinh tế khác, Việt Nam có tiềm năng khá lớn trong thu hút vốn FDI từ Mỹ, song nếu quản lý chưa thông thoáng, Luật đầu tư chưa hoàn thiện, trình độ tay nghề lao động chưa được nâng cao, … thì cơ hội này sẽ trôi qua.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang chuyển đổi và nỗ lực rất lớn cải thiện môi trường đầu tư. Trên thực tế, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng coi các cải cách thủ tục pháp lý ở Việt Nam như: chính sách một cửa, dịch vụ hành chính công, hay việc Chính phủ linh hoạt trong điều chỉnh chính sách theo nguyện vọng của DN là một trong những thành công điển hình. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN