Hóa đơn điện tăng 3 lần: Sẽ xem xét sửa đổi biểu giá

“Sai sót kỹ thuật khiến hóa đơn tiền điện tăng thì ngành điện phải kiểm tra xử lý, còn bậc thang giá điện bất hợp lý thì chúng tôi sẽ cùng với Bộ Công Thương nghiên cứu xem xét lại ngay trong thời gian tới”. Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ Tài chính tại cuộc họp báo thường kỳ quý II diễn ra chiều 30.6.

“Thủ phạm”: Biểu giá điện lũy tiến!

Như Dân Việt đã thông tin, nhiều người dân Hà Nội cho biết hóa đơn tiền điện tháng 5 và 6 vừa qua của gia đình họ đã tăng vọt, không ít hộ tiền điện đã tăng gấp 3 lần. Thậm chí, có người còn đưa ra bằng chứng hóa đơn tiền điện của gia đình mình tăng tới 6-7 lần.

Hóa đơn điện tăng 3 lần: Sẽ xem xét sửa đổi biểu giá - 1

Cách tính giá điện sinh hoạt của ngành điện đang khiến người dân bức xúc. Ảnh:   T.L

Lý giải về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng vọt tại cuộc họp báo chiều qua, bà Nguyễn Thị Thúy Nga- Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, về thẩm quyền, Bộ Công Thương mới là cơ quan chủ trì về mặt Nhà nước với mặt hàng điện. Tuy nhiên, với tư cách cơ quan phối hợp về giá điện, Bộ Tài chính cũng nhận thấy, hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt là do biểu giá lũy tiến đang áp dụng hiện nay. Người dân sử dụng điện nhiều thì đơn giá bị đội lên cao.

“Biểu giá lũy tiến chúng ta đã áp dụng từ lâu và phổ biến với các mặt hàng mà cung lớn hơn cầu, không chỉ với mặt hàng điện mà với cả nước sinh hoạt. Tiền điện tăng cao do nắng nóng, người dân sử dụng nhiều nên theo biểu giá điện lũy tiến, số tiền phải trả tăng lên”- bà Nga nói

Ngành điện cũng đã có không ít câu trả lời về vấn đề này song thực tế năm nay, mức độ bức xúc của người dân về hóa đơn điện tăng vọt đã lớn hơn rất nhiều so với mọi năm. Lý do không chỉ là giá điện đã tăng tới 7,5% từ 16.3.2015 mà đi theo nó là biểu giá điện lũy tiến “đáng ngờ” có độ cách biệt khá lớn về giá. Biểu giá điện mới từ 7 bậc rút lại chỉ còn 6 bậc, thêm vào đó, lượng điện giá rẻ bị khống chế thấp xuống chỉ còn 50kWh thay vì 100kWh, khoảng cách tính giá cao cũng được nới rộng ra và tính lũy tiến.

Bà Thúy Nga khẳng định: “Nếu có sai sót kỹ thuật trong việc ghi chỉ số điện thì ngành điện phải kiểm tra và xử lý. Còn nếu cách tính giá điện theo lũy kế bậc thang có vấn đề bất hợp lý thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét để sửa đổi trong biểu giá điện thời gian tới”.

Không có biểu giá lũy tiến, dân vẫn tiết kiệm điện

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) cũng nhiều lần cho biết, EVN HANOI đã có đường dây nóng giải quyết các khiếu nại của khách hàng về giá điện. Đã có nhiều trường hợp được kiểm tra nhưng cho tới thời điểm này, EVN HANOI chưa phát hiện bất cứ sai sót kỹ thuật nào khiến hóa đơn điện của người dân tăng vọt.

Trước đó trao đổi với báo chí, ông Đinh Thế Phúc- Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương cũng cho rằng, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt đã được thiết kế theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần. Mục đích là nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Theo đó, hộ sử dụng điện nhiều, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng hoặc không tiết kiệm điện sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn. Ông Phúc cũng khẳng định việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, không có biểu giá điện lũy tiến thì người dân vẫn tiết kiệm điện một cách tối đa. “Tiền điện của gia đình người dân phải bỏ từ túi của mình ra nên dù thêm một đồng họ cũng phải chắt bóp, không ai lãng phí vì giá rẻ. Đây là cách lý giải mang tính áp đặt, độc quyền của ngành điện và cơ quan quản lý điện”- ông Long nói.

Tại không ít cuộc họp của EVN, lãnh đạo của tập đoàn này cũng thừa nhận, tiết kiệm điện trong tiêu dùng sinh hoạt của người dân đã rất nhiều và hiệu quả. Chỉ có các cơ quan văn phòng, các doanh nghiệp mà tiền điện phải trả kiểu “cha chung không ai khóc” thì mới lãng phí. “Chúng ta nên áp đặt biểu giá điện cao dần ở nơi lãng phí điện, không nên áp đặt biểu giá điện cao dần với điện sinh hoạt của người dân”- chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng kiến nghị.

Theo ông Thắng, các phương án điều chỉnh giá điện và biểu giá điện trước nay không được công khai cho người dân trước khi áp dụng nên các chuyên gia và người dân không có được thông tin để có ý kiến phản biện là mức giá đó, biểu giá đó hợp lý hay không. Do đó, với những bức xúc về giá điện sinh hoạt hiện nay, rất cần có một đề án phản biện, đánh giá tính hợp lý của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành để sớm có những điều chỉnh, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của người dân.

Ông Đinh Thế Phúc cũng đã hứa, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đánh giá việc thực hiện và nghiên cứu cơ chế giá bán điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN