EVN tăng giá điện không vì lợi nhuận (?)

“Tăng giá điện 7,5% từ 16.3 tới sẽ giúp EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tăng doanh thu thêm 13.000 tỷ đồng và đem lại mức lãi khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tăng giá điện lần này không phải vì mục tiêu lợi nhuận cho EVN…” - đây là thông tin được công bố tại cuộc họp báo của EVN về việc tăng giá điện chiều 6.3.

Theo ông Đinh Quang Tri-Phó Tổng Giám đốc EVN, mức tăng giá điện cụ thể cho từng đối tượng sử dụng sẽ do Bộ Công Thương ra quyết định, gọi là biểu giá bán lẻ điện. Sẽ có một số đối tượng tăng giá trên mức trung bình, một số đối tượng dưới, như tiêu thụ dưới 100 kWh giá sẽ tăng dưới 7,5%. Hộ kinh doanh dự kiến dưới mức giá điện 7,5%. Hộ sản xuất đang hưởng mức thấp sẽ tăng giá trên 7,5%.

“Lợi nhuận 0% đã là quá tốt”

Ông Tri cho biết, bù đắp đầy đủ chi phí phát sinh, có lợi nhuận 3% thì giá điện phải tăng 12,8%, nhưng EVN kiến nghị tăng giá điện chỉ 9,5%.

EVN tăng giá điện không vì lợi nhuận (?) - 1

Giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3

“Lợi nhuận của EVN sẽ chỉ tăng khoảng 3% nếu giá điện tăng 9,5%. Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án tăng giá điện: 7,5%, 8,5% và 9,5%. Khi họp, Chính phủ và các bộ ngành phân tích nếu tăng 7,5% thì lợi nhuận của EVN chỉ tăng 1%, xử lý được khoản lỗ chênh lệch khoảng 10.000 tỷ đồng trong tổng số khoãn lỗ 17.000 tỷ đồng của EV”- ông Tri thông tin.

Sau khi cân nhắc, quyết định chỉ điều chỉnh tăng giá điện 7,5%, Chính phủ yêu cầu EVN phải đạt được chỉ tiêu tổn thất điện năng xuống 8%, tăng năng suất lao động, điều hành hiệu quả để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, ít nhất trên 1%.

Cụ thể hơn, ông Tri tính: Nếu lợi nhuận tăng 1% tức EVN sẽ thu lãi khoảng 1.500 tỷ đồng. Với mức giá điện tăng lên 7,5% tới thì doanh thu của EVN sẽ tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.

Nói về mức lợi nhuận tăng thêm, ông Tri cũng chia sẻ: “Chúng tôi mơ ước lợi nhuận 0% là đã tốt rồi vì mục tiêu của chúng tôi không phải là doanh nghiệp vì lợi nhuận mà vì phục vụ xã hội. Nhưng nếu lỗ thì EVN không có nguồn lực để đầu tư, không có điện để phục vụ. Tất cả các nguồn lực lợi nhuận nếu có thì phần lớn sẽ chuyển sáng đầu tư”.

Cũng đánh giá về tác động tăng giá điện tới các hộ tiêu thụ với mức tăng 7,5%, ông Tri cho biết, đối với điện sinh hoạt, sử dụng 50 số đầu chênh lệch chưa đến 4.800 đồng/tháng. Hộ sản xuất, tùy theo giá thành của từng hộ tiêu thụ. Mức tăng từ 0,06-0,6% tùy từng hộ.

EVN và Bộ Công Thương sẽ xây dựng biểu giá bán điện phù hợp, bậc thang đơn giản hơn. Giá điện kinh doanh dịch vụ sẽ được thu hẹp khoảng cách với giá điện sản xuất. Hộ nghèo sẽ vẫn được hỗ trợ tiền điện…

Giá điện sẽ còn tăng?

Theo quy hoạch tổng sơ đồ điện 7, giá trần bán lẻ điện là 1.835 đồng/kWh. Với đợt điều chỉnh này giá điện tăng lên 1.622 đồng/kWh. Như vậy, EVN còn dư địa tăng giá điện thêm 12-13% nữa.

Câu hỏi được đặt ra là sắp tới giá điện sẽ được điều chỉnh như thế nào? Ông Tri cho biết: “Thực hiện theo Quyết định 69 của Chính phủ, EVN sẽ tính toán hàng tháng, nếu đủ điều kiện tăng giá điện thì trình tăng. Nếu giá khí ổn định, than không tăng thì điều chỉnh giá điện tiếp trong năm nay sẽ không cần. Song nếu đầu vào biến động lớn sẽ phải báo cáo. Nguyên tắc điều chỉnh giá điện là chi phí phát sinh phải bổ sung”.

Tuy nhiên, ông Tri cũng khẳng định: “Giá điện thời gian tới (năm 2015) chắc sẽ ổn định”. Theo nhận định của ông Tri, năm nay ngân hàng tiếp tục thông báo điều hành tỷ giá ổn định nên chênh lệch dự kiến không phát sinh nhiều. Giá khí Chính phủ cũng đã có lộ trình và không còn điều chỉnh nhiều nữa. Giá than trong năm nay cũng chưa có thông báo của tập đoàn than về việc tăng giá than. Hơn nữa, giá than thế giới đang giảm cũng tạo sức ép cho ngành than không thể tăng giá than được mà phải theo thị trường. “Đây là các yếu tố làm cho giá điện trong nước ổn định và nếu các hộ tiêu thụ điện tiết kiệm điện sử dụng thì áp lực lên giá điện cũng sẽ ít đi”- ông Tri cho biết.

Trước ý kiến giá điện còn chưa minh bạch, ông Tri chia sẻ: “EVN cũng muốn minh bạch, song đặc thù ngành điện là sản xuất tiêu thụ xảy ra đồng thời, số lượng hộ tiêu thụ cực lớn, khoảng 22 triệu hộ. Họ tiêu thụ thế nào, mỗi nơi có nhu cầu riêng nên rất khó để có thể tách bạch mà chỉ tương đối”.

Ông Tri cho biết, công ty mẹ EVN chỉ tự sản xuất điện chiếm khoảng 15-17% tổng sản lượng điện, 83% còn lại phải mua. Giá bán lẻ điện phụ thuộc vào tỷ lệ 83% biến động như thế nào.

“Với mức tăng 7,5% thì giá điện đã tương đối thỏa đáng với các nhà đầu tư trong nước, song với các nhà đầu tư nước ngoài thì còn thấp và chưa thu hút được họ đầu tư vào các dự án điện”, ông Tri nói .

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng khẳng định: Phương án tăng giá điện 7,5% đã được kiểm tra tất cả các thông số đầu vào từ 1.8.2013 đến 31.1.2015, tính toán các yếu tố tăng và giảm. Quá trình xem xét tăng giá điện đã xem xét tổng hợp các yếu tố, đánh giá tác động CPI, GDP. Lần điều chỉnh giá lần này, tổ công tác kiểm tra kinh tế vĩ mô đã xem xét phương án giá. Đã thực hiện công khai minh bạch theo đúng quy định Nhà nước. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN