Hậu quả khó lường từ việc nuôi động vật hoang dã làm thú cưng

Trào lưu nuôi động vật hoang dã làm thú cưng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe con người và gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Bài 1: Chiêu trò biến thú rừng quý hiếm thành thú cưng

Mèo rừng bị rao bán trên “chợ mạng”. Ảnh: Vũ Lực.

Mèo rừng bị rao bán trên “chợ mạng”. Ảnh: Vũ Lực.

Phát tán dịch bệnh nguy hiểm

Theo Tổ chức Động vật châu Á (AAF), việc nuôi nhốt động vật hoang dã khiến chúng bị tách khỏi môi trường tự nhiên, quá trình vận chuyển khiến chúng không được đảm bảo về sức khoẻ, tâm lý. Điều kiện nuôi nhốt không phù hợp cũng khiến vật nuôi hoang dã dễ có những hành vi mất kiểm soát.

Nhiều vật nuôi hoang dã có thể ủ mầm bệnh và dễ dàng lây sang cho con người. Ví dụ, rùa và bò sát thường mang theo vi khuẩn Salmonella, khi xâm nhập vào cơ thể người gây tiêu chảy, sốt, co thắt dạ dày, thương hàn, thậm chí là tử vong (theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ - FDA). Ước tính vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho khoảng 1,35 triệu người, với 26,500 người nhập viện, và 420 người tử vong hàng năm ở Mỹ (theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ - CDC).

Rùa sa nhân có trong sách đỏ được tìm mua để làm thú cưng. Ảnh: Vũ Lực.

Rùa sa nhân có trong sách đỏ được tìm mua để làm thú cưng. Ảnh: Vũ Lực.

Ông Phạm Đức Phúc – Chuyên gia y tế công cộng, Điều phối viên “Mạng lưới Một sức khoẻ các trường đại học Việt Nam” cho biết, các loài động vật hoang dã có thể mang vi khuẩn và các gen kháng sinh do việc dùng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi, thú y. Thậm chí người ta dùng cả loại kháng sinh bị cấm để chữa bệnh cho thú cưng.

Nguy hiểm hơn, khi vô tình bị động vật cắn mà loài này mang chủng gen kháng thuốc thì người bị cắn nếu nhiễm trùng rất khó tìm được kháng sinh điều trị.

“Mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết vì không có thuốc kháng sinh điều trị, dự báo đến năm 2030 trên thế giới có 10 triệu người tử vong do không có thuốc kháng sinh điều trị” – ông Phúc chia sẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 70% các dịch bệnh mới nổi trong vòng 30 năm qua đã có nguồn gốc từ động vật và rất nhiều trong số đó có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Cụ thể, dịch SARS (năm 2002), dịch Ebola (năm 2014) và đại dịch COVID-19 (khởi phát năm 2018)… đều được cho là bắt nguồn từ động vật hoang dã.

Đe dọa đa dạng sinh học

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF cũng cảnh báo, hoạt động mua bán động vật hoang dã để làm vật nuôi sẽ tạo ra làn sóng khai thác không bền vững các loài động vật hoang dã trong tự nhiên. Việc nuôi động vật hoang dã vô tình thúc đẩy hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã.

“Mua bán thú nuôi hoang dã đang là một trong những lý do khiến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trở thành mối đe doạ lớn đối với đa dạng sinh học. Thực tế, đây là mối đe doạ trực tiếp lớn thứ 2 đối với sự sinh tồn của các loài, chỉ sau việc môi trường sống ngoài tự nhiên của chúng bị phá huỷ” – WWF nhấn mạnh.

Con mèo rừng này đã được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội. Ảnh: Vũ Lực.

Con mèo rừng này đã được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội. Ảnh: Vũ Lực.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật Việt Nam, không phải loài động vật hoang dã nào cũng được phép nuôi giữ. Có một số loài được phép nuôi nhốt nếu có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp và được cấp có thẩm quyền cho phép. Còn đối với những loài thuộc danh mục động vật nguy cấp quý hiếm, nằm trong sách đỏ cần được bảo tồn hoặc đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng, việc săn bắt, mua bán và sở hữu là bất hợp pháp, nếu phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đến 400 triệu đồng (quy định tại Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP); hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” tại Điều 234, tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244 (Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cụ thể, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người có các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật; hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ, tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 1 - 15 năm”…

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều loài động vật quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng bị rao bán công khai. Những loài có hình thức đẹp được các tay chơi tìm mua làm thú cưng, còn những loài khác xấu hơn thì chung số phận… lên bàn nhậu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VŨ PHƯƠNG DUNG ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN