Hà Nội: Trồng nhãn đặc sản, miền đất này thu 400 tỷ đồng/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại Hội nghị “Hợp tác các tỉnh phát triển sản xuất, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản nhãn chín muộn TP.Hà Nội năm 2018”.

Trồng nhãn đặc sản, thu 400 tỷ đồng/năm

Hội nghị do Sở NNPTNT Hà Nội phối hợp UBND huyện Quốc Oai, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức ngày 22.8. Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội hiện có hơn 17.700ha diện tích trồng cây ăn quả, với nhiều loại khác nhau.

Trong số các loại cây ăn quả chiếm diện tích lớn, cây nhãn đứng thứ 3 với diện tích hơn 1.700ha, sản lượng bình quân gần 30.000 tấn/năm, doanh thu khoảng 400 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu các loại cây ăn quả trên địa bàn thành phố.

Năm 2018, tổng diện tích trồng nhãn toàn thành phố là 1.722ha, trong đó có khoảng 600ha trồng nhãn chín muộn (giống HTM1, HTM2). Hiện các giống nhãn chín muộn được trồng tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng…

Hà Nội: Trồng nhãn đặc sản, miền đất này thu 400 tỷ đồng/năm - 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu (thứ 2 từ trái) thăm các gian hàng nhãn chín muộn. Ảnh: T.H,

Nói về giống nhãn chín muộn, lãnh đạo Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Đây là giống nhãn đặc sản, có thời gian thu hoạch dài và muộn nhất trong tất cả các giống nhãn. Cụ thể: Thời gian thu hoạch nhãn chín muộn từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 hằng năm.

Năm 2018, sản lượng nhãn chín muộn của Hà Nội đạt khoảng 11.000 tấn, tăng 15% so với năm 2016 (năm 2017 nhãn chín muộn trên địa bàn TP.Hà Nội bị mất mùa), giá trị thu nhập ước đạt 575 triệu đồng/ha. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là TP.Hà Nội.

“Hiện nay, Sở NNPTNT Hà Nội đã chứng nhận được khoảng 100 cây nhãn chín muộn đầu dòng, cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép cây giống nhãn chín muộn cho các tỉnh bạn như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…” - ông Đại thông tin.

Đẩy mạnh liên kết người trồng nhãn với DN

Là một trong những đơn vị trọng điểm của Hà Nội về trồng nhãn, với thương hiệu lâu năm “nhãn méo”, hay còn gọi là “nhãn muộn Đại Thành”, ông Nguyễn Huy Anh - Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có hơn 1.600 hộ trồng nhãn với tổng diện tích 175ha, trong đó có 155ha đã cho quả, còn 20ha mới trồng. Năm 2018, thời tiết thuận lợi nên người trồng nhãn chín muộn Đại Thành bội thu, sản lượng dự kiến đạt 2.500 – 3.000 tấn, giá trị khoảng 60 tỷ đồng. Tận dụng mùa hoa nhãn, người dân địa phương đã nuôi ong (khoảng 5.000 đàn) và từ đầu mùa đến nay đã thu hoạch hơn 50 tấn mật, thu hơn 7 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn có thu nhập không nhỏ từ bán cây giống, mắt ghép”.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã trao chứng nhận QR code truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhãn chín muộn cho huyện Quốc Oai. Lãnh đạo Sở NNPTNT thành phố Hà Nội trao quyết định chứng nhận VietGAP cho sản phẩm nhãn chín muộn của xã Đại Thành. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai cũng tổ chức lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm với 11 doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND xã Đại Thành, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nhãn muộn, Sở NNPTNT Hà Nội, UBND huyện Quốc Oai đã hỗ trợ cho nông dân xã Đại Thành áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

“Năm nay, để tránh tình trạng "được mùa mất giá", người trồng nhãn Đại Thành mong muốn Sở NNPTNT và các ban ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết với các đơn vị tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm nhãn Đại Thành tới đông đảo người dân, DN trong và ngoài nước”.

Là 1 trong 11 DN tham gia lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị, ông Đỗ Hoàng Thạch – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Việt phấn khởi nói: “Tại hội nghị này, chúng tôi đã kết nối tiêu thụ trực tiếp với 2 đơn vị sản xuất là: HTX nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai), Hiệp hội nhãn muộn Hoài Đức và 1 hộ trồng nhãn chín muộn ở Đại Thành. Cùng với đẩy mạnh thu mua, Tập đoàn An Việt sẽ tập trung vào công tác xúc tiến thương mại, tăng cường mở các chuỗi cửa hàng thực phẩm tại các khu chung cư…”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô và huyện Quốc Oai trong việc phát triển các loại nông sản đặc sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là nhãn chín muộn.

Ông Sửu đề nghị thời gian tới, ngành nông nghiệp và Công Thương Hà Nội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với huyện Quốc Oai và các địa phương khác của thành phố, tích cực mở rộng diện tích trồng nhãn chín muộn theo tiêu chuẩn VietGAP, giữ vững thương hiệu nhãn chín muộn, hướng tới xuất khẩu sang các nước ASEAN và các thị trường tiềm năng khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hà ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN