Giữa tâm bão dịch tả lợn Châu Phi: Đìu hiu nơi thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc

Giá lợn liên tục rớt từ 40.000/kg xuống 35.000/kg và dự báo còn xuống thấp hơn nữa. Hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn thuộc các xã Ngọc Lũ, Bồ Đề, Hưng Công ...(Bình Lục - Hà Nam) đang điêu đứng trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi ngày càng lan rộng.

Giá liên tục giảm

Chợ đầu mối gia súc thuộc xã Bối Cầu (Bình Lục - Hà Nam) được ví như thủ phủ về buôn bán lợn lớn nhất miền Bắc hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi ngồi cả tiếng đồng hồ quan sát cũng chỉ thấy lèo tèo chục chiếc xe chở vài con lợn đến rồi lại đi. “Từ khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, thương lái ở các tỉnh cũng chẳng màng đến để buôn, bán nữa. Mỗi ngày chỉ lèo tèo chục xe thế thôi” - anh Nguyễn Xuân Lộc, quản lý chợ đầu mối này cho biết.

Theo anh Lộc, trước đây, khi chưa có dịch tả lợn xuất hiện thì mỗi ngày hàng trăm lượt xe của thương lái đến thu mua với mức tiêu thụ từ 500 đến cả nghìn con lợn đi khắp các tình thành trong cả nước. “Khoảng một tuần nay, Thái Bình, Nam Định, Binh Bình, Thanh Hóa... đều có lệnh cấm lợn từ các tỉnh thành đến và đi nên mọi giao dịch dường như đóng cửa” - anh Lộc cho hay.

Giữa tâm bão dịch tả lợn Châu Phi: Đìu hiu nơi thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc - 1

Chợ gia súc, gia cầm Bình Lục được mệnh danh là thủ phủ lớn nhất miền Bắc về buôn bán lợn trước đây, giờ tiêu điều, vắng bóng thương lái.

Giữa tâm bão dịch tả lợn Châu Phi: Đìu hiu nơi thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc - 2

Liên tục rớt giá, các thương lái tại Thủ phủ này cũng hờ hững hơn với việc giao dịch.

Chị Nguyễn Thị Lan, thương lái tại chợ đầu mối này cũng cho biết, gia đình chị thu mua từ những hộ chăn nuôi trong các xã lân cận về chợ bán lại cho các tiểu thương buôn đi các tỉnh thành. Thế nhưng, lợn mua về rồi mà không bán đi được. “Giá mua của các hộ dân là 35.000/kg tuy nhiên về đến chợ các thương lái trả có 33.000 -34.000/kg thì còn buôn bán cái nỗi gì. Chưa kể công sức bỏ ra, rồi tiền chi phí thu mua, tiền bến bãi...” - chị Lan cho biết.

“Giá mỗi ngày một xuống, không biết thế nào mà lần, đành chấp nhận bán tống bán tháo những lứa lợn mình đã đặt tiền trước rồi dừng thôi” - anh Tiến, một thương lái ở chợ cho biết.

Giữa tâm bão dịch tả lợn Châu Phi: Đìu hiu nơi thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc - 3

“Hiện chỉ giao dịch trong huyện chứ đi các tỉnh đều bị cấm cả rồi, giá lợn hơi hôm nay là 34.000/kg thôi” - chị Lan, một thương lái tại chợ lợn này cho biết.

Nước mắt người chăn nuôi

Kéo tấm bạt chắn cửa dãy chuồng lợn trong khu trang trại của mình, chị Lê Thị Chinh (thôn Hàn Mạc - xã Hưng Công - Bình Lục - Hà Nam) cho biết, gia đình chỉ còn duy trì nuôi chục con lợn thịt trong chuồng cùng với một con lợn nái đẻ chứ không còn ồ ạt nuôi như trước nữa. “Giá mỗi ngày một xuống thấp, tiền thức ăn, thuốc ngừa bệnh, công chăm sóc không đủ thì lấy gì mà bù lỗ bây giờ” - chị Chinh cám cảnh nói.

Giữa tâm bão dịch tả lợn Châu Phi: Đìu hiu nơi thủ phủ nuôi lợn lớn nhất miền Bắc - 4

Chẳng còn thiết tha với nuôi lợn nữa, giá xuống thấp, không đủ chi phí cám bã nên chị Lê Thị Chinh chỉ còn duy trì chưa đầy chục con lợn trong trang trại của mình

Bà Hoàng Thị Vui ở xóm Trang Thượng (xã ngọc Lũ - Bình Lục) chua xót: “Cách đây 2 năm, khi Trung Quốc đóng cửa không thu mua lợn nữa, giá lợn xuống thấp đã khiến trang trại lợn gần 200 con gây thiệt hại 700 - 800 triệu đồng. Chưa hoàn hồn thì giờ đến dịch tả. Chiều qua, thương lái vào nhưng họ cũng chỉ xem rồi lại đi”

Cạnh trang trại nhà bà Vui là trang trại anh Thành cũng cám cảnh không kém, vừa đổ thức ăn cho lợn, anh Thành vừa cho biết: “Có 150 con đã đến lúc xuất chuồng, nhưng cả tuần nay thương lái vào xem rồi lại đi. Có người chỉ trả mức 33.000/kg lợn hơi nhưng cũng chỉ trả chứ họ không bắt”.

Bán không người mua, nuôi nữa thì không đủ tiền cám bã cho chúng ăn. Cực chẳng đã, các hộ dân ở đây chỉ còn cách cho ăn cầm chừng và nuôi hy vọng.

Theo ông Đỗ Thế Trọng - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Lục cho biết, chợ đầu mối gia súc, gia cầm trước đây mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.500 con lợn thì trong những ngày qua, lượng giao dịch chỉ từ 300 - 500 con/ngày. “Cả người nuôi và thương lái đều gặp khó khăn khi giá lợn liên tục giảm” - ông Trọng nói.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra tới 13 tỉnh thành trong cả nước. Virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức gây tỷ lệ chết cho con vật có khi lên tới 100% và hiện trên thế giới chưa tìm ra văc-xin phòng, chống.

Theo ông Phạm Công Thiếu - Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo, dịch tả lợn châu Phi không lây qua người mà chỉ lây trên lợn.

Trước những diễn biến phức tạp trên, nhiều chuyên gia cũng dự báo về mức tiêu thụ cũng như giá thịt lợn hơi sẽ còn giảm sâu hơn nữa.

Sợ dịch tả lợn châu Phi, nhiều người tiêu dùng Hà Nội từ chối hoàn toàn thịt lợn

Sức mua thịt lợn tại một số chợ ở khu vực Hà Nội giảm đáng kể, người bán than ế ẩm, khó bán trong thời gian gần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Giang Vương ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN