Dịch tả lợn châu Phi: Người chăn nuôi lợn Thanh Hóa đang kiệt sức

Sự kiện: Kinh Doanh

Những hộ chăn nuôi trong vùng phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại Thanh Hóa do phải trang trải nhiều chi phí, việc tiêu thụ lại gặp khó khăn nên dần kiệt sức...

Người nuôi lợn đuối sức...

Có mặt tại ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Định Long (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), để vào được khu chăn nuôi tập trung của những hộ dân nơi đây, phóng viên gặp rất nhiều khó khăn do các chủ hộ đều hạn chế người lạ.

Sau nhiều lần giải thích, thuyết phục, bà Lê Thị Nam (thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long) mới chia sẻ: "Khu trang trại của tôi nằm sát hộ gia đình ông Lê Văn Thanh, hộ xuất hiện ổ dịch tả lợn đầu tiên tại Thanh Hóa. Từ khi ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Định Long (Yên Định), tôi ăn ngủ không yên vì rất lo lắng cho đàn lợn gồm 150 con lợn nái sinh sản, 300 con lợn thịt của mình".

Dịch tả lợn châu Phi: Người chăn nuôi lợn Thanh Hóa đang kiệt sức - 1

Phóng viên Dân Việt trao đổi với các hộ dân trong vùng dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Văn Thượng.

"Dịch tả lợn châu Phi ập tới xã đã khiến nhiều hợp đồng mua bán lợn của gia đình tôi với thương lái bị hủy bỏ giữa chừng. Đầu tháng 2, đã có nhiều thương lái liên hệ mua lợn giống con với giá từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/con loại từ 5-10kg, nhưng sau khi có dịch họ không mua nữa. Trang trại 13.000m2, mỗi ngày phun hóa chất đã hết gần 2 triệu đồng, chưa nói tiền thức ăn cho lợn cũng tốn nhiều tiền nữa. Lợn lại không thể xuất bán được nên người chăn nuôi chúng tôi đang rất khổ sở" - bà Nam lo lắng nói.

Dịch tả lợn châu Phi: Người chăn nuôi lợn Thanh Hóa đang kiệt sức - 2

Một chốt kiểm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VT.

Tương tự, hệ quả từ dịch tả lợn châu Phi đã khiến gia đình anh Trịnh Văn Thịnh (ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định) những ngày qua lo sốt vó. Anh Thịnh cho biết: "Gia đình đang nuôi 400 con lợn thịt, nhiều lứa lợn đã quá hạn xuất chuồng nhưng vẫn chưa thể bán được. Hàng ngày, trang trại không chỉ tiêu tốn tiền mua hóa chất, tiền thức ăn mà còn phải chịu thêm tiền nhân công chăm sóc... Thực tế những hộ chăn nuôi nằm trong vùng dịch tả lợn châu Phi đang rất khó khăn”.

“Dịch tả lợn châu Phi làm người chăn nuôi tại cụm chăn nuôi tập trung ở xã không những đã phải dừng mọi hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn mà còn tốn nhiều chi phí hơn để chăm sóc đàn lợn của mình” - ông Trịnh Văn Cường - Cụm trưởng cụm chăn nuôi lợn xã Định Long cho biết.

Người tiêu dùng e dè, thịt lợn tiêu thụ chậm

Để tìm hiểu sức tiêu thụ thịt lợn kể từ khi Yên Định phát hiện dịch tả lợn châu Phi, phóng viên có mặt tại chợ thị trấn Quán Lào (huyện Yên Định) là nơi tiêu thụ thịt lợn lớn nhất của huyện này. Nhiều chủ sạp bán thịt cho biết, người đi chợ mua thịt lợn có giảm so với trước.

Chị Lê Thị Hồng - một chủ sạp bán thịt lợn nói: “Từ khi nghe thông tin xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Định Long, có vẻ như một số người dân ngại ăn thịt lợn do lo sợ mua phải thịt lợn bị dịch bệnh”.

Dịch tả lợn châu Phi: Người chăn nuôi lợn Thanh Hóa đang kiệt sức - 3

Một số chủ sạp thịt lợn cho biết, lượng tiêu thụ thịt lợn có giảm. Ảnh: Văn Thượng.

"Tuy nhiên lợn bị dịch tả châu Phi thì sao có thể vào chợ được, vì kiểm dịch rất gắt gao. Thế nhưng, do tâm lý e ngại nên một số người dân chuyển sang mua thịt gà, trâu, bò nhiều hơn" - chị Nguyễn Thị Thanh khẳng định.

Điều đáng mừng là vẫn có nhiều người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn. "Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, hơn nữa ai cũng có thể phân biệt được rõ ràng thịt lợn nào ngon, thịt lợn nào không ngon. Tôi thấy cơ quan chức năng vào cuộc rất chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt không cho lợn ở vùng dịch qua cửa kiểm soát nên gia đình tôi vẫn dùng thịt lợn bình thường" - chị Vân (thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định) cho hay

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dụng Thượng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN