Giải mã giá thịt lợn thấp

Từ quý 4/2022 đến nay, giá lợn hơi liên tục duy trì ở mức thấp, khoảng 50.000 đồng/kg khiến hoạt động chăn nuôi của người dân và các doanh nghiệp (DN) rơi vào cảnh khó khăn, thua lỗ. Theo các chuyên gia, giá lợn hơi giảm còn có nguyên nhân người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, và có xu hướng không còn chuộng thịt lợn.

Người dân, doanh nghiệp đồng loạt báo lỗ

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là một mùa Tết lạ với người chăn nuôi lợn. Dù đó là giai đoạn cao điểm tiêu thụ thịt lợn, nhưng giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức thấp 51.000 - 54.000 đồng/kg. Sau Tết Nguyên đán, thị trường cũng không có biến chuyển nhiều khi giá lợn hơi chỉ biến động trong khoảng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, giá lợn hơi trên cả nước ngày 22/2 vẫn duy trì ở mức thấp, giao dịch trong khoảng từ 49.000 - 52.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi thua lỗ khoảng 3.000-4.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Việt, (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cho biết, gia đình ông nuôi khoảng 200 con lợn với chi phí bỏ ra cả tỷ đồng, chưa kể 300 triệu đồng để đầu tư hệ thống chuồng trại. Thời gian qua, giá lợn hơi lên xuống thất thường, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã nên đến nay gia đình ông vẫn chưa thu hồi được vốn. “Riêng tiền cám đã chiếm khoảng 60-70% chi phí nuôi lợn, chưa kể chi phí vắc xin, tiền điện, thuê công nhân. Hiện, giá thành nuôi lợn của đình khoảng 53.000-54.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ còn 50.000 đồng/kg. Ước tính mỗi con lợn xuất chuồng, gia đình bị lỗ gần 400.000 - 600.000 đồng”, ông Việt nói.

Theo nghiên cứu của Ipsos Strategy 3, người Việt đang có xu hướng chuyển từ ăn thịt lợn sang thịt gà, bò... Ảnh: Dương Hưng

Theo nghiên cứu của Ipsos Strategy 3, người Việt đang có xu hướng chuyển từ ăn thịt lợn sang thịt gà, bò... Ảnh: Dương Hưng

Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai), cho biết, với quy mô chuồng nuôi 300 con lợn, mỗi tháng hợp tác xã cung cấp cho thị trường hơn 30 tấn thịt lợn, 4-7 tấn giò, chả, xúc xích… Tuy nhiên, với giá lợn hơi được thương lái báo những ngày qua xuống mức 51.000-54.000 đồng/kg, hợp tác xã càng bán càng lỗ. “Để giảm thiểu thua lỗ, chúng tôi phải kết hợp bán sỉ cho thương lái và giao thịt lợn lẻ cho các điểm nhà hàng, quán ăn, sạp chợ. Nhưng hơn 2 năm qua, giá lợn hơi biến động mạnh, cộng thêm giá thức ăn tăng phi mã, hợp tác xã cũng kiệt sức. Sắp tới chúng tôi phải thu hẹp đàn xuống vì mất vốn”, ông Tường cho hay.

Không chỉ các hộ chăn nuôi và trang trại, các doanh nghiệp (DN) lớn chăn nuôi lợn cũng đang báo lỗ hoặc kinh doanh sa sút do giá lợn duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco) - DN chăn nuôi nội địa đứng đầu thị trường lần đầu tiên trong 5 năm cũng thông báo lỗ ròng hơn 79 tỷ đồng trong quý 4/2022, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi gần 112 tỷ đồng.

Bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam, cho biết, trong quý 4/2022, sản lượng ở mảng kinh doanh chăn nuôi của DN tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước do các trang trại đầu tư mới đã đi vào vận hành. Tuy vậy, do ảnh hưởng từ giá lợn hơi, lợi nhuận sau thuế của DN trong quý giảm gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Hết chuộng thịt lợn?

Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, với sự đầu tư của hàng loạt “đại gia” trong lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua, nguyên nhân đẩy giá lợn hơi giảm và duy trì ở mức thấp chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thấp, chứ không phải xuất phát từ việc tăng nguồn cung. Theo ông Trọng, hiện tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều DN giảm đơn hàng và cắt giảm lao động, trong đó nhiều nơi chỉ duy trì lao động khoảng 50%. Điều này khiến thu nhập của người dân giảm, dẫn đến sức tiêu thụ của các quán ăn, nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp… cũng xuống mức thấp.

“Tín hiệu này bắt đầu từ cuối quý 3/2022 sau khi giá lợn hơi có thời điểm tăng đến 75.000 đồng/kg rồi từ đó tụt dốc cho đến nay. Chưa kể, số lượng lợn đến tuổi xuất chuồng của cả các DN chăn nuôi lớn và các nông hộ dồn toa đến thời điểm này vẫn chưa tiêu thụ hết khiến nguồn cung ở mức cao. Nếu tình trạng tiếp tục diễn ra, khả năng giá lợn hơi vẫn sẽ giữ ở mức như hiện nay đến quý 2”, ông Trọng nói.

Theo thống kê của Công ty Ipsos Strategy 3, chuyên nghiên cứu thị trường đa quốc gia (có trụ sở tại Pháp), mức tiêu thụ thịt lợn theo đầu người ở Việt Nam đang giảm đáng kể. Năm 2018, mức tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam đạt đỉnh khoảng 32 kg/người/năm. Năm 2022, con số này giảm chỉ còn khoảng 23,5 kg/người/năm và dự báo mức tiêu thụ trung bình này tiếp tục duy trì trong năm 2023.

Nguyên nhân là người dân có nhiều sự lựa chọn về nguồn đạm động vật thay thế khác ngoài thịt lợn. Các sản phẩm thịt gia cầm, hải sản, thịt bò đang dần được người Việt ưa chuộng hơn. Số liệu của Ipsos Strategy 3 cùng thời điểm cho thấy, mức tiêu thụ thịt gia cầm của người Việt đã tăng từ 12 kg/người/năm lên 20 kg/người/năm trong năm 2022; tiêu thụ thịt bò tăng từ 0,5 - 0,7 kg lên mức 5 kg/người/năm.

Theo TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến hết năm 2022, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 26,2 triệu con (chưa bao gồm lợn con theo mẹ), tăng 11,4% so với năm 2021. Do đó, để ổn định giá lợn hơi trong nước, Việt Nam cần sớm thương thảo với các nước để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, khoảng 5 năm trước, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc xuất khẩu lợn hơi chính ngạch nhưng đến nay vẫn chưa xúc tiến thành công. Trong khi đó, việc xuất khẩu tiểu ngạch bấp bênh, nhiều rủi ro. Cuối năm 2022, giá lợn hơi ở Trung Quốc cao hơn giá lợn hơi Việt Nam khoảng 15.000 đồng/kg. “Trường hợp này, nếu xuất khẩu được chính ngạch, DN và người dân sẽ thu được lợi nhuận lớn, đồng thời giúp giá lợn trong nước không bị tụt”, ông Đạt nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để lợn hơi xuất khẩu chính ngạch sang các nước, Việt Nam cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Vừa qua, sau khi có văn bản của Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE để đáp ứng cho nhiều thị trường khác nhau.

“Làm được điều này không phải đơn giản, cần có sự tham gia của các tập đoàn, DN lớn liên kết xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm…, đồng thời chúng ta phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trong nước. Việt Nam đã có một số vùng an toàn dịch bệnh tại khu vực Đông Nam bộ. Bộ NN&PTNT đang xúc tiến đàm phán kỹ thuật trở lại với Trung Quốc để sớm có thể xuất khẩu chính ngạch lợn hơi”, ông Tiến nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Mận trái mùa giá “chát” gần 200.000 đồng/kg, dân buôn không đủ hàng bán

Mận trái vụ được bán giá rất cao, lên đến gần 200.000 đồng/kg nhưng chậm chân sẽ không mua được hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Hưng ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN