Giá tiêu tăng nóng: Doanh nghiệp “lo ngay ngáy” vì không có hàng để bán

Đó là dấu hiệu không ổn định, không bền vững.

Thời gian qua, giá tiêu tăng liên tục. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là hàng chỉ bán lưu thông trong giới đầu cơ, đại lý và người dân chứ không đến tay người xuất khẩu.

Riêng trong tháng 2, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn, trừ Indonesia. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng mạnh ở các nước sản xuất Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Tại Việt Nam, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu đen tháng 2/2021 đã lên mức 53.000 – 55.500 đồng/kg với mức tăng thấp nhất là 1.000 đồng/kg tại huyện Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông; mức tăng cao nhất là 3.500 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Giá tiêu trắn trong tháng 2/2021 cũng tăng 6.000 đồng/ kg so với cuối tháng 1, lên mức 78.000 đồng/kg.

Những ngày đầu tháng 3, giá tiêu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hiện tại, lượng hàng tồn kho của Việt Nam từ vụ trước không còn nhiều và sản lượng hạt tiêu năm 2021 dự kiến thấp hơn năm 2020. Tại Việt Nam, hầu hết các vùng trồng hạt tiêu lớn đều giảm diện tích do giá thấp. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Hiên Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện tại cung vẫn cao hơn so với nhu cầu. Nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay khoảng 500.000 tấn trong khi đó nguồn cung năm 2021 cộng thêm tồn kho của những năm trước khoảng 600.000 tấn.

Tiêu liên tục tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu án binh bất động

Tiêu liên tục tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu án binh bất động

Theo ông Hiên, “Nguồn hàng đang rất nhiều chứ không phải thiếu đến mức giá tiêu bị đẩy lên quá nóng, một ngày thậm chí giá có thể tăng tới 4.000 - 5.000 đồng/kg/ngày”.

Đó là dấu hiệu không ổn định, không bền vững. Giá tăng hiện nay người dân vẫn có lợi nhưng cần cân đối với cả lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Hiên cũng cho rằng, người dân đừng mong chờ giá tiêu có thể lên 100.000 đồng/kg mà bỏ lỡ cơ hội vàng như hiện tại. Đương nhiên, giá tiêu có thể lên 70.000 - 80.000 đồng/kg nhưng không phải ở giai đoạn này mà sẽ rơi vào thời điểm Việt Nam đã thu hoạch xong, thiếu hàng. 

Giá tiêu tăng liên tục trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu từ đầu năm đến nay gần như ngồi chơi. Nhiều doanh nghiệp không dám mua vào lúc này vì giá quá cao. Không doanh nghiệp nào mạo hiểm mua vào vì sợ giá có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào. 

Trong khi trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký hợp đồng với khách hàng nhưng ở mức giá thấp, đến lúc giao hàng thì không thu mua được tiêu hoặc phải mua với giá rất cao và chịu thua lỗ. Dự kiến trong tháng 3, xuất khẩu tiêu không được nhiều.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không xuất được hàng, các nước đối thủ như Brazil sẽ tận dụng cơ hội sẽ bán. Điều này dẫn đến Việt Nam mất khách hàng. 

Chính vì vậy, ông Hiên khuyến nghị người dân nên cẩn trọng, không nên tham lam quá mà cần hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp bởi trên 90% lượng tiêu của Việt Nam được tiêu thụ qua xuất khẩu. 

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuyến Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN