Giá mía tăng kỷ lục, nông dân phấn khởi sau nhiều năm thua lỗ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị các đơn vị đưa ra mức giá thu mua mía đảm bảo nông dân có nguồn thu nhập đủ sống…

Ngày 18/11, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, vừa có thông báo chính thức về việc đưa ra mức giá thu mua mía cho nông dân trong vụ ép mía 2021-2022.

Cụ thể, mức giá mà Casuco công bố là 1.180 đồng/kg cho mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp. Trường hợp CCS tăng hoặc giảm 0,1 CCS thì tương ứng tăng hoặc giảm 10 đồng/kg.

Riêng trường hợp mía dưới 7 CCS thì Casuco sẽ không thu mua; tuy nhiên, nếu mía đã qua cân đưa vào ép thì Casuco sẽ thanh toán với giá 500 đồng/kg.

Thu hoạch mía ở Hậu Giang.

Thu hoạch mía ở Hậu Giang.

Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, khiến nông dân vô cùng phấn khởi. Ông Tạ Ngọc Nguyên, nông hộ có 2,5ha mía ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Toàn ấp này có khoảng 900ha trồng mía. Những năm trước giá mía rớt thê thảm, có khi chỉ còn chưa đến 500đ/kg.

"Liên tiếp nhiều vụ thua lỗ, bà con lâm vào cảnh khổ sở, phải bỏ mía, tìm cây trồng khác. Với mức giá này, chắc chắn người trồng mía sẽ có lãi”, ông Nguyên nói.

Trước đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, niên vụ sản xuất mía 2021-2022 được dự báo sẽ là một năm khởi sắc cho ngành mía đường Việt Nam sau khi Bộ Công thương có quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Từ cơ sở trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi đến các nhà máy đường là hội viên sản xuất của hiệp hội về việc khuyến cáo nâng cao giá thu mua mía cho nông dân. Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế của địa phương và trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao nên các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương có vùng mía nguyên liệu để điều chỉnh tăng giá thu mua mía trong vụ ép sắp tới.

Nông dân trồng mía phấn khởi vì giá bán tăng cao.

Nông dân trồng mía phấn khởi vì giá bán tăng cao.

Việc đưa ra mức giá thu mua mía phải cân nhắc sao cho đảm bảo bù đắp đủ chi phí đầu tư nhằm tạo ra nguồn thu nhập đủ sống cho bà con nông dân với cây mía; qua đây, giúp nông dân yên tâm phát triển, phục hồi vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, giá thu mua mía cũng cần xây dựng đảm bảo cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng chính tại địa phương. Có như vậy mới giúp nông dân an tâm đồng hành cùng với nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam…

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho hay, cây mía một thời tiêu biểu cho sự thinh vượng của kinh tế nông nghiệp địa phương, nhưng giờ đây, tỉnh đã buộc phải đưa cây mía ra khỏi danh sách cây trồng chủ lực, do không còn phát triển được trong tương lai.

Theo ông Giao, thời hoàng kim, toàn tỉnh Hậu Giang có 13.000-14.000 ha trồng mía, với giá bán lên tới 1.000-1.100 đồng/kg. Những năm gần đây, ngành mía đường liên tục gặp khó khăn, do tác động từ đường nhập lậu, người trồng mía thì liên tiếp thua lỗ.

Niên vụ mía 2020-2021, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuống giống được 5.039ha, riêng huyện Phụng Hiệp có 4.725ha. Trong đó, giống mía chín sớm ROC 16 chiếm diện tích khoảng 60%, còn lại là các giống KK3, K88-92, VĐ 86-368, Pháp vàng...

Đến nay, diện tích mía được nông dân thu hoạch sớm để bán mía chục (tính theo chục cây - PV) là 590ha (chủ yếu giống ROC 16), năng suất bình quân đạt 105 tấn/ha, giá bán dao động từ 1.000-1.600 đồng/kg, tùy theo đường vận chuyển và chất lượng mía.

Nguồn: [Link nguồn]

Lý do hoa Đà Lạt khan hiếm, tăng giá

Nguồn cung hoa Đà Lạt giảm mạnh bởi mùa dịch người trồng hoa hủy cây nhiều. Bởi vậy giá hoa dịp 20/11 năm nay dự kiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Lưu ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN