Giá hồ tiêu còn ảm đạm đến cuối năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Gia tăng gánh nặng xoay vòng vốn, các hợp đồng mua bán còn ít trong khi nguồn cung vẫn nhiều khiến giá hồ tiêu xuất khẩu dự kiến vẫn tiếp tục ảm đạm đến cuối năm.

Trước đó, nửa đầu năm 2018, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh.

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu tiêu cả nước nửa đầu năm ước đạt 132.000 tấn, trị giá 453 triệu USD; tăng 5,1% về khối lượng nhưng giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá hồ tiêu còn ảm đạm đến cuối năm - 1

Trong nửa đầu năm 2018, lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng, nhưng giảm mạnh về giá. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân nửa đầu năm ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Cục Trồng trọt, giá hạt tiêu toàn cầu giảm là do nguồn cung hạt tiêu toàn cầu vẫn còn dồi dào. Cụ thể, tại Việt Nam và Brazil, lượng tồn kho vẫn còn nhiều từ vụ thu hoạch trước. Trong khi đó sức ép từ Indonesia và Malaysia khá lớn khi 2 nước này bắt đầu thu hoạch vụ mới ngay trong tháng 7, tháng 8.

Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu cũng giảm cùng chiều với xu hướng giá xuất khẩu. Cuối tháng 6, giá hạt tiêu giao dịch ở mức 53.000 - 56.000 đồng/kg; giảm 2.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng và giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 5. Hiện tại, giá hồ tiêu được giao dịch quanh mức 49.000 - 51.000 đồng/kg.

Cục Trồng trọt cho rằng giá hạt tiêu giảm nhẹ liên tiếp thời gian qua chủ yếu là phía các thương nhân xuất khẩu chưa đặt hàng cung ứng mới cho các hợp đồng tháng 8, trong khi các hợp đồng tháng 7 gần như đã hoàn tất.

Thêm vào đó, một số kho hạt tiêu có hiện tượng xả hàng đầu cơ do sức tăng không như kỳ vọng. Trong khi đó, lãi suất vốn vay bắt đầu trở thành gánh nặng nên cần thu hồi, chuyển đổi đầu tư. Với tình hình thị trường như trên, giá hạt tiêu được dự báo vẫn khó phục hồi trong các tháng cuối năm.

Giá hồ tiêu còn ảm đạm đến cuối năm - 2

Giá hạt tiêu được dự báo vẫn khó phục hồi trong các tháng cuối năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), từ đầu năm, do tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước tưới đảm bảo, nên cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, ra hoa tương đối tập trung và đậu quả tốt.

Tuy nhiên, giá tiêu đang ở mức thấp trong những năm gần đây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như tâm lý người sản xuất trong việc đầu tư chăm sóc. Nhiều hộ trồng tiêu đã cắt giảm diện tích và chuyển sang trồng loại cây khác do giá giảm liên tục và nhiều vùng dịch bệnh trên cây tiêu đang hoành hành.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho biết cần tiếp tục vận động các hộ nông dân trồng tiêu nên tổ chức sản xuất tiêu theo các tổ nhóm, HTX, và có liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng tiêu đúng quy trình, và đảm bảo bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đặc biệt là tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu nhằm góp phần phát triển bền vững cây tiêu.

Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 gồm Mỹ  (với 71,5 triệu USD, chiếm 18,7%), Ấn Độ (với 36,7 triệu USD, chiếm 9,6%), Pakistan (với 20,7 triệu USD, chiếm 5,4%). Trong đó, lượng xuất khẩu sang Ấn Độ và Pakistan tăng mạnh so cùng kỳ 2017; lần lượt là 5.460 tấn (tương đương102%) và 1.430 tấn (tương đương 30%).

Tiêu của Việt Nam vẫn chiếm gần 54% thị phần nhập khẩu tiêu của Mỹ trong khi nhập khẩu tiêu của nước này giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017 và thị phần của các đổi thủ cạnh tranh chính như Indonesia, Ấn Độ và Srilanka đều giảm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Vỹ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN