Đưa cam Vinh lên trồng ở Yên Bái, xã nghèo thu 7 tỷ/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Những năm gần đây, người dân ở xã Mường Lai, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đã tích cực chuyển đổi một số diện tích vườn tạp, cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả. Thực tế cho thấy, cam Vinh là giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ dân tại địa phương.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn xã Mường Lai có gần 100 hộ trồng cây cam Vinh với diện tích hơn 50ha, tập trung nhiều nhất tại các thôn Khau Quàng, Nà Bó, Thâm Bưa, Nà Cáy, Nà Chùa…

Đưa cam Vinh lên trồng ở Yên Bái, xã nghèo thu 7 tỷ/năm - 1

Vườn cam Vinh trĩu quả của người dân xã Mường Lai. Ảnh: K.Đ

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật của Phòng NNPTNT, sự hỗ trợ về vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân,  được người dân ra sức chăm bón nên hầu hết diện tích cam trên địa bàn xã đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch với năng suất cao, trung bình gần 1 tạ/cây.

Với giá bán từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, cây cam Vinh đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập khá, vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm.

Thậm chí đối với những cây trồng từ 5 năm trở lên, năng suất bình quân đạt tới gần 2 tạ quả/cây. Với giá bán từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, cây cam Vinh đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập khá, vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Mới - Chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết: “Những năm gần đây qua tuyên truyền, vận động, bà con nhân dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi một số loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cam Vinh. Thực tế cho thấy, cây cam Vinh rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên sản lượng, chất lượng luôn ổn định, được thị trường  ưa chuộng, giúp bà con có thu nhập khá”.

Gia đình ông Nông Văn Ba (thôn Nà Bó) là một trong những hộ đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ năm 2007, trong đó có cây cam Vinh. Đến nay những cây cam Vinh của gia đình ông Ba phát triển rất tốt, quả sai trĩu. Dẫn chúng tôi vào thăm vườn cam, ông Ba bộc bạch: “Mảnh đất trồng cam này trước đây là đất soi bãi được gia đình dùng trồng ngô, tuy nhiên hiệu quả kinh tế rất thấp. Năm 2007, nhờ được sự quan tâm của chính quyền xã hỗ trợ trồng thử giống cam Vinh nên gia đình đã mạnh dạn đăng ký  gần 100 gốc về trồng”.

Năm 2016, vườn cam nhà ông Ba cho thu hoạch hơn 8 tấn quả, còn vụ năm nay gia đình ông ước tính thu hoạch được từ 13 - 15 tấn. Theo ông Ba, ưu điểm của giống cam Vinh là dễ trồng, thời gian cho thu hoạch nhanh, khả năng chống chọi sâu bệnh cao, cam vỏ mỏng, mọng nước, năng suất bình quân mỗi cây đạt từ 70 - 80kg quả. Ông Ba cho biết thêm: “Từng trồng nhiều loại cây khác nhau, nhưng tôi thấy cam Vinh là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nhất, giúp đời sống gia đình tôi ngày một cải thiện”.

Hiện nay mô hình cam Vinh ở xã Mường Lai được cơ quan chuyên môn đánh giá là phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng địa phương vì sản lượng, chất lượng, hương vị ngọt, đậm đà hơn hẳn so với các nơi khác trong huyện Lục Yên. Qua thống kê năm 2016, tổng sản lượng cam Vinh toàn xã ước đạt 370 tấn, với giá bán từ 20.000 – 23.000 đồng/kg, trái cam Vinh đem về cho bà con trong xã doanh thu trên 7  tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khắc Điệp (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN