DN xăng dầu chưa giảm giá: Lỗ công thức, lãi thực tế
Theo công thức tính giá cơ sở bình quân 30 ngày, nhiều DN nhập khẩu cho rằng, giá xăng dầu thế giới giảm nhưng hiện giá cơ sở cao hơn so với giá bán lẻ nên DN vẫn lỗ, thực chất họ vẫn lãi.
Giá xăng dầu tại thị trường Singaprore - nơi Việt Nam lấy làm tham chiếu tính đến thời điểm này đã mất đi hơn 10% so với mốc 117,47USD/thùng của ngày 17.7, trở thành mức giá thấp trong vòng 25 ngày qua. Thế nhưng, DN (doanh nghiệp) đầu mối vẫn khẳng định “chưa tính đến chuyện giảm giá”! Một số DN giải thích: Mỗi lít xăng A92, dầu diesel đang lỗ đến 520 – 610 đồng. Nếu trừ đi phần sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu là 300 đồng/lít đối với tất cả các mặt hàng thì các doanh nghiệp đang lỗ 310 đồng/lít xăng, 190 đồng/lít dầu DO.
Giá xăng dầu thế giới giảm nhưng những doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có động thái giảm nào.
Cũng tính theo công thức giá thế giới bình quân 30 ngày và trừ đi các loại thuế phí, trích Quỹ Bình ổn giá, lợi nhuận định mức, Hiệp hội Xăng dầu cho biết vẫn đang lỗ 235-990 đồng/lít xăng dầu.
Tuy nhiên, chiều 16.8, trao đổi với một nguồn tin thân cận với NTNN, một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cho biết, nếu tính theo công thức giá bình quân 10 ngày, giá mỗi lít xăng A92 đang lãi lên tới 798 đồng, còn dầu 0.05S lỗ 266 đồng/lít. Bình quân giá xăng 10 ngày dừng ở mốc 113 USD/thùng. Còn tính bình quân giá 30 ngày, giá xăng A92 vẫn là 117 USD/thùng, DN chỉ lãi 14 đồng/lít xăng, còn dầu 0.05S lỗ đến 390 đồng/lít.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa gửi báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm 2013 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2013 lợi nhuận hợp nhất trước thuế thu nhập doanh nghiệp của Petrolimex đạt 898 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ mặt hàng xăng dầu chiếm 43%. Mặc dù Petrolimex luôn phát đi thông tin kinh doanh xăng dầu khó khăn, nhưng theo báo cáo tài chính thường niên của tập đoàn này thì mức lãi không hề nhỏ.
Phương Hà
Như vậy, với 2 cách tính của 2 DN, đưa ra 2 cách lỗ lãi khác nhau song có chung điểm lớn: DN đầu mối hiện nay đang sử dụng mức giá cao nhất của bình quân 30 ngày để báo cáo lên cơ quan quản lý, cụ thể là liên Bộ Tài chính – Công Thương để tránh phải giảm giá.
Công thức tính bán lẻ này tuân theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu với thời gian dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu 30 ngày. Tức là DN phải cộng giá dự trữ lưu thông của 30 ngày trước đó, rồi chia bình quân cấu thành giá cơ sở, làm căn cứ đưa ra giá bán lẻ trên thị trường. Còn trong thực tế, phương thức nhập hàng, tính giá, xả hàng của DN đầu mối lại hoàn toàn khác.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính nói, trong khi DN đang nhập hàng tính giá trên cơ sở 10 ngày nhưng Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu ghi rõ: Tính giá cơ sở bình quân 30 ngày. Vì vậy, DN cứ theo nghị định để báo cáo, giá bình quân 30 ngày sẽ ít biến động trong khi giá bình quân 10 ngày lại biến động mạnh.
“Giờ muốn điều hành giá cơ sở theo chu kỳ bình quân 10 ngày để bám sát với giá thị trường buộc điều chỉnh lượng hàng dự trữ lưu thông tại kho đảm bảo 20 ngày” - ông Thỏa nhấn mạnh.