“Đánh thức” nghề gốm Phù Lãng
Nghệ nhân trẻ Phạm Tự Tại, Giám đốc xưởng Gốm Tại, là người đi tiên phong trong việc cách tân, tạo bước đột phá về màu sắc cho sản phẩm gốm mà vẫn giữ được nét truyền thống của cha ông, qua đó, giúp nghề gốm Phù Lãng vượt qua giai đoạn “ngủ quên”.
Đứng dậy từ... vấp ngã
Đã có một thời gian khá dài, nghề gốm ở Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh nói riêng và nhiều làng gốm trên cả nước nói chung bị “ngủ quên”, thậm chí bị mai một tưởng chừng mất nghề vì chưa tìm ra hướng đi và thương hiệu để cạnh tranh.
Đứng trước sự thăng trầm của nghề, thế hệ trẻ làng gốm Phù Lãng đã và đang nỗ lực sáng tạo, đa dạng hoá các loại sản phẩm, mẫu mã nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng trong nước và vươn ra nước ngoài. Trong đó, nghệ nhân trẻ Phạm Tự Tại, Giám đốc xưởng Gốm Tại, được đánh giá là người đi tiên phong trong việc cách tân, tạo bước đột phá về màu sắc cho sản phẩm gốm mà vẫn giữ được những nét truyền thống của cha ông.
: Nghệ nhân trẻ Phạm Tự Tại đang sắp xếp sản phẩm gốm trước khi cho vào lò nung
Nghệ nhân trẻ Phạm Tự Tại chia sẻ: “Tôi vốn sinh ra trong một gia đình có 4 đời làm gốm. Từ thời cụ nội, đến ông nội và bố mẹ tôi đều sinh sống bằng nghề làm gốm. Ngay từ hồi nhỏ, chừng 5-7 tuổi, tôi và các anh, chị, em trong nhà đều được ông bà, cha mẹ bắt tập học nghề làm gốm. Tuy nhiên, ở thời điểm trước năm 2000, toàn bộ làng nghề gốm Phù Lãng chỉ tập trung vào làm những sản phẩm gốm phục vụ tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương, các đồ thờ cúng và những đồ gia dụng phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân như lọ, bình, chum, vại... Tất cả đều được làm bằng thủ công, nước me do mình tự pha chế và độ nóng có được từ củi đốt, nên năng suất và hiệu quả không cao. Nhiều lúc tôi thấy rất nản với nghề”.
Nhìn gia đình làm nghề cực nhọc lắm mới ra được sản phẩm nhưng bán rất chậm, có khi vài tháng mới bán được 5 - 7 cái chum, cái vại hay cái tiểu với giá thành rất thấp, Phạm Tự Tại đã nuôi một mơ ước cháy bỏng sẽ trở thành sinh viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để sau khi ra trường có thể giúp đỡ gia đình hoặc có thể mở xưởng gốm theo ý của mình. Thế nhưng, chuyện học của Phạm Tự Tại không được “hanh thông”. Chỉ vì thiếu nửa điểm nên anh không thể bước chân vào giảng đường đại học.
Không được toại nguyện trên con đường học hành, Phạm Tự Tại đã lựa chọn con đường khác là xuất khẩu lao động với hy vọng kiếm chút vốn liếng để hiện thực hóa giấc mơ từ thuở bé - làm ông chủ một xưởng gốm. Trong ba năm lao động tại Malaysia, những ngày nghỉ, anh lang thang đến các điểm sản xuất gốm ở nước bạn để tìm hiểu, học hỏi, và phát hiện ra rằng gốm Việt Nam rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới.
Trở về quê hương, Phạm Tự Tại đã xoay xở tìm thêm vốn để mở xưởng sản xuất. Thế nhưng, sau khi mở được xưởng, khó khăn chồng khó khăn thi nhau ập đến. Không biết bao nhiêu lần, mẫu sản phẩm gốm do anh tạo ra bị lỗi, thị trường không chấp nhận. Gian truân vất vả vậy nhưng anh không nản. Sau nhiều lần chỉnh sửa, mời khách hàng dùng thử để góp ý, sản phẩm với thương hiệu Gốm Tại đã chính thức xuất hiện trên thị trường.
Trở thành ông chủ nhưng Phạm Tự Tại không quên giấc mơ đại học. Với quyết tâm cao, anh đã thi đỗ vào Khoa Điêu khắc - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Vừa theo học, anh vừa trực tiếp thiết kế tại xưởng sản xuất của gia đình. Sau hơn 4 năm học tập, lĩnh hội được nhiều kiến thức về hội họa, tạo hình, trên nền tảng chất men truyền thống, Phạm Tự Tại đã sáng tạo và cách tân để tạo ra những sản phẩm gốm phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, được người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài ưa chuộng.
“Đánh thức” làng nghề
Sản phẩm Gốm Tại vẫn giữ được cách làm thủ công truyền thống của Phù Lãng như làm nhuyễn đất rồi qua bàn tay vuốt nặn của người làm gốm, vẫn sử dụng men truyền thống da lươn đen xanh, dùng lò củi để đốt..., nhưng cũng có nét riêng, đó là sắc trầm đưa vào gam màu gốm tạo nên sự ấm cúng, cuốn hút. Bên cạnh đó, ông chủ của Gốm Tại còn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển sang làm gốm trang trí nhằm nâng cao năng suất, mẫu mã để cạnh tranh trên thị trường.
“Hiện xưởng sản xuất của tôi tập trung nhận đặt làm các mặt hàng gốm trang trí của khách hàng trong và ngoài nước theo phương pháp đắp nổi, hình thức chạm bong, mà người Phù Lãng gọi là chạm kép, với các đề tài truyền thống như: tứ linh (long, lân, quy, phụng), cảnh sinh hoạt và phong cảnh làng quê… Đặc biệt, chúng tôi cũng chú trọng vào việc tư vấn trực tiếp cho khách hàng để có những sản phẩm độc đáo, phù hợp với sở thích của gia chủ và lối thiết kế riêng của từng căn nhà”, ông chủ của Gốm Tại cho biết.
Hiện tại, xưởng sản xuất của nghệ nhân trẻ Phạm Tự Tại thường xuyên có từ 15-20 người (gồm lao động phổ thông và lao động có nghề) đến làm việc, mỗi năm đưa ra thị trường gần 2.000 sản phẩm các loại, chủ yếu là tranh gốm, gạch gốm, bình gốm, lọ gốm, các linh vật trang trí. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, Phạm Tự Tại còn chủ động tìm hiểu thị trường nước ngoài để đưa sản phẩm gốm của mình tới người tiêu dùng khó tính ở các nước như: Đài Loan, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Úc... Thu nhập bình quân của những người làm việc tại xưởng Gốm Tại ước tính từ 7 – 20 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ thành công trong vai trò giám đốc doanh nghiệp, Phạm Tự Tại còn rất tích cực truyền nghề cho nhiều thế hệ trẻ ở địa phương, đặc biệt là hỗ trợ những trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa đến học nghề miễn phí. Sau khi các em thành thục nghề, nếu có nhu cầu làm việc tại xưởng Gốm Tại thì sẽ được nhận vào làm với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Phạm Tự Tại chia sẻ: “Rất may, Phù Lãng hiện vẫn giữ được nghề gốm truyền thống. Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả người dân làng gốm Phù Lãng phải có trách nhiệm duy trì và phát triển nghề gốm của cha ông để đưa gốm Phù Lãng vươn rộng, vươn xa trên thị trường trong nước và thế giới”.