Dân nuôi lợn "hóa điên", cả làng buồn như có tang sau "bão" dịch tả

Sự kiện: Kinh Doanh

Sau nhiều năm liên tục đối mặt với khó khăn, "khủng hoảng giá", đến khi "bão" dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ập đến, nhiều nông dân ở các xã, huyện của Ninh Bình đã hoàn toàn trắng tay. Có người từng là triệu phú, tỷ phú nay thành "con nợ" phải bỏ nhà đi làm ăn xa, hoặc trốn nợ...

Nhiều trại lợn lớn ở các huyện của Ninh Bình tan hoang sau "bão" dịch tả lợn châu Phi.

Nhiều trại lợn lớn ở các huyện của Ninh Bình tan hoang sau "bão" dịch tả lợn châu Phi.

Dân mất niềm tin vào nghề

Sau hơn 1 tháng mất đàn lợn 300 con, đến nay vợ chồng ông Nguyễn Phúc Thương ở huyện Yên Khánh vẫn chưa thể gượng dậy làm được việc gì. Hàng ngày bà Phượng (vợ ông Thương) cứ ngồi ở góc nhà, thỉnh thoảng lại kêu khóc thảm thiết, có lúc lại cười nói một mình.

Hôm đầu tháng 6/2019 vừa qua, khi đến thăm gia đình ông Thương, chứng kiến cảnh này mà chúng tôi không cầm được nước mắt.

"Trước khi tiêu hủy lợn, gia đình ông Thương nợ nhiều lắm, lứa lợn vừa rồi nuôi mong để trả được bớt nợ nhưng cuối cùng cũng mất hết nên họ sốc quá thành ra như vậy", bà Hiền, hàng xóm với gia đình ông Thương nói. 

Bà Hiền cho biết thêm, không chỉ hộ nhà ông Thương "trắng tay" mà ở xã Khánh Công còn rất nhiều hộ bị thiệt hại nặng hơn nhiều, có hộ mất lợn, nợ nần nhiều quá phải lên thành phố để trốn nợ. "Trước làng này đông vui lắm, khách ra vào mua lợn tấp nập nhưng giờ vắng lặng, ai cũng buồn đau như nhà có tang vậy", bà Hiền chia sẻ.

Các khu chuồng chăn nuôi lợn của người dân nay đã xơ xác, trắng xóa vôi.

Các khu chuồng chăn nuôi lợn của người dân nay đã xơ xác, trắng xóa vôi.

Từng là người giàu nhất, nhì ở Gia Viễn nhờ nghề nuôi lợn giống, lợn thịt nhưng đến giờ ông Phạm Tiến Ngọc cũng lâm vào cảnh "nợ chất cao như núi". Trước đây gia đình ông Ngọc chỉ nuôi lợn ít, nhỏ lẻ nhưng 4 năm trở lại đây, vợ chồng ông đã đầu tư chuồng trại rất hiện đại với số vốn lên đến nhiều tỷ đồng. Tưởng rằng làm lớn, chăn nuôi an toàn sinh học khép kín sẽ tránh được dịch bệnh nhưng nào ngờ "án tử" vẫn đến với đàn lợn của ông.

"Chúng tôi thực sự nản và mất niềm tin vào chăn nuôi rồi", ông Ngọc ngậm ngùi.

Dịch vẫn diễn biến phức tạp

Nói về diễn biến DTLCP ở địa phương mình, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tính đến ngày 8/7/2019, DTLCP đã xuất hiện tại 9.576 hộ; 950 thôn; 139 xã phường, thị trấn của 8/8 huyện, thành phố. Toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 79.000 con (chiếm 21% tổng đàn), trọng lượng tiêu hủy lợn trên 4.500 tấn.

Đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình đã cấp gần 92 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống bệnh DTLCP.

Ông Đinh Văn Hùng ở Nho Quan đắp bạt che đống lợn chết dịch chờ cán bộ thú y đến lấy mẫu và đưa đi tiêu hủy.

Ông Đinh Văn Hùng ở Nho Quan đắp bạt che đống lợn chết dịch chờ cán bộ thú y đến lấy mẫu và đưa đi tiêu hủy.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, giai đoạn cao điểm DTLCP hoành hành ở Ninh Bình, mỗi ngày các địa phương trong tỉnh tiêu hủy khoảng 1.000 con lợn với trọng lượng từ 60 – 100 tấn. Thời điểm hiện tại, số lượng lợn bị tiêu hủy có xu hướng giảm còn 300 con/ngày với trọng lượng 20 – 30 tấn/ngày.

Ông Thạch cho biết thêm, thời gian đầu, do dịch bệnh bùng phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên hầu hết lợn bị dịch bệnh đều buộc phải tiêu hủy hết. Vì thế, số lượng lợn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất ít, nhiều nơi cơ bản không còn. Hiện nay, các trang trại chăn nuôi tập trung lớn vẫn kiểm soát tốt.

Cũng theo ông Thạch, lũy kế số hố chôn lợn mắc DTLCP trên địa bàn tỉnh đến nay là trên 3.700 hố, trong đó có 9 hố chôn có hiện tượng bốc mùi sụt lún gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Người dân đã có ý kiến, phản ánh về vấn đề này và đã được chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Theo thống kê, sản lượng thịt lợn Ninh Bình cung ứng ra thị trường mỗi năm khoảng 45.000 tấn thịt hơi. Nhu cầu tiêu thụ nội địa khoảng trên 36.000 tấn, còn lại 9.000 tấn thịt hơi được xuất đi các tỉnh thành phố khác. 

Ông Minh ở Nho Quan đau xót nhìn các "đầu cơ nghiệp" của mình lần lượt ra đi vì dịch tả lợn châu Phi.

Ông Minh ở Nho Quan đau xót nhìn các "đầu cơ nghiệp" của mình lần lượt ra đi vì dịch tả lợn châu Phi.

“Dự báo dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, số lượng lợn bị tiêu hủy sẽ còn tăng, việc tái đàn phát triển chăn nuôi lợn rất khó khăn, do vậy dịp Tết Nguyên đán 2020 có thể thiếu hụt thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân”, ông Nguyễn Ngọc Thạch cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng thông tin thêm, trước tình trạng trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn “cơn bão” DTLCP đang càn quyét ra nhiều nơi khác trên địa bàn nhằm giảm thiệt hại tới mức thấp nhất có thể.

"Theo đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, khống chế nhanh bệnh dịch để ổn định sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện các giải pháp tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng đa dạng hóa đối tượng vật nuôi. Đồng thời, tiếp tục công tác thông tin tuyên truyền về dịch bệnh để người dân cùng chung tay với chính quyền phòng chống, dập dịch bệnh; nhất là hiểu rõ được chủ trương của nhà nước về hỗ trợ chính sách cho các đối tượng chăn nuôi bị thiệt hại…", ông Thạch khẳng định.

 Cảnh chở lợn chết đi tiêu hủy ở xã Phú Lộc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) vào cuối tháng 5/2019.

 Cảnh chở lợn chết đi tiêu hủy ở xã Phú Lộc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) vào cuối tháng 5/2019.

Hà Nội chi hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ bệnh dịch tả lợn châu Phi

Đó là thông tin được lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đưa ra tại hội nghị giao ban quý II với nội dung chính: Đánh giá kết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Đăng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN