Mất 3,3 triệu con lợn, chấp nhận sống chung với dịch tả lợn châu Phi
Hiện, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 62/63 tỉnh thành, khiến 3,3 triệu con lợn bị tiêu hủy. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đã đến lúc cần xác định “sống chung” với dịch bệnh này, đồng thời coi an toàn sinh học là cánh cửa duy nhất có thể chặn nguồn lây lan của virus.
“Sống chung” với dịch
Theo báo cáo của Cục Thú y, trong giai đoạn đầu mới phát sinh, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tuy xuất hiện ở nhiều nơi song phạm vi nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy ít; đến nay đã có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Tuy nhiên, do đặc thù của virus DTLCP rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh; virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát nên đến nay dịch vẫn tiếp tục lây lan ra nhiều địa phương.
Chăn nuôi an toàn sinh học là cánh cửa duy nhất chặn dịch tả lợn châu Phi. Ảnh chăm sóc đàn lợn ở HTX chăn nuôi Hoàng Long. Ảnh: Trần Quang
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), an toàn sinh học là tập hợp của một quá trình thực hành gồm nhiều bước: Cách ly giữa vật chủ cảm nhiễm với nguồn dịch bệnh và các loài vật nuôi. Làm sạch phương tiện, dụng cụ các vật dụng… đúng cách. |
Cụ thể, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 8/7/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 3,306 triệu con. Hiện chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh DTLCP.
Nhận định về tình hình DTLCP, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nguồn lây lan của dịch bệnh này cực kỳ khó kiểm soát, trong khi việc tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nên chưa tiêu diệt hết mầm bệnh, làm phát tán, lây lan. Tại một số địa phương có địa hình thấp, hố chôn bị ngập nước, gây khó khăn cho quá trình xử lý lợn bệnh bằng phương pháp chôn lấp; chưa tổ chức triển khai công tác vệ sinh, sát trùng hoặc có nhưng chưa thường xuyên, chưa rộng khắp.
“Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ; vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra, cá biệt có trường hợp thu gom lợn chết không rõ nguyên nhân và nguồn gốc để giết mổ, bán cho các quán ăn. Việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển” – Thứ trưởng Tiến nói.
Ngăn cả bụi để chặn virus
Từ thực tế triển khai ở nhiều doanh nghiệp lớn, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dù virus DTLCP có độc lực cao, đường lây truyền phức tạp nhưng nếu làm tốt các biện pháp an toàn sinh học (ATSH) cộng với bổ sung các chế phẩm để tăng sức đề kháng cho đàn lợn thì vẫn có thể khống chế được dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trọng Long- Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) – đơn vị có 6.000 con lợn vẫn đang bình yên trong “bão” dịch cũng đồng tình với giải pháp mà Bộ trưởng Cường nêu. Theo ông Long, con đường lây truyền của virus DTLCP rất phức tạp, ngoài vật chủ trung gian như chuột, bọ, người và phương tiện, virus còn lây truyền cả qua không khí, bụi, nguồn nước. “Chúng tôi đã phải đầu tư lưới để không cho phép một hạt bụi nào vào khu vực chuồng trại” – ông Long cho biết.
Trong khi đó, nhờ ứng dụng quy trình chăn nuôi ATSH kết hợp vi sinh, Tập đoàn Quế Lâm vẫn giữ được đàn lợn của mình và các hộ liên kết. Theo TS Phạm Thị Vượng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ sinh học (Tập đoàn Quế Lâm), ngoài các yêu cầu kỹ thuật về chuồng trại theo tiêu chuẩn ATSH, tập đoàn tự sản xuất, phối trộn thức ăn dạng bột hỗn hợp hữu cơ, cân đối đủ các thành phần dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của lợn thịt mà không cần phối trộn thêm thức ăn khác.
Quá trình phối trộn, đóng gói, bảo quản, thực hiện tuyệt đối không sử dụng các kháng sinh, không chất tạo nạc, tạo màu, không kim loại nặng, không chất bảo quản… Thức ăn sẽ được bổ sung thêm chế phẩm sinh học Lacto Powder để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Chăn nuôi ATSH cũng là giải pháp Công ty Amavet đang áp dụng để chặn DTLCP. Ông Nguyễn Văn Bách – Giám đốc Công ty cho biết, bên cạnh việc đảm bảo cách ly, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu hủy đàn lợn bị bệnh triệt để, đúng cách, công ty cũng sử dụng chất kháng khuẩn, kháng virus Kangjuntai để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, bảo vệ được đàn lợn trước “bão” DTLCP.
Ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bổ sung chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho đàn lợn với tỷ lệ phối trộn thức ăn linh hoạt. Bên cạnh đó, việc cắt đứt nguồn lây nhiễm từ bụi, nước, không khí, vật chủ trung gian… là cách ứng phó hiệu quả nhất với DTLCP hiện nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải xác định sống chung với dịch bệnh này, biện pháp tổng thể nhất hiện nay là thực hiện chăn nuôi ATSH ở mức độ cao nhất, cả 2 nhóm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại đều phải thực hiện nghiêm túc giải pháp này.
“Thực tiễn đã chứng minh, nếu làm tốt ATSH, bệnh này không thể xâm nhập vào đàn lợn” – Bộ trưởng Cường nói. Ông yêu cầu Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sớm tổng kết, hoàn thiện quy trình chăn nuôi lợn ATSH để phổ biến đến người dân, giúp bà con chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Sau "bão" dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhiều vùng nông thôn từng là "thủ phủ" chăn nuôi lợn ở miền Bắc như...