Ngày lỗ 4 triệu đồng, dân buôn lao đao vì Corona

Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, giới dân buôn hàng online, đặc biệt là những mối bán hàng có nguồn gốc Trung Quốc cũng đang dần đối mặt với rất nhiều thách thức.

Theo nhiều đầu mối bán hàng online, nguồn hàng hiện nay đang trở nên khan hiếm hơn, giá cả tăng vọt trong khi khách hàng cũng dè dặt với những mặt hàng có nguồn gốc từ tâm dịch Covid-19.

Thời gian qua dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, nhiều hệ thống nhà hàng lớn ở Hà Nội đã phải đóng cửa hoặc thu hẹp mặt bằng kinh doanh để cầm cự qua mùa dịch.

 Tại các chợ đầu mối như chợ Ninh Hiệp (Bắc Ninh), An Đông (Q.5, TP.HCM), chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM)… số lượng khách mua hàng cũng giảm rất mạnh.

Tiểu thương ở chợ Ninh Hiệp cho biết mỗi ngày lỗ tới 4 triệu đồng do chi phí thuê mặt bằng và nhân công trong khi không có hàng để bán do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc đóng biên thời gian qua. Tiểu thương này thừa nhận có thể sẽ cắt giảm nhân lực trong thời gian tới để cố gắng cầm cự qua mùa dịch.

Trong khi đó, những ngày qua nhiều tiểu thương tại chợ Bình Tây và An Đông cũng đã quyết định đóng cửa sạp hàng, số còn lại chỉ buôn bán cầm chừng chờ những tín hiểu khởi sắc trong việc ngăn chặn và phòng dịch Covid-19.

Giới kinh doanh hàng online có nguồn gốc Trung Quốc thừa nhận đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Giới kinh doanh hàng online có nguồn gốc Trung Quốc thừa nhận đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Không chỉ ảnh hưởng tới những tiểu thương buôn bán theo phương thức truyền thống, những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cũng đang tác động lớn tới giới buôn hàng online mà lấy nguồn hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Chị Phương (ở Đống Đa – Hà Nội) cho biết trong giới buôn hàng online, có rất nhiều, thậm chí chiếm phần lớn là người bán hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Từ đầu năm 2020 tới nay là quãng thời gian khó khăn nhất bởi hàng về nhỏ giọt, thậm chí không có hàng bán.

Chị thừa nhận kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc dẫn đến cấm biên nên nhiều khi đăng bài giới thiệu nhưng không thể đặt được hàng trả khách, điều này dễ làm mất uy tín với khách ở những lần đặt hàng sau. Cùng với đó, một số mặt hàng bán rất chạy thời gian trước đây là giấy ăn, khăn lau mềm từ Trung Quốc được rất nhiều người sử dụng thì hiện nay tất cả các mối đều không thể nhập hàng.

Những người bán mặt hàng này hiện nay chủ yếu là còn tồn từ trong Tết nên số lượng rất ít và giá cả cũng tăng nhiều hơn trước đây. Thu nhập của chị Phương từ công việc bán hàng online đã giảm từ 50-70%.

Chị Lan Anh (một đầu mối lớn ở Gia Lâm, Hà Nội) xác nhận việc bán hàng online với những mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc thời gian này rất khó khăn bởi nguồn hàng ít, có nhập được thì số lượng cũng không nhiều và không còn đa dạng, phong phú như thời gian chưa bùng phát dịch.

Nhiều mặt hàng không có để giao cho khách, do đó số lượng đơn hàng sụt giảm mạnh tới 60%. Chị chia sẻ hàng ngày thường xuyên phải trao đổi với các CTV bán hàng của mình về những mặt hàng có thể đáp ứng để giúp khách hàng không phải chờ đợi, tránh phải hủy đơn.

Trong thời gian qua, nhiều mối bán hàng online đã tìm đến hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK), Thái Lan, hàng xách tay châu Âu, thậm chí nhiều người chuyển qua bán tôm hùm hay ngao hai cùi để đa dạng mặt hàng. Nhưng cả chị Phương và chị Lan đều cho biết điều này cũng không thể khỏa lấp được khoảng trống do sụt giảm doanh thu từ các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc để lại. Bởi các mặt hàng mới đều có giá thành cao, thậm chí mặt hàng hải sản là tôm hùm luôn được xem là xa xỉ với người tiêu dùng bình dân nên khó bán, lượng khách hỏi là không nhiều.

Chị Thanh Hải (Hà Đông – Hà Nội) cũng chia sẻ công việc kinh doanh mặt hàng giày dép và đồ dùng tiện ích cá nhân của mình cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Thời gian qua chị chuyển sang bán hàng VNXK, hàng có nguồn gốc từ Việt Nam cũng như Thái Lan nhưng do người dân ngại ra ngoài mua bán và thận trọng trong mùa dịch nên số lượng đơn hàng bán trực tiếp và qua các kênh online cũng giảm rất nhiều. Do mất một khoản chi phí đáng kể cho việc thuê mặt bằng trưng bày hàng và các chi phí liên quan nên việc kinh doanh thời gian này chỉ ở mức hòa vốn.

Chị Hải cho hay mình vẫn là may mắn so với nhiều bạn hàng khác bởi nhiều người đã lỗ lớn do chi phí thuê cửa hàng và nhân sự trông coi vẫn liên tục tăng nhưng không có hàng bán hoặc hàng bán được không nhiều do không nhập được những mẫu mới từ Trung Quốc. Chị hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế để những tiểu thương như chị có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia dự báo sốc, giá vàng trong nước có thể lên 55 triệu đồng/lượng

Chuyên gia nhận định, giá vàng trong nước sẽ dễ dàng tăng lên mức 50 triệu đồng/lượng. Thậm chí, nếu tình hình dịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN