Cử nhân bỏ phố về quê, vay 1 tỷ trồng nấm, đút túi chục triệu/tháng

Sự kiện: Khởi nghiệp

Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học - Đại học Quốc gia TP.HCM, anh Cao Minh Long (SN 1988, xóm 11, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp bằng nghề trồng nấm công nghệ cao (CNC). Mỗi tháng chàng kỹ sư trẻ đút túi hàng chục triệu đồng.

Làm việc chẳng giống ai

Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia TP.HCM với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành công nghệ sinh học, chàng trai trẻ Cao Minh Long (xã Diễn Lộc, Diễn Châu) quyết định khăn gói từ thành phố hoa lệ về mảnh đất “chôn rau cắt rốn” lập nghiệp.

Cử nhân bỏ phố về quê, vay 1 tỷ trồng nấm, đút túi chục triệu/tháng - 1

Lập nghiệp từ bàn tay trắng, nay anh Long đã có được những thành công bước đầu với mô hình trồng nấm công nghệ cao. Ảnh:  Lê Tập

Mô hình trồng nấm CNC của anh Long dựa trên nền tảng kiến thức đại học về công nghệ sinh học chuyên sâu lĩnh vực nấm ăn, nấm dược liệu, đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn sau khi đi thăm quan học hỏi các mô hình làm nấm ở khu nông nghiệp CNC TP.HCM, các mô hình làm nấm ở Đồng Nai.

Anh Long chia sẻ: “Khi biết tin tôi bỏ phố về quê lập nghiệp xây dựng mô hình sản xuất nấm CNC, bố mẹ phản đối kịch liệt. Bố mẹ, người thân ai cũng bảo, học đại học là để có công ăn việc làm ở thành phố, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Đằng này, tôi lại đi trái ngược với suy nghĩ của bố mẹ. Nhưng sau khi tôi giải thích, thuyết phục, bố mẹ tôi cũng xuôi lòng. Cuối cùng, quyết định của tôi được người thân và bạn bè ủng hộ”.

Nghĩ là làm, anh Long đã mạnh dạn cắm mấy sổ đỏ của gia đình và người thân ở ngân hàng để vay hơn 1 tỷ đồng, đầu tư dây chuyền sản xuất nấm như: Máy trộn mùn cưa, lò hấp, bao bì, hệ thống phun sương tự động, các loại nguyên liệu…

Lúc đầu còn gặp khó khăn, lứa nấm đầu tiên không đạt chất lượng như mong muốn. Không nản lòng, anh đã rút kinh nghiệm cải tạo cách trồng, đảm bảo nhiệt độ, nhờ đó các lứa sau đều thành công. Hiện tại, anh Long sản xuất 3 loại nấm giống chính, đó là nấm bào ngư, nấm linh chi đỏ và nấm mèo đen.

Anh Long bật mí: “Để sản xuất nấm giống (bào ngư, linh chi đỏ và nấm mèo đen) phải trải qua nhiều công đoạn: Chọn mùn cưa (chủ yếu lấy từ cây cao su và cây keo), ủ mùn cưa từ 1 – 2 tháng, sau đó sàng lọc kỹ và cho vào máy trộn. Sau khi trộn xong, mùn cưa sẽ được đưa vào máy đóng bịch và bỏ vào lò hấp hơn 110 độ C trong vòng 10 – 12 tiếng đồng hồ”.

Anh Long cho biết thêm: “Nguyên liệu trồng nấm bao gồm: Xương hầm, khoai tây, nước giá luộc, cám, đường trong môi trường sạch. Sau khi hoàn thành, nấm giống sẽ được gieo cấy vào từng phôi nấm. Thông thường, mỗi bịch meo giống 1kg sẽ cấy được khoảng 40 - 50 bịch phôi giống với khối lượng 1,3 -1,4 kg/bịch. Ví dụ, để cho ra 1 bình  meo nấm đông trùng hạ thảo phải mất 5 - 6 tháng, giá bán ra thị trường 800.000 đồng/bình.

Nhân rộng chỉ sau 1 năm

Sau hơn 1 năm về quê khởi nghiệp bằng nghề sản xuất nấm CNC, chàng cử nhân trẻ Cao Minh Long đã mở rộng quy mô trồng nấm lên 4 trại trồng nấm với dây chuyền cấy, sấy hết sức bài bản. Sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, mô hình sản xuất nấm CNC của anh Long thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Mô hình sản xuất nấm CNC của chàng kỹ sư trẻ Cao Minh Long không chỉ đáp ứng được tiêu chí ngon và sạch, đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà còn được các ngành chức năng đánh giá cao, ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng và chỗ đứng trên thị trường.

Theo anh Long, Diễn Châu có điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình sản xuất nấm sạch: Khí hậu thuận lợi, diện tích đất vườn rộng để xây dựng kho, nguyên liệu trồng nấm có thể tận dụng, hoặc mua với chi phí rẻ, chi phí thuê nhân công không cao như ở thành phố, thị trường tiêu thụ lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Tập ([Tên nguồn])
Khởi nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN