CPI tháng 5 tăng thấp mà lo

Chuyện tưởng chừng vô lý, nhưng đang có thật ở Việt Nam: nhìn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp mà lo.

Vẫn tiếp tục những thông tin được xem là đáng mừng về CPI, bởi xu hướng giảm tốc vẫn tiếp diễn. Tháng 5, CPI chỉ tăng 0,18% so với tháng trước, đưa lạm phát cộng dồn tới tháng 5 này chỉ ở mức 2,78%. Như vậy, càng thêm chắc chắn, mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay ở mức 1 con số sẽ trở thành hiện thực.

Tuy vậy, ở vào thời điểm này, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, câu chuyện không phải nằm ở con số bao nhiêu nữa, mà là nguyên nhân nào dẫn tới CPI tăng chậm như vậy. “CPI những tháng qua có diễn biễn giống như 3 tháng cuối năm 2008, khi giảm thấp đáng kể sau 10 tháng tăng vọt. Nhưng nguyên nhân của hai năm này lại khác nhau. Năm 2008, nguyên nhân là do xuất khẩu khó khăn, doanh nghiệp đình trệ sản xuất. GDP năm đó tuy tăng thấp, nhưng thị trường trong nước vẫn có dư địa, còn năm nay, không những xuất khẩu không cao, đơn hàng khan hiếm, mà ngay cả cầu trong nước cũng sụt giảm”, ông Ánh phân tích và cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân khá cơ bản ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI của cả nước trong thời gian qua.

Thực tế, dù tốc độ tăng CPI tháng 5 đã nhích hơn so với tháng trước, song đó là điều dễ hiểu, sau các tác động của việc tăng giá xăng từ tháng 3, hay quyết định tăng lương tối thiểu từ tháng 5. Chuyện cũng khá hiếm gặp ở Việt Nam, đó là, dù xăng tăng giá, lương cũng tăng, nhưng không có tình trạng “té nước” như mọi năm. Sức mua vẫn rất yếu, dù đã khả quan hơn so với những tháng trước.

Kết quả khảo sát được Công ty Nielsen công bố hồi đầu tháng 5 này cho thấy, trong khi niềm tin người tiêu dùng toàn cầu đã tăng 5 điểm trong quý I/2012, thì ở Việt Nam, xu hướng lại ngược lại: giảm 5 điểm, do những quan ngại về suy giảm kinh tế. Có tới 68% người Việt Nam được hỏi cho rằng, Việt Nam sẽ khó thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trong 12 tháng tới, tăng 3% so với khảo sát trong quý IV/2011. Trong khi đó, tiết kiệm trở thành lựa chọn hàng đầu của 69% người tiêu dùng Việt Nam, tăng 4% so với quý trước.

CPI tháng 5 tăng thấp mà lo - 1

Chuyện cũng khá hiếm gặp ở Việt Nam, đó là, dù xăng tăng giá, lương cũng tăng, nhưng không có tình trạng “té nước” như mọi năm. (Ảnh minh họa).

Sức mua suy giảm, khiến trong tháng 5, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%. Tương tự, nhà ở và vật liệu xây dựng cũng giảm 0,17%. Tăng cao nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm giao thông, tăng 1,32%.

Có một con số có lẽ chưa được dư luận chú ý, đó là, trong Báo cáo Thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2012, có 171.639 người đăng ký thất nghiệp, tăng 61,4% so với cùng kỳ năm 2011. Kinh tế khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa và thu hẹp sản xuất, khiến việc làm giảm sút. Thu nhập không còn, tất yếu dẫn đến sức mua yếu. Điều này, một lần nữa lại tác động đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, bởi tiêu dùng chính là động lực cho sản xuất.

Thực tế là, các thông tin liên quan tới hàng tồn kho, suy giảm sản xuất cũng đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua. Và khi mà CPI tăng thấp là một dấu hiệu cho thấy sự trì trệ của nền kinh tế, thì rõ ràng không phải là một tín hiệu vui.

“Nguyên nhân CPI tăng thấp là do nền kinh tế giảm cầu. Nếu không có biện pháp để giải quyết, kinh tế sẽ tiếp tục đình trệ, dẫn tới giảm phát, mà giảm phát thì khó chữa hơn lạm phát rất nhiều”, ông Ánh cảnh báo.

Trước dấu hiệu suy giảm kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đồng thời gửi đi thông điệp rằng, đây chỉ là gói hỗ trợ, chứ không phải là kích cầu. Tuy nhiên, không ít ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng đã đặt vấn đề rằng, có nên kích cầu hay không, bởi kích cầu không khéo sẽ kéo lạm phát quay trở lại. Bài học năm 2010 là ví dụ điển hình.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, nếu muốn kích cầu, phải rút kinh nghiệm từ năm 2009 và phải kích cầu làm sao để không ảnh hưởng tới lạm phát. “Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các yếu tố làm động lực cho nền kinh tế hồi phục còn rất mỏng, thì quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp điều phối tiền thừa giữa các ngân hàng, để cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp. Đồng thời, cần phải nới các điều kiện cho vay, bởi điều kiện cho vay hiện nay khá ngặt nghèo”, ông Ân nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN