Con gái Tổng thống Mỹ bán hàng made in Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kể trong chuyến thăm Mỹ, đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới cửa hàng của con gái Tổng thống Trump và rất vui khi chứng kiến hàng made in Việt Nam được bày bán tại đây.

Sáng 20/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Tổ công tác của Thủ tướng của Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, một vấn đề mà Thủ tướng nhắn nhủ tới Tập đoàn Dệt may là thúc đẩy các dự án đầu tư để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm đóp góp cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017.

"Phải thay đổi cách tiếp cận vốn trong đầu tư để tham gia nhiều khâu hơn trong sản xuất, tránh nhập từ cái kim, sợi chỉ, cái khuy, hay nói cách khác là để thu về giá trị lớn hơn trong xuất khẩu", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kể trong chuyến thăm Mỹ, đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới cửa hàng của con gái Tổng thống Trump và rất vui khi chứng kiến hàng made in Việt Nam được bày bán tại đây.

Con gái Tổng thống Mỹ bán hàng made in Việt Nam - 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP - Tổ trưởng Tổ công tác kiểm tra tại Tập đoàn Dệt may.

Theo Bộ trưởng Dũng, đó là những chiếc áo khoác rất đẹp, nhẹ, chất lượng cao.

Tương tự, khi đoàn công tác tới thăm siêu thị Aeon của Nhật ở Osaka trong chuyến thăm của Thủ tướng mới đây cũng chứng kiến hàng may mặc của Việt Nam được bày bán rất nhiều.

"Nói vậy để thấy hàng may mặc của ta đã chinh phục được những thị trường khó tính nhất. Song các thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm, chúng ta phải lưu ý, thay đổi cách tiếp cận thị trường để không bị bỏ lại, nhất là với các đối thủ như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ", ông Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, ngành Dệt may Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng xuất khẩu 2 con số so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Tập đoàn Dệt may cũng thẳng thắn đánh giá là đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, mạnh về khâu may gia công xuất khẩu, nhưng lại yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm. Vì vậy phải nhập khẩu vải từ các quốc gia khác.

Bên cạnh đó công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triền. Tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, vải không đủ phục vụ may (trên 70% vải là nhập khẩu) tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Kiên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN