Choáng: Mất 2 tỷ đồng/tháng để thu gom và đổ bỏ hoa quả dập, thối

Sự kiện: Kinh Doanh

Là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất cả nước nhưng TP.HCM hiện đang “đau đầu” vì nguồn rác thải sinh ra từ nông sản nhập về các chợ đầu mối. Dự tính, mỗi đêm, có khoảng 240 tấn rác thải tại 3 chợ đầu mối nông sản lớn ở TP.HCM, chủ yếu là từ các phần bỏ đi của rau, củ quả và thủy hải sản các loại.

Đến nay, dù sau nhiều lần bàn bạc các phương án xử lý, TP.HCM vẫn chưa có cách xử lý triệt để lượng rác thải nhập vào TP theo các lô hàng nông sản này.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, mỗi đêm, 3 chợ đầu mối ở TP HCM tiếp nhận khoảng hơn 9.200 tấn hàng hóa các loại; tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 khu chợ này ước đạt 240 tấn, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm khoảng gần 90%.

Để xử lý nguồn rác thải này, Ban quản lý 3 chợ đầu mối gồm Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn phải tốn hơn 2 tỉ đồng/tháng để xử lý toàn bộ lượng rác thải này, tương đương gần 67 triệu đồng/ngày.

Choáng: Mất 2 tỷ đồng/tháng để thu gom và đổ bỏ hoa quả dập, thối - 1

Rác thải từ nông sản chưa qua sơ chế đổ về TP.HCM mỗi đêm khoảng 240 tấn.

Với 1.300 điểm kinh doanh, số lượng hàng về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hàng đêm khoảng 3.500 – 5.000 tấn. Thời điểm gần Tết nguyên đán, lượng hàng này có thể tăng lên tới 6.000-7.000 tấn, trong đó phần lớn là nông sản từ các tỉnh, thành.

Phần lớn nông sản đổ về chợ từ các tỉnh đều chưa được sơ chế, do đó, mỗi đêm, chợ đầu mối Thủ Đức phải “gánh” thêm khoảng 60 tấn rác thải là phụ phẩm nông nghiệp. Để xử lý nguồn rác thải này, Chợ đầu mối Thủ Đức ký hợp đồng với một doanh nghiệp môi trường đô thị để thu gom, vận chuyển và thực hiện khử mùi. Chi phí cho hoạt động này mỗi tháng khoảng 350 triệu đồng. Ngoài ra, tiền lương cho đội công vệ sinh chợ hằng đêm gồm 14 người cũng lên đến 130 triệu đồng mỗi tháng.

Còn tại Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, có khoảng 80 tấn rác/ngày, tốn 160 triệu đồng/tháng cho khâu thu gom và vận chuyển; chợ đầu mối Bình Điền trung bình có khoảng 100 tấn rác thải/ngày, trong đó có 70% từ nông sản.

Tình trạng tại Bình Điền còn tệ hại hơn khi đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp thủy, hải sản nên mùi hôi, tanh từ nước rửa sản phẩm tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chị Hải Thanh, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bình Điền chia sẻ, hằng đêm đều phải chịu cảnh “ngộp thở” vì mùi hôi của rác thải. Nước thải tràn xuống sàn chợ gây trơn trượt, nhếch nhác vô cùng.

Chưa kể, nhiều người đến chợ mua sắm còn lo ngại tình trạng môi trường xấu sẽ khiến sản phẩm nông sản, thực phẩm bày bán ở đây bị nhiễm bẩn theo. Tuy nhiên, không còn cách nào khác ngoài việc “sống chung với rác”, chị Thanh cùng nhiều tiểu thương khác đành phải sử dụng găng tay, khẩu trang… để chống bớt mùi hôi.

Sở TNMT TP.HCM cũng xác nhận, hàng ngày công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh tại các chợ Thủ Đức là 80 tấn/ngày, chợ Hóc Môn là 50 tấn/ ngày, chợ Bình Điền là 40 tấn/ ngày, chủ yếu là thành phần rác hữu cơ. Trên thực tế, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại các khu chợ này đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân.

Choáng: Mất 2 tỷ đồng/tháng để thu gom và đổ bỏ hoa quả dập, thối - 2

TP.HCM từng bước yêu cầu các tỉnh lân cận phải sơ chế nông sản trước khi đưa về TP tiêu thụ.

Để giảm tải việc phải xử lý rác thải cho các chợ đầu mối tại TP.HCM, TP. đang tiến dần tới việc yêu cầu các địa phương cung cấp nông sản về TP.HCM phải sơ chế trước. Ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh đã văn bản thông báo trong toàn tỉnh từ ngày 1.8 toàn bộ hàng hóa nông sản của tỉnh phải qua sơ chế trước khi xuất bán về TP.HCM.

Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, quy trình sản xuất – tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện còn nhiều khâu yếu kém, nhất là công đoạn thu hoạch, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch. Việc sơ chế, bảo quản không đúng kỹ thuật như hiện nay khiến tỉ lệ hao hụt nông sản khi ra thị trường ở mức cao, thời gian bảo quản sản phẩm cũng không được lâu dài.

TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ, nếu bảo quản, sơ chế tốt, nông sản Việt Nam sẽ được gia tăng đáng kể về mẫu mã chất lượng, từ đó gia tăng giá trị. Còn đối với các loại rác thải từ nông sản sau sơ chế, có thể sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, đất trồng rau… Từ đó, tăng thêm hiệu quả kinh tế cho trang trại sản xuất. Tuy nhiên, nguồn thu từ những phụ phẩm của nông nghiệp này hiện nay còn chưa được tận dụng tốt, khiến tính cạnh tranh của nông sản của Việt Nam giảm đi rất nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khải Huyền ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN