Cây xăng muốn được tăng hoa hồng, mua hàng từ nhiều nguồn

Cơ chế tính giá xăng dầu hiện nay không tính đúng với giá cả quá trình mua hàng và giá thành thực tế hoạt động nên doanh nghiệp đầu mối nào cũng lỗ.

Ngày 14-10 ghi nhận của PLO tại một số quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân (TP.HCM)…cho thấy vẫn còn cửa hàng hết xăng, bán xăng giới hạn 30.000 đồng/xe máy. Đáng chú ý một số cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM và một số tỉnh thành cho biết gặp khó do thiếu nguồn cung.

Muốn được tăng hoa hồng, mua hàng từ nhiều nguồn

Ông Nguyễn Duy K, chủ hệ thống cửa hàng xăng dầu (Bến Tre): Vấn đề nóng bỏng hiện nay là hoa hồng dành cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn chưa được giải quyết.

Đối với DN bán lẻ sống được nhờ hoa hồng, vì vậy chỉ cần hoa hồng ổn định nhưng cả gần năm nay chiết khấu hoa hồng của các cửa háng bán lẻ xăng dầu luôn ở mức thấp, thậm chí là 0 đồng thường xuyên. Để tồn tại được DN phải tự bù lỗ và DN có thể bù lỗ một vài tháng nhưng mức hoa hồng thấp, 0 đồng kéo dài gần cả năm nay DN bán lẻ khó duy trì hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, thời gian qua DN đầu mối cung cấp hàng nhỏ giọt nên cửa hàng bán lẻ bị hụt hàng.

"Nếu nhà nước cứ để tình trạng hoa hồng 0 đồng, DN bán lẻ làm ăn thua lỗ đến lúc sẽ phải phá sản. Gần một năm nay, trung bình DN tôi lỗ vài trăm triệu đồng/tháng, chưa kể phải chịu áp lực khi khách hàng, người dân mua xăng dầu không có họ trách sao cửa hàng không mua xăng dầu ở đầu mối khác…Trong khi theo quy định, cửa hàng bán lẻ chỉ lấy một đầu mối nên cửa hàng phải chấp nhận sự trách móc của người tiêu dùng", ông K nói.

Đại diện một DN bán lẻ tại TP.HCM cho biết thời gian qua kinh doanh vô cùng khó khăn do không có hoa hồng nên càng bán càng lỗ. Song song đó, một số DN phải xin tạm ngừng bán nhiều cửa hàng do không mua được hàng từ nhà cung cấp.

Hiện nhiều cửa hàng vẫn khó khăn trong đặt mua nguồn hàng từ các đơn vị đầu mối, hoa hồng 200 đồng/lít xăng, dầu.

"Chúng tôi kiến nghị áp dụng mức hoa hồng cố định theo định mức đối với DN bán lẻ theo tỷ lệ không nhỏ hơn 6%-7%/giá bán mỗi lít xăng dầu. Áp dụng theo tỷ lệ chứ không áp dụng theo số tiền cụ thể để nếu giá xăng dầu tăng, giảm thì vẫn áp dụng ổn định. Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.

Bên cạnh đó, các DN cũng đề nghị được phép đăng ký mua hàng của nhiều đầu mối để tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung như thời gian vừa qua", vị đại diện kiến nghị.

Một cửa hàng ở quận Tân Bình thông báo đứt nguồn cung xăng ngày 14-10. Ảnh: TÚ UYÊN

Một cửa hàng ở quận Tân Bình thông báo đứt nguồn cung xăng ngày 14-10. Ảnh: TÚ UYÊN

Vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết

Ông Giang Chấn Tây, T.S kinh tế - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, cốt lõi vấn đề là cách tính giá cơ sở hiện nay để quyết định giá bán lẻ chưa được cơ quan chức năng nhận diện đúng để khắc phục.

Ông Tây phân tích, hiện nay, DN đầu mối mua hàng về nhập kho thì giá vốn phải tính trên cơ sở giá thế giới từ 20 ngày trước đó (theo quy định bắt buộc về an toàn năng lượng quốc gia) thậm chí là lâu hơn.

Tuy nhiên, đến kỳ điều hành Liên bộ cắt ngang 10 ngày để tính giá bán lẻ theo giá thế giới thì có hai vấn đề.

Trường hợp giá giảm tại thời điểm điều chỉnh so với giá mua ban đầu DN đầu mối lỗ nặng cả giai đoạn mua giá cao trước đó. Để hạn chế lỗ liên tục họ hạn chế nhập hàng, thị trường thiếu hụt xăng dầu là tất yếu. Hệ luỵ là chiết khấu liên tục giảm xuống 0 đồng, kéo theo DN bán lẻ phá sản, thị trường rối loạn.

1 cửa hàng ở quận Bình Tân bán giới hạn 30.000 đồng xăng cho xe hai bánh. Ảnh: TÚ UYÊN

1 cửa hàng ở quận Bình Tân bán giới hạn 30.000 đồng xăng cho xe hai bánh. Ảnh: TÚ UYÊN

Trường hợp giá thế giới tăng, DN đầu mối luôn luôn lãi vì giá nhập xăng dầu giai đoạn trước đó thấp. Ví dụ, khi giá xăng dầu thế giới tăng, DN sẽ mua lần lượt giá 10.000 đồng/lít, tăng dần 11.000 đồng…16.000…18.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, khi xác định giá bán lẻ liên Bộ căn cứ giá thế giới trong 10 ngày sau cùng từ 16.000-18.000 đồng/lít. Và với cách tính như hiện nay, liên Bộ quyết định giá bán lẻ bình quân 17.000 đồng/lít. Thay vì tính bình quân chung trong chu kỳ phát sinh 10 ngày cộng với toàn bộ phát sinh trước đó thì giá chỉ có 14.000 đồng/lít...

Cơ chế tính giá xăng dầu hiện nay giống như người “đi chợ” là DN đầu mối. Người quyết định giá mua, chi phí mua là người “ở nhà”. Liên Bộ không tính đúng với giá cả quá trình mua hàng và giá thành thực tế hoạt động của DN nên DN đầu mối nào cũng bị lỗ.

Để thị trường ổn định, ông Tây đề xuất, giá thành cơ sở nên đưa về cho DN đầu mối tính theo Luật kế toán. Sau khi nhận được báo cáo giá thành cơ sở bình quân chung của các đầu mối, Bộ Tài chính sẽ cộng lợi nhuận định mức cho DN đầu mối.

Đồng thời cộng thêm quy định chiết khấu cho DN bán lẻ không nhỏ hơn 7%/lít xăng dầu trên giá bán lẻ thì thị trường sẽ ổn định, DN tiết kiệm chi phí để cạnh tranh lành mạnh.

"Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nên quản lý, điều hành toàn bộ từ giá cơ sở đến quyết định lượng hàng nhập. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra DN “đi chợ” có mua đúng giá, dùng chi phí hợp lý không cũng như xử phạt những vi phạm theo quy định của pháp luật" - ông Tây nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá xăng nhập đang tăng mạnh

Trong nhiều ngày qua, giá xăng nhập chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dao động quanh mức từ 94-98 USD/thùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN