Buôn lậu 'khủng' ngà voi, sừng tê giác: Lọt lưới chủ hàng?

Sự kiện: Kinh Doanh

Liên tiếp 3 vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê với trọng lượng lên tới cả chục tấn về Việt Nam qua đường hàng không và đường biển vừa bị triệt phá. Tuy nhiên, những vụ việc này nguy cơ lại... chìm xuồng vì không xác định được chủ hàng và đầu nậu như các vụ án trước đây.

Buôn lậu 'khủng' ngà voi, sừng tê giác: Lọt lưới chủ hàng? - 1

Tang vật 34 kg sừng tê giác vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam bị lực lượng hải quan thu giữ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày 12/10.

Hàng từ Nigeria, Nam Phi về Việt Nam

Sau gần 1 năm trầm lắng kể từ khi Cục Hải quan TPHCM, Cục Hải quan Hà Nội bắt nhiều vụ buôn bán ngà voi vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017, cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 này, nạn buôn lậu ngà voi và sừng tê giác lại trở nên nóng bỏng. Ngày 12/10, lực lượng hải quan kiểm tra một kiện hàng 53kg phát hiện có 34kg sừng tê giác (gồm 13 sừng tê giác và các sản phẩm) vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Lô hàng có vận đơn 157 JNB 40888374, được vận chuyển trên chuyến bay số hiệu QR 8954 của hãng hàng không Qatar Airway, từ Nam Phi quá cảnh qua Doha về Việt Nam ngày 4/10/2018. Người gửi hàng trên vận đơn là một công ty ở Nam Phi; người nhận hàng trên vận đơn có tên Trương Văn Nam, địa chỉ ở Sóc Sơn, Hà Nội.

Trước đó, ngày 28/9, cũng tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, lực lượng hải quan kiểm đếm 24 thùng cát tông  hàng hóa được gửi từ Nigeria về Việt Nam, phát hiện và thu giữ hơn 190kg ngà voi, sản phẩm ngà voi và hơn 800kg vảy tê tê. Cả 2 lô hàng chứa ngà voi và vảy tê tê này đều do Hãng hàng không Turkish Airlines vận chuyển từ Nigeria về Việt Nam qua Nội Bài. Tên hàng của 2 lô này theo khai báo hải quan là GENERAL CARGO. Người nhận lô hàng 800kg vảy tê tê trên vận đơn là: NBC VIETNAMDEVELOPMENT COMPANY LIMITED, thôn Thanh Trì, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Còn người nhận lô hàng 190kg ngà voi trên vận đơn là VAMC IECO LTD THOU, thôn Minh Tân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Ngày 4/10, Cục Hải quan Đà Nẵng cũng chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), lực lượng chuyên trách về chống tội phạm ma túy của Công an, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng khám xét các lô hàng nghi vấn có xuất xứ Nigeria. Hàng được vận chuyển trên tàu Linda Via IMO 9122345 từ Nigeria về Đà Nẵng. Tên hàng theo khai báo là nhựa cắt mảnh mới.

Doanh nghiệp đứng tên nhập khẩu trên vận đơn là Cty TNHH Thiên Trường Sử (xóm Đoàn Kết, xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Lực lượng chức năng phát hiện trong container có 200 bao đựng vảy tê tê và ngà voi, trọng lượng 6 tấn vảy tê tê và 2 tấn ngà voi. Đây là vụ bắt giữ ngà voi và vảy tê tê lớn nhất cả nước kể từ đầu năm 2018 đến nay và nhiều năm gần đây.

Căn cứ thẩm quyền của cơ quan hải quan theo pháp luật Tố tụng hình sự, Cục Hải quan Đà Nẵng đã chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định.

Chủ hàng được báo trước để không nhận hàng?

Theo một cán bộ trinh sát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, thủ đoạn của tội phạm trong các vụ việc này là trà trộn, cất giấu tang vật (ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê) trong hàng hóa khác (phế liệu). “Lực lượng chức năng nghi vấn số hàng này và kiểm tra vì phế liệu từ trước đến giờ Việt Nam không nhập khẩu từ Nigeria”, vị trinh sát cho hay.

Một điểm lạ là hầu hết các vụ án buôn lậu từ trước tới nay, hàng hóa đều bị kiểm tra, phát hiện khi chưa thông quan. Khi lực lượng chức năng liên hệ để xác minh thì chủ hàng có tên trên vận đơn đều từ chối nhận hàng. Vậy, có điều gì bất thường?

Buôn lậu 'khủng' ngà voi, sừng tê giác: Lọt lưới chủ hàng? - 2

Hai tấn ngà voi vận chuyển bằng đường biển từ Nigeria về Cảng Đà Nẵng bị thu giữ ngày 4/10.

Theo cán bộ trinh sát nói trên, các đối tượng thường lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp mới thành lập chưa có sai phạm gì, để khai báo hàng hóa được xếp vào luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế). Thực tế, các vụ việc gần đây như vụ ở cảng Đà Nẵng, cán bộ hải quan đã căn cứ trên vận đơn mời chủ hàng ở Nghệ An vào làm việc. Tuy nhiên, chủ hàng liền từ chối với các lý do “đối tác gửi nhầm”...

Với vụ việc ở Cảng Đà Nẵng, theo Cục Điều tra chống buôn lậu, hình ảnh soi chiếu bằng máy soi container cho thấy, trong container chứa một lượng lớn hàng khác lạ nghi là ngà voi, vảy tê tê và một hàng khác chưa xác định. Sau khi làm các thủ tục theo quy định, lực lượng chức năng đã khám xét thực tế và phát hiện số lượng tang vật trên.

Điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy thời gian gần đây, sừng tê giác được tiêu thụ ngày càng nhiều ở Việt Nam. “Giá 1kg sừng tê giác trên thị trường tự do khoảng 1,3 tỷ đồng. Ngà voi đã bị cắt khúc ra để làm đồ trang sức, mỹ nghệ, phong thủy...giá khoảng 15-20 triệu đồng/kg. Nếu ngà voi còn nguyên cặp đẹp thì giá bán có thể lên tới cả tỷ đồng, thường được các đại gia săn tìm về trang trí trong các biệt thự riêng”, cán bộ điều tra ngành Hải quan cho hay.

Theo TS. Đặng Tất Thế, Trưởng phòng Hệ thống học phân tử và di truyền bảo tồn (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), khác với sừng tê giác hay vảy tê tê có liên quan đến các đơn thuốc đông y, ngà voi chỉ được dùng để làm đồ trang trí, nhất là đồ mỹ nghệ. Ở Việt Nam, theo ông Thế, ngà voi và sản phẩm không được sử dụng nhiều, vì giá cả đắt đỏ và cũng không phải là thú chơi truyền thống.

TS. Đặng Tất Thế cho hay, không chỉ ông mà trong nhiều cuộc họp của các tổ chức quốc tế liên quan bảo tồn động, thực vật hoang dã, các chuyên gia quốc tế đều có cùng nhận định, Việt Nam hay một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chỉ là một trong những điểm trung chuyển trong đường dây buôn lậu ngà voi xuyên quốc gia.

Thực tế nhiều vụ việc do Hải quan Việt Nam bắt giữ trước đây đều liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, nhất là tạm nhập tái xuất hàng hóa đi Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuần Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN