Bưởi đỏ Tân Lạc từ chỗ "siêu lợi nhuận", giờ lại đau đầu tiêu thụ

Sự kiện: Kinh Doanh

Cùng với cây cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình còn có một loại trái cây đặc sản nổi tiếng không kém là bưởi đỏ Tân Lạc. Bưởi đỏ đã và đang được người tiêu dùng đón nhận, tuy nhiên mấy năm gần đây, diện tích trồng bưởi đỏ và nhiều loại bưởi khác đều tăng chóng mặt khiến người trồng phải đau đầu tìm nơi tiêu thụ sản phẩm.

Nhà nhà trồng bưởi

Cách đây 6-7 năm trước, cây bưởi đỏ mới chỉ được trồng chủ yếu ở 2 xã Đông Lai và Thanh Hối (Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình). Khi đó, mỗi hộ dân chỉ trồng vài chục cây sau vườn. Đặc thù của giống bưởi này là rất sai quả. Có những cây bưởi đạt tới vài ba trăm quả, thậm chí cả nghìn quả không còn là chuyện hiếm.

Đặc biệt là bưởi đỏ trồng tại Tân Lạc luôn cho chất lượng ngon hơn cả. Khi bưởi chín, vỏ chuyển sang màu vàng ươm, tôm có màu đỏ au, mọng nước, ăn ngọt lừ nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bưởi đỏ Tân Lạc từ chỗ "siêu lợi nhuận", giờ lại đau đầu tiêu thụ - 1

Nhờ trồng bưởi đỏ, nhiều hộ nông dân huyện Tân Lạc, Hoà Bình, có thu nhập khá. Ảnh: X.T

Giá bán bưởi đỏ Tân Lạc trước đây luôn cao ngất ngưởng, trung bình 35.000 đồng/quả bán ngay tại vườn. Vì thế, một cây bưởi cho thu nhập mấy chục triệu đồng không còn là chuyện lạ. Thời ấy, nhà nào có vài chục cây bưởi là kiếm tiền triệu dễ dàng.

Bưởi đỏ có màu sắc bắt mắt, khi chín vỏ quả có màu vàng, tỏa hương thơm ngát, ruột đỏ, ăn có vị ngọt thanh. Mấy năm gần đây, bưởi đỏ Tân Lạc đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết tới. Hiện giá bán bưởi đỏ tại vườn từ 20.000 - 25.000 đồng/quả.

Thấy cây bưởi đỏ có hiệu quả kinh tế cao, lại nhàn công chăm sóc, nhà nhà lao vào trồng bưởi. Từ đồi thấp đến đồi cao, người dân đều thuê máy xúc, cắt đường băng trồng bưởi.

Ông Trần Văn Cảnh - người dân xã Thanh Hối chia sẻ: Giai đoạn đó cây bưởi đỏ mang lại siêu lợi nhuận. Không một cây trồng nào có thể mang lại nhiều tiền như thế cho người nông dân. Từ vài chục ha bưởi ban đầu, đến nay nhà nhà ở xứ Mường trồng giống bưởi sai như nho này. Diện tích trồng không bó gọn trong huyện Tân Lạc nữa mà đã lan nhanh ra toàn tỉnh Hòa Bình. Các huyện Kim Bôi, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy… đâu đâu người ta cũng nói đến chuyện trồng bưởi đỏ.

Chỉ trong mấy năm, toàn tỉnh Hòa Bình đã có trên 1.000ha bưởi đỏ, riêng huyện Tân Lạc có tới 800ha. Diện tích tăng, sản lượng cũng tăng dẫn tới vấn đề tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ trở nên “căng thẳng”, nhất là vào dịp cuối năm khi nhiều giống bưởi khác cùng chín như bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng..., khiến giá bán bưởi đỏ cũng giảm nhanh, dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/quả.

Loay hoay tìm cách tiêu thụ sản phẩm

Từ trước tới nay, việc tiêu thụ bưởi đỏ trông cả vào thương lái. Giá cả lên xuống cũng thất thường, tùy thuộc vào đội lái buôn này. Mãi đến năm 2017, tại huyện Tân Lạc mới thành lập HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc (xã Tử Nê).

HTX hiện có khoảng 30ha canh tác cây ăn quả, trong đó diện tích bưởi đỏ là chủ yếu, niên vụ 2017-2018 bắt đầu cho thu hoạch khoảng 7ha. Mặc dù toàn bộ diện tích này đều được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP nhưng việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng không hề dễ dàng.

Bưởi đỏ Tân Lạc từ chỗ "siêu lợi nhuận", giờ lại đau đầu tiêu thụ - 2

Bưởi đỏ luôn cho quả sai trĩu trịt. Ảnh: X.T

Theo bà Đỗ Thị Hương Giang - Phó Giám đốc HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, HTX ý thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề thương mại sản phẩm, HTX càng quyết tâm giữ gìn và phát huy nhãn hiệu tập thể Bưởi đỏ Tân Lạc bằng cách tiếp tục thực hiện tốt các quy định sản xuất bưởi VietGAP để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, xác lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Được biết, quá trình thực hiện VietGAP trên bưởi đỏ Tân Lạc gắn liền với việc tư vấn hình thành nhóm hộ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch và in bao bì nhãn mác. Sau khi được trao chứng nhận VietGAP, các cơ quan chuyên môn của huyện Tân Lạc và nhóm nông dân VietGAP sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số mã vạch và in bao bì nhãn mác theo kế hoạch đã đề ra.

Năm 2018 huyện Tân Lạc đã triển khai chương trình Liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ theo chuỗi giá trị. Được biết, chương trình này có 3 xã trồng nhiều bưởi nhất huyện Tân Lạc tham gia gồm Tử Lê, Đông Lai, Thanh Hối, và HTX sản xuất kinh doanh nông sản sạch Đông Lai, Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh.

Theo đánh giá của UBND huyện Tân Lạc, mục tiêu của chương trình này là nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ dân tham gia và tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện Phòng Nông nghiệp huyện Tân Lạc được giao thực hiện dự án này.

“Khi dự án được thực hiện chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất đối với sản phẩm bưởi đỏ, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa. Đồng thời thông qua chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi đỏ, người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng cao” - ông Vũ Quang Hùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Lạc cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Tuấn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN