Bắt buộc 100% thịt heo phải truy xuất nguồn gốc

Sự kiện: An toàn thực phẩm

Nếu cứ chấp nhận lối làm ăn theo kiểu cũ như bơm nước vào heo, tạo nạc bằng hóa chất…thì rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân.

“Đến ngày 31-7 này heo khi đưa vào tiêu thụ tại TP.HCM thông qua hai chợ đầu mối bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc”. Đây là phát biểu của ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM tại buổi sơ kết đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, công bố kế hoạch triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm ngày 1-7.

Hàng ngàn điểm bán thịt heo truy xuất nguồn gốc

Theo ông Hòa, qua sáu tháng triển khai đề án, đã tạo thói quen, nâng cao ý thức của người chăn nuôi, người phân phối, kinh doanh thịt heo khi đưa sản phẩm ra thị trường có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng (NTD) biết. NTD hoàn toàn chủ động truy xuất biết được nguồn gốc thịt heo.

Tuy nhiên, đề án cũng gặp một số khó khăn là số lượng người tham gia quá đông với khoảng 1.300 trang trại. Trong các trang trại này có hàng trăm cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hàng chục cơ sở giết mổ, hàng trăm tiểu thương, thương nhân kinh doanh.

Đến nay các chủ thể phải thực hiện một số thao tác trên ứng dụng CNTT, dù đã được điều chỉnh đơn giản. Nhưng cần có thời gian để các chủ thể làm quen.

Đối với kênh phân phối hiện đại triển khai từ tháng 12-2016 đến nay khi NTD mua thịt heo ở siêu thị, các kênh hiện đại ở TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam từ Bình Thuận trở vào đều truy xuất được nguồn gốc thịt heo.

Trên cơ sở đó từ ngày 31-7 tới, TP sẽ chính thức kiểm soát nguồn heo và thịt heo cung ứng cho thị trường TP HCM. Theo đó, 100% thịt heo vào hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc.

Như vậy, cùng với lượng heo bán tại kênh bán lẻ hiện đại đã được kiểm soát tốt, việc quản lý truy xuất nguồn gốc bắt buộc tại kênh bán lẻ truyền thống thông qua hai chợ đầu mối, 100% thịt heo bán tại thị trường TP.HCM từ thời điểm này sẽ được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc. 

Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết đã đồng hành với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo từ thời điểm đầu tiên tháng 12-2016 tại các điểm bán ở kênh hiện đại. Khi được sự đón nhận của NTD tại Vissan đã triển khai đồng bộ tại 573 điểm bán hiện đại và truyền thống.

Bà Ninh cho biết việc thực hiện chương trình làm phát sinh các chi phí nhưng Vissan nhận thấy việc này phải làm. Vissan hy vọng dần dần bằng các công nghệ tiên tiến, sẽ được tiết giảm chi phí trong thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Bắt buộc 100% thịt heo phải truy xuất nguồn gốc - 1

Người tiêu dùng đang thực hiện thao tác truy xuất nguồn gốc thịt heo tại siêu thị

Cần kiên trì thực hiện

Ông Hòa cho biết lãnh đạo thành phố đã xác định cần tổ chức lại thị trường thịt heo minh bạch, truy xuất nguồn gốc và kết nối thành chuỗi liên kết giữa khâu chăn nuôi đến khâu tiêu thụ. Đây là việc làm lâu dài, phải kiên trì vận động để các chủ thể tham gia hiểu ý thức trách nhiệm của mình. NTD ý thức được quyền lợi của mình, được cung cấp thông tin đầy đủ.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban đề án, cho biết ATVSTP không chỉ là kiên quyết xử lý hành vi gian lận thương mại xem thường sức khỏe người dân, mà vấn đề căn bản xây dựng nguồn thực phẩm sạch để người dân được chọn lựa.

Vì vậy, truy xuất nguồn gốc là biện pháp căn cơ mà thành phố chọn phù hợp với xu hướng của thế giới, đặc biệt trong thời đại công nghệ số 4.0.

Theo ông Tuyến, sức khỏe của người dân là vấn đề thành phố quan tâm hàng đầu. Nếu cứ chấp nhận lối làm ăn theo kiểu cũ như bơm nước vào heo, tạo nạc bằng hóa chất… thì rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Chúng tôi mong bà con chia sẻ với thành phố. Thành phố không làm khó khăn gì, mà vì trách nhiệm cộng đồng, sức khỏe cộng đồng chúng ta phải thay đổi.

 “Dù kết quả chưa đạt được như mong muốn nhưng là xu hướng, là những bước đi đúng. Chúng ta cần tiếp tục kiên trì làm thế nào để thể hiện trách nhiệm của mình để bảo vệ sức khỏe của người dân thành phố”, ông Tuyến chia sẻ.

Ông Tuyến cho biết thành phố đã bàn kỹ việc làm thế nào xóa dần chợ tự phát. Đây là nơi để người ta “xả” thực phẩm bẩn, không an toàn, không sạch sẽ. Vì thực tế, vẫn có một số bộ phận người dân do thu nhập thấp vẫn dễ dãi trong chọn lựa.

Vì vậy bên cạnh có lộ trình chấm dứt chợ tự phát, thành phố giao Sở Công Thương làm việc với Saigon Co.op đưa cửa hàng lưu động cung cấp các mặt hàng thiết yếu giá hợp lý đến bà con, thay thế cho chợ tự phát. Có làm như vậy mới chấm dứt căn bản chợ tự phát, bảo vệ sức khỏe cho toàn người dân thành phố chứ không riêng người giàu, người có điều kiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN