Bà con người Thái "đút túi" kha khá mỗi ngày nhờ… “lộc của rừng”

Sự kiện: Kinh Doanh

Từng bó măng nho nhỏ được rao bán với giá 10.000 - 20.000 đồng/bó, đã tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho các hộ dân nơi đây.

Đến với bản Hượn (xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) vào những dịp đầu tháng 5 dương lịch, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy cảnh các cô gái Thái gùi trên vai những sọt măng loi rừng đầu mùa đi trên đường Quốc lộ 6. 

Bà con người Thái "đút túi" kha khá mỗi ngày nhờ… “lộc của rừng” - 1

Măng loi rừng được bà con người Thái Yên Châu mang đi bán dọc theo Quốc Lộ 6, tỉnh Sơn La

Nhắc đến Tây Bắc, người ta thường nghĩ đến những ngọn núi hùng vĩ, những con suối thơ mộng, những thửa ruộng bậc thang trải dài đầy quyến rũ... Tuy vậy, Tây Bắc không chỉ hấp dẫn bởi cảnh đẹp nên thơ mà còn bởi những món ăn ngon mang đậm hương vị núi rừng, trong đó không thể không kể đến món măng loi rừng.

Người Thái xã Chiềng Đông ở gần rừng, gắn bó với rừng nên rất giỏi trong việc tìm kiếm các đặc sản từ rừng và cũng vô cùng khéo léo trong việc chế biến măng loi thành các món ăn ngon, làm say lòng du khách khi đặt chân đến với vùng đất nhiều nắng gió này. Vì thế, măng loi tạo ra nguồn thu nhập lớn cho bà con dân tộc Thái nơi đây.

Bà con người Thái "đút túi" kha khá mỗi ngày nhờ… “lộc của rừng” - 2

Nhiều khách hàng đi đường đã dừng lại mua măng loi rừng trên Quốc lộ 6

Chia sẻ  với phóng viên Dân Việt, chị Lò Thị Bốn, bản Hượn cho biết: "Cứ đến đầu tháng 5 dương lịch hàng năm, tôi đều lên rừng tìm hái măng loi về bán. Trung bình 1 ngày tôi hái được 2 sọt măng loi mang về nhà rửa sạch, bó thành từng bó nhỏ đem ra đường Quốc lộ 6 bán, mỗi bó nhỏ tôi bán với giá 10.000 đồng. Măng loi này có từ đầu tháng 5 - 7 dương lịch nên ở trên rừng mọc nhiều lắm. Tính ra, mỗi ngày tôi thu được 200.000 đồng từ việc bán măng".

Bà con người Thái "đút túi" kha khá mỗi ngày nhờ… “lộc của rừng” - 3

Mỗi 1 bó măng loi rừng được bán với giá 10.000 đồng.

Đối với bà con người dân tộc Thái Yên Châu, (Sơn La), mùa măng loi rừng chính là mùa bà con kiếm thêm nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Sau những vụ trồng lúa chiêm, có những hộ gia đình chăm lên rừng hái măng sẽ thu nhập đến 20 triệu đồng/năm từ việc bán măng loi rừng.

Bà con người Thái "đút túi" kha khá mỗi ngày nhờ… “lộc của rừng” - 4

Măng loi rừng thường mọc vào đầu tháng 5 -7 dương lịch.

Măng loi rừng khác với các loại măng khác ở chỗ: Vỏ măng mỏng, thân măng nhỏ và dài, vị ngọt, bùi và ít bị he. Thông thường bà con dân tộc Thái Yên  Châu thường chế biến măng loi thành các món ngon, thưởng thức một lần là nhớ mãi như: Măng luộc chẩm chéo, măng loi xào tỏi, xào thịt bò, thịt lợn...

Bà con người Thái "đút túi" kha khá mỗi ngày nhờ… “lộc của rừng” - 5

Món măng loi rừng luộc chẩm chéo vị ngọt, bùi và ít bị he. Chính vì sự hấp dẫn khó cưỡng của măng loi rừng, mà nhiều du khách khi đi qua đoạn dốc Chiềng Đông, huyện Yên Châu, trên Quốc lộ 6, đã dừng chân lại mua cho mình những bó măng tươi ngon về làm quà biếu bạn bè, người thân.

Ngoài các món ăn quen thuộc, măng loi còn được người dân huyện Yên Châu chế biến thành các món độc đáo và hấp dẫn như món măng loi nướng trên than củi, măng loi lam cùng cá suối trong ống nứa, măng loi hầm cá, hay măng loi ngâm chua cay... Tất cả đều nổi bật ở vị giòn, thơm của măng loi hòa cùng dư vị của các món ăn kèm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Hoàng (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN