Thư SEA Games: Cờ tới tay thì phất!

Hôm nay, ngọn lửa khai mạc SEA Games 27 được thắp sáng tại sân vận động Wunna Theidi. Sau 44 năm người Myanmar mới lại đăng cai đại hội thể thao Đông Nam Á.

Những ngày qua, giới truyền thông cũng đã săm soi và truyền tải về những điều hay ho lẫn sai số mà bất cứ nước chủ nhà nào đều khó tránh khỏi. Có nhiều thứ hư hư, có cái thật thật thường xuất phát từ ánh nhìn tình cảm và chủ quan luôn mong muốn phần lợi nhiều hơn hại.

Chẳng hạn, Myanmar vẫn bị ràng buộc khi cái luật bất thành văn trong ao làng khiến họ có thể không hay cũng phải leo lên ngôi đầu như bất kỳ chủ nhà SEA Games nào giành quyền đăng cai. Cho nên nhất cử nhất động của chủ nhà luôn bị nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ cứ như trẻ con chơi trò công an đi bắt quân gian.

Thư SEA Games: Cờ tới tay thì phất! - 1

Sân vận động mới xây dựng phục vụ cho SEA Games 27. Ảnh: QUANG THẮNG

Ví như cái môn truyền thống Chinlone không mấy ai biết và việc chủ nhà Myanmar nhường cho Thái Lan hai chiếc HCV là thật chứ không phải nghi án gì cả. Chỉ có điều, khi mà các quốc gia Đông Nam Á đã chấp nhận một cuộc chơi SEA Games chưa lành mạnh như lâu nay thì việc Myanmar có… chia huy chương theo toan tính của họ cũng là chuyện bình thường. Thậm chí có khi nó nằm trong thỏa thuận tôi ủng hộ anh tổ chức thì tôi phải có bao nhiêu vàng. Mà điều này thì cũng giống môn Vovinam của làng võ Việt, chính người trong cuộc từng chia sẻ rằng không “chia” cho các quốc gia tham dự ở SEA Games 26 thì làm gì có cửa để môn này xuất hiện ở SEA Games 27…

Hai năm trước, Myanmar chơi hết SEA Games 26 mới giành tổng cộng 16 HCV và trong rất nhiều lần tranh tài trước đây, họ chỉ đủ sức đứng ở nửa dưới bảng xếp hạng. Thế nên lần này đưa về sân nhà, Myanmar dám tuyên bố đoạt 100 HCV để leo lên ngôi đầu thì chuyện “đểu thật” hay “đểu giả” ai cũng hiểu là chuyện nhỏ. Nghiệt nỗi là các quốc gia tham dự đều chấp nhận theo kiểu “cờ tới tay ai người đó phất”.

Thư SEA Games: Cờ tới tay thì phất! - 2

Công tác an ninh trước làng SEA Games. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Cho nên chuyện nhỏ như một buổi tập của U-23 Việt Nam bị tình nguyện viên nhớ sai đường liền trở thành đề tài nóng hổi về một âm mưu “chơi đểu” thầy trò Hoàng Văn Phúc cứ được tán mãi. Rồi đến chuyện năm đội bảng A đều trú ở khách sạn Golden Guest thế mà chỉ có mỗi U-23 Việt Nam bị những đàn muỗi bự chảng tấn công kể cũng lạ thật.

Rồi hôm qua, tay vợt cầu lông hạt giống số một Tiến Minh (hạng tám thế giới) bốc thăm ngẫu nhiên ở vòng hai có thể gặp hạt giống số ba Wei Feng Chong (hạng 15 thế giới) thì bị cho là ban tổ chức gây bất lợi (!?).

Mới, cũ và thủ tục hành… chính

Một trong những than phiền lớn nhất của cánh phóng viên chính là những thủ tục hành chính rắc rối. Rõ nhất ở làng vận động viên luôn có rất đông nhân viên ngồi dán mắt vào màn hình máy tính nhưng miệng thì trò chuyện với nhau rất rôm rả. Có mỗi cái thẻ tác nghiệp mà cánh phóng viên luôn phải chờ đợi mệt mỏi bởi các thủ tục rườm rà cùng những mệnh lệnh hành chính của các sếp mặc quân phục. Nhân viên Myanmar nguyên tắc đến từng chi tiết nhỏ, như ngoài cái dấu của Ủy ban Olympic còn cần phải có một quan chức giải thích và… năn nỉ thêm vài lần nữa mới thông. Nó nhắc nhớ đến chuyện một thời của ta với nền hành chính nhiều cửa, nhiều dấu và nhiều giấy phép con.

Điều này ở Myanmar thì chẳng lạ lẫm bởi quốc gia này mới thoát khỏi cơ chế cũ và Nay Pyi Taw trở thành thủ đô mới có sáu năm dù người Myanmar không bao giờ tiết kiệm nụ cười.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Tuấn (phapluattp.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN