Tay vợt nào hay nhất mọi thời đại?(Kỳ 2)

Xét về cú thuận tay, Roger Federer là số 1.

3- Cú thuận tay:

Không cần phải bàn cãi nhiều, cú đánh thuận tay là một động tác cơ bản nhất của quần vợt, dù đó là một cú bóng bạt, bóng xoáy hay cũng hiếm khi là cắt bóng, những cú đánh thuận tay chiếm tới gần 90% kho cú quả của các tay vợt.

Hiện tại, chưa có một thống kê nào chỉ ra rằng đâu là tay vợt có cú thuận tay hay nhất, cho dù mọi tay vợt đều cố gắng phát triển và hoàn thiện cú đánh này sao cho hiệu quả nhất. Những tay vợt có cú thuận tay hay phải kể đến những tên tuổi như: André Agassi, Alberto Berasategui, Sébastien Grosjean, Rafael Nadal, Roger Federer, Pete Sampras, Jim Courier, Juan-Martin Del Potro, Aaron Kristein, Ivan Lendl, Robin Soderling, Fernando Gonzalez, Andy Roddick, Jo Wilfried Tsonga, Novak Djokovic và Carlos Moya. Danh sách này khẳng định rằng các nhà vô địch đều sở hữu nghệ thuật chơi bóng tinh tế này. Cú đoa có thể được thực hiện một cách độc đáo, xen kẽ bằng những cú trái tay khiến những đường trả banh trở nên hiệu quả.

Tay vợt nào hay nhất mọi thời đại?(Kỳ 2) - 1

Cú thuận góp phần rất lớn mang lại thành công cho Roger Federer

Cú thuận cũng thay đổi tùy theo mặt sân và trong lịch sử, nhưng đứng đầu vẫn là Roger Federer, bởi anh sở hữu động tác đánh bóng hiệu quả nhất trên bất cứ mặt sân nào. Với kỹ thuật hoàn hảo, động tác ra vợt thoải mái đến mức tự nhiên nhưng làm đối thủ tái mặt, Federer đã sử dụng đến mức lạm dụng cú đánh này với lực đánh mạnh, nhanh và rất nặng để ghi hàng núi điểm giành chiến thắng. Xen giữa những cú thuận, cây vợt tài năng này còn tung ra những cú trái một tay cực kỳ linh hoạt khiến anh có khả năng điều bóng chính xác đến bất kỳ điểm nào trên mặt sân mình mong muốn, ngay cả khi vừa chạy vừa tung ra cú đánh, nhất là những cú chéo sân chuẩn xác, hơn là những cú dọc dây, giống như Sampras!

Tuy vậy, trên mặt sân đất nện, Nadal, Berasategui, Fernando Gonzalez, Alberto Mancini, ngay cả Andre Agassi cũng xếp trên Federer ở cú thuận, bởi những tay vợt này ra vợt sát người hơn, nên xoáy hơn và vì thế tạo được những đường banh bay qua lưới dễ dàng hơn. Trên mặt sân Plexicushion tại Australian Open, các cú đánh thuận của Nadal hay Djokovic thường bay cách lưới khoảng 70-80 cm, trong khi cú đoa của Federer chỉ cách gần 30 cm. Kết quả là, trên mặt sân đất nện, các cú thuận của vua đất nện Nadal và các tay vợt có lối đánh thuận tay xoáy thường an toàn hơn, giảm đến 40% số lỗi đánh bóng rúc lưới hoặc đánh bóng ra ngoài vạch cuối sân!

Tuy vậy, khó có thể cho rằng cú thuận tay trên mặt sân rất đặc biệt này là một yếu điểm thực sự của Federer, bởi anh đã tham dự đến 5 trận chung kết tại Roland Garros (vô địch 2009), chính vì thế, Tàu tốc hành xứng đáng giữ danh hiệu tay vợt có cú thuận tay hay nhất kỷ nguyên mở, tiếp sau tất nhiên là Pete Sampas và Nadal. Huyền thoại Agassi chỉ đứng thứ tư, vì khởi nghiệp với những cú thuận bóng bạt sấm sét, sau cứ yếu dần đi và thay vào đó là những cú trái tay thần sầu ở phần cuối sự nghiệp.

Xếp hạng:

Top 10 tay vợt đánh thuận hay nhất
TT Tay vợt
1. Roger Federer
2. Pete Sampras
3. Rafael Nadal
4. Andre Agassi
5. Robin Soderling
6. Del Potro
7. Andy Roddick
8. Alberto Berasategui
9. Fernando Gonzalez
10. Jim Courier

4- Cú trái tay:

Chơi trái tay là cú đánh cơ bản thứ hai của quần vợt và thường được đánh bằng hai tay hơn là bằng một tay, cho dù cách đây 25 năm người ta vẫn còn quan niệm rằng, muốn thi đấu đỉnh cao thì điều kiện trước tiên phải chơi bằng được trái tay! Hiện trong 100 tay vợt đứng đầu ATP, chỉ có 14 tay vợt chơi trái một tay, đó là: Roger Federer, Richard Gasquet, Nicols Almagro, Feciliano Lopez, Stanislas Wawrinka, Ivan Ljubicic, Mikhail Youzhny, Michael Llodra, Olivier Rochus, Albert Montanes, James Blake, Tommy Haas, Pilippo Volandri và Nicolas Mahut. Không còn nghi ngờ gì nữa, Gasquet, Federer và Wawrinka hiện sở hữu cú trái một tay hay nhất ATP, còn trong quá khứ, những cái tên như Henri Leconte, Ivan Lendl, Cédric Pioline, Gustavo Kuerten, Boris Becker, Petr Korda và Michael Stich phải được nhớ tới nhiều nhất.

Tay vợt nào hay nhất mọi thời đại?(Kỳ 2) - 2

Richard Gasquet đánh giá nhỉnh hơn Federer về cú trái một tay

Về cú trái một tay, huyền thoại Pháp, René Lacoste từng cho rằng “kiểu đánh, sự trang nhã và vẻ đẹp cũng quan trọng không kém gì hiệu quả của cú quả này”. Chính tay vợt đồng hương hậu sinh với ông, Richard Gasquet hiện sở hữu cú backhand một tay mẫu mực được nhiều chuyên gia chấm điểm nhỉnh hơn Federer một chút. Không có thể hình to cao như các tay vợt khác và cú trái cũng không thực sự uy lực, cú trái một tay của Gasquet không đẹp ở động tác vung tay, không ở bàn tay cầm vợt cũng không ở tư thế thân người khi tung ra cú đánh mà quyến rũ trong cả toàn bộ động tác, từ khi chuẩn bị, tiếp bóng và sau khi bóng bay khỏi mặt vợt!

Một số chuyên gia cho rằng cú trái tuyệt vời của Federer lại chính là điểm yếu trong lối chơi của anh nhưng cũng có người nhìn nhận cú đánh này như một “hàn thử biểu” cho phong độ của tay vợt Thụy Sĩ. Trên thực tế, với những cú trái một tay bóng xoáy ở cú đánh sâu chéo sân hoặc dọc dây, hay bóng slice ở cú bỏ nhỏ đặc trưng, Federer trở thành tay vợt có lối đánh đa dạng nhất làng banh nỉ. Cử chỉ đẹp nhất và không thể lẫn với ai khác chính là Federer luôn nhìn chằm chằm trái banh đúng thời khắc tiếp mặt vợt trong khi hạ thấp thân mình để tung ra cú bóng xoáy. Tiếc thay, cú trái một tay dường như đang trên đường dần dần biến mất trong lối chơi quần vợt hiện đại?

Xếp hạng trái một tay:

Top 10 tay vợt đánh trái 1 tay hay nhất
TT Tay vợt
1. Richard Gasquet
2. Roger Federer
3. Petr Korda
4. Boris Becker
5. Stanislas Wawrinka
6. Cédric Pioline
7. Gustavo Kuerten
8. Henri Leconte
9. Ivan Ljubicic
10. Mikhail Youzhny

Nếu cú trái một tay của Gasquet được cho là đẹp “một cách tự nhiên” thì cú trái hai tay của tay vợt người Argentina, David Nalbandian lại giống như “sản phẩm của người đo vẽ hình học”, xuất sắc không kém gì cú thuận tay của Federer! Dù là chéo sân, ra mang, dọc dây, vòng từ ngoài vào sân… khi nhằm tới bất cứ điểm nào trên sân cũng là những đường bóng căng, mạnh, chính xác và được thực hiện một cách dễ dàng, thoải mái, xóa đi hình ảnh căng cứng, cầu toàn thường thấy ở cú đánh bóng này. Động tác thực hiện cú đánh của Nalbandian rất thuần khiết, không bay bướm, lạnh lùng như người đo vẽ hình học được giải thoát khỏi những trói buộc của kỹ thuật nên gần như hoàn hảo.

Nếu phải so sánh, những cú trái hai tay của Nalbandian chéo sân vào những điểm cực khó, ngang tài như cú trái của Andre Agassi, nhưng với cú trái hai tay cực mạnh, chính xác và rất bất ngờ đưa bóng dọc dây, Nalbandian tỏ ra hay hơn hẳn Agassi và tuyệt chiêu này đã trở thành một phần trong các cú đánh kinh điển của quần vợt hiện đại, giống như cú giao bóng của Sampras, cú thuận của Federer hay cú volley của Edberg.

Tay vợt nào hay nhất mọi thời đại?(Kỳ 2) - 3

David Nalbandian sở hữu cú trái tay đầy uy lực

Trong top 10 hiện nay, dường như chỉ có Novak Djokovic và Andy Murray là sử dụng vụ khí này hay hơn cả? Tay vợt Serbia được coi là hay nhất bởi khả năng biến cú trái thành một thứ vũ khí cực kỳ hữu hiệu có thể làm Nadal lúng túng, sau một cú thuận cực mạnh và xoáy vào bên trái của đối thủ nhưng bị phản đòn bằng một cú trái hai tay sắc hiểm.

Xếp hạng trái hai tay:

Top 10 tay vợt đánh trái 2 tay hay nhất
TT Tay vợt
1. David Nalbandian
2. Marat Safin
3. André Agassi
4. Andy Murray
5. Novak Djokovic
6. Nikolay Davydenko
7. Marcelo Rios
8. Björn Borg
9. Rafael Nadal
10. Jimmy Connors

5- Volley thuận tay:

Tuy hiện chưa có con số thống kê nào có thể chỉ ra một cách chính xác tay vợt nào chơi volley thuận tay hay nhất và trong nhiều tình huống, đánh cú thuận tay còn khó hơn cú trái tay, những tay vợt hay nhất phải kể đến John McEnroe, Stefan Edberg, Pat cash, Pete Sampras, Patrick Rafter, Michael Llodra, Radek Stepanek, Guy Forget, Yannick Noah, Roger Federer và Fabrice Santoro. Nếu chỉ nói đến động tác đẹp một cách thuần khiết, John McEnroe phải đứng hàng đầu trong thời của ông. Những năm 1990, người ta không thể quên được vẻ đẹp trong các cú đánh của Stefan Edberg và cũng không thể bỏ qua tính hiệu quả trong những cú volley của Patrick Rafter hay Pete Sampras. Đến năm 2012 này, chỉ còn hai tay vợt chơi lối giao bóng lên lưới volley là Michael Llodra và Radek Stepanek do mặt sân và bóng có xu hướng chậm đi. Còn Federer, tay vợt điển hình cho lối chơi tấn công lại ít khi chơi lối chơi này, cho dù anh được coi là bậc thầy trong cú đánh này.

Xếp hạng:

Top 10 tay vợt vô lê thuận hay nhất
TT Tay vợt
1. John McEnroe
2. Patrick Rafter
3. Radek Stepanek
4. Stefan Edberg
5. Pete Sampras
6. Yannick Noah
7. Pat Cash
8. Michael Llodra
9. Pat cash
10. Guy Forget

6- Volley trái tay:

Đó là một cú đánh hiệu quả và khá dễ dàng. Trong suốt 13 năm cầm vợt chuyên nghiệp, huyền thoại người Thụy Điển, Stefan Edberg đã làm hàng triệu mê hoặc bởi khả năng siêu việt khi thực hiện cú đánh này, dù cho bóng cao hay thấp. Những siêu sao như John McEnroe, Patrick Rafter hay Pete Sampras cũng là những bậc thầy nhưng không ai trong số họ có thể sánh ngang với sự tuyệt hảo của Edberg.

Xếp hạng:

Top 10 tay vợt vô lê trái tay hay nhất
TT Tay vợt
1. Stefan Edberg
2. John McEnroe
3. Pete Sampras
4. Patrick Rafter
5. Radek Stepanek
6. Yannick Noah
7. Pat Cash
8. Guy Forget
9. Michael Llodra
10. Todd Woodbridge

7- Cú Smash:

Có một trùng hợp thú vị, đó là tay vợt nào giao bóng tốt thì cũng là người có cú smash hủy diệt, bởi động tác giữa cú giao bóng và smash có nhiều điểm tương đồng. Giữ vị trí quán quân chính là huyền thoại người Mỹ với 14 Grand Slam, Pete Sampras, đơn giản vì trong suốt sự nghiệp khá dài của mình, anh chỉ đánh hỏng chưa đầy 20 cú smash nhờ kỹ thuật đánh bóng hoàn hảo và nền tảng thể lực sung mãn. Tay vợt da màu người Pháp, Yannick Noah đứng thứ hai, với khả năng bật cao và thứ ba chính là tay vợt Croatia chơi tay trái Ivanisevic. Federer cũng rất tự tin khi tung cú smash chính xác, còn Nadal lại rất hay hỏng ăn với cú đánh này.

Xếp hạng:

Top 10 tay vợt smash hay nhất

TT

Tay vợt

1.

Pete Sampras

2.

Yannick Noah

3.

Goran Ivanisevic

4.

Boris Becker

5.

Roger Federer

6.

Andy Roddick

7.

Stefan Edberg

8.

Richard Krajicek

9.

John McEnroe

10.

Mark Philippoussis

Quá trình hoàn thiện cú trái một tay của Federer

1- Từ 1998-2003 : Cú trái chủ yếu là để lên lưới, cắt bóng, bỏ nhỏ, nhưng cũng thường được Federer sử dụng làm vũ khí thực hiện những cú passing hay volley trái tay, nhất là trên mặt sân cỏ Wimbledon. Trên các mặt sân khác, tay vợt Thụy Sĩ bắt đầu tung ra những cú đánh cuối sân bóng topspin, rồi dần trở thành một trong những tay vợt đánh cuối sân hay nhất.

2- Từ 2003-2006 : Cú trái một tay tấn công và phòng thủ, nhất là sau khi vô địch Wimbledon với lối chơi giao bóng-lên lưới và khởi đầu thời gian dài ngự trị làng banh nỉ thế giới. Cũng chính lúc đó, Federer đã quyết định thay đổi sang chơi cuối sân và cú trái một tay ngày càng hoàn thiện. Những cú cắt trái slice chỉ được sử dụng để cắt nhịp hưng phấn của đối thủ và đa dạng thêm cách phòng thủ, nhưng dường như trên sân đất nện, những cú bung trái của anh hay hỏng ăn, nhất là khi anh có dấu hiệu xuống sức vào cuối những loạt rally dài, vì thế anh thường xen vào những cú cắt trái slice từ cuối sân.

3- Từ 2006-2009 : Cú trái cắt bóng hủy diệt và thay đổi nhịp độ trận đấu được lặp đi lặp lại nhiều lần trong những loạt đôi công kể từ năm 2006, nhất là trên mặt sân đất nện và khi phải đối mặt với Nadal, bởi chính trên mặt sân này, anh tỏ ra “kém” hơn một chút. Từ năm 2007, ta có thể luôn chứng kiến những loạt cắt bóng trái tay slice từ cuối sân cực xiết, rất xoáy và chính xác hạ gục đối thủ, nếu chưa hiệu quả thì chính cú thuận sẽ là vũ khí ghi điểm của Federer.

4- Từ 2010-2011 : Cú cắt trái từ cuối sân đánh trả những đường bóng topspin. Nhận thức rằng những cú cắt trái dễ làm “mồi ngon” cho đối thủ, Federer chủ động ít sử dụng cú đánh này khi đối diện những đường bóng xoáy, nhằm luôn giữ khoảng cách không quá gần đối thủ. Khi tự tin, Federer thường tung ra những cú trái mạnh hơn là né trái người để đánh thuận tay. Còn khi trả giao bóng, anh lại thương xuyên sử dụng cú trái cắt – slice rất xoáy có thể gây sức ép lên đối thủ giao bóng.

5- Từ đầu năm 2012: Cú trái không còn gây nguy hiểm, bởi tỉ lệ bị “dính đòn” của đối thủ đã giảm dần, nhưng cũng có đôi khi, cú trái giúp anh kiểm soát trận đấu, điển hình là trong trận chung kết ở Cincinnati trước Djokovic, nhằm “hạ nhiệt” hưng phấn của đối thủ. Cú trái cắt xiết giờ đây chỉ có tác dụng đưa đối thủ ra góc này, để giúp anh tung ra một cú trái uy lực điều bóng ra góc bên kia nhằm ghi điểm.

Trong kỳ 3, yếu tổ thể lực, đôi chân, kỹ thuật và tinh thần sẽ được đem ra mổ xẻ để đưa ra kết luận đâu là tay vợt xuất sắc nhất lịch sử ATP. Mời các bạn đón xem vào 11h, ngày 17/11/2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Cường ([Tên nguồn])
Tay vợt xuất sắc nhất lịch sử ATP Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN