Trận đấu nổi bật

madison-vs-irina-camelia
Mutua Madrid Open
Madison Keys
2
Irina-Camelia Begu
0
victoria-vs-tatjana
Mutua Madrid Open
Victoria Azarenka
2
Tatjana Maria
0
yoshihito-vs-felix
Mutua Madrid Open
Yoshihito Nishioka
1
Felix Auger-Aliassime
2
jelena-vs-jessica
Mutua Madrid Open
Jelena Ostapenko
2
Jessica Bouzas Maneiro
0
naomi-vs-liudmila
Mutua Madrid Open
Naomi Osaka
0
Liudmila Samsonova
1
richard-vs-lorenzo
Mutua Madrid Open
Richard Gasquet
0
Lorenzo Sonego
2
coco-vs-arantxa
Mutua Madrid Open
Coco Gauff
-
Arantxa Rus
-
darwin-vs-rafael
Mutua Madrid Open
Darwin Blanch
-
Rafael Nadal
-
iga-vs-xiyu
Mutua Madrid Open
Iga Swiatek
-
Xiyu Wang
-

Rafa - Nole là siêu kinh điển

Bộ tứ, bốn nhà vô địch Grand Slam trong năm 2012, khi lần lượt gặp nhau, cặp đối thủ nào thực sự tạo ra trận đấu kinh điển của những trận kinh điển.

Chỉ có Nadal và Murray đã không chạm trán nhau lần nào. Còn Federer và Djokovic đều có ít nhất một lần đụng độ, rồi đối đầu với hai người còn lại trong một năm bước ngoặt của tennis thế giới. Thậm chí, giữa Nadal và Djokovic là bốn trận chung kết. Giữa Nadal và Federer là hai lần phân tài cao thấp. Murray sống mái với Djokovic tới bảy lần, và thêm năm lần khác thử sức cùng Federer. 

Ngần ấy những trận đấu có lẽ cũng đủ để nhìn nhận một cách đầy đủ và chính xác, rằng khi hai tay vợt nào trong số bọn họ gặp nhau đã tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ nhất, cống hiến nhiều nhất cho những người mê môn thể thao này một cách trung lập, hoặc chí ít cũng tương đối khách quan. 

Và hãy nhớ, ở đây chúng ta không đi tìm một cặp đấu kinh điển của một thập kỷ, hay mọi thời đại, vì dường như đã có câu trả lời rõ ràng rồi: Là Nadal và Federer với 28 trận đối đầu, và đỉnh cao của cặp đôi huyền thoại này là chung kết Wimbledon 2008. 

Rafa - Nole là siêu kinh điển - 1

Những trận đấu giữa Nadal và Federer đã không còn kinh điển

Rafa - Roger: Một bản sao tồi của kinh điển 

Nhưng Nadal và Federer gặp nhau trong năm 2012 không còn là cuộc chiến thượng đỉnh nữa, nếu chúng ta nhìn ở thời điểm của cả hai trận đấu tại Indian Wells Masters và Australian Open đều là bán kết. 

Dù cho trong vài trường hợp, những trận đấu ở bán kết lại hay hơn khi các tay vợt lọt vào chung kết thường bị kiệt sức và chịu sức ép tâm lý. Nhưng xu hướng đó không chi phối Rafa - Roger. 

Ở Indian Wells thì Nadal quá tệ, như một kẻ học việc trước những cơn gió to thổi bạt qua sân đấu nằm giữa sa mạc ở California. Tại Melbourne, Australia thì Federer chưa đạt được phong độ tốt nhất do anh căng sức ở cuối năm 2011, Federer chỉ thắng nổi một set và ăn được 47% số điểm của cả trận - một tỉ lệ không cho thấy sự ganh đua sít sao và thắng thua không được phân định chỉ qua vài đường bóng quyết định.

Federer - Murray: Nhiều mà chỉ đáng xem một trận

Tới lượt Federer gặp Murray, nếu như bỏ qua trận chung kết ở Dubai, một giải đấu ATP 500, thì bốn trận đấu còn lại giữa bộ đôi này có hai bán kết và hai chung kết. Tiếc thay, đồ thị phong độ hình sin của cả hai đi lên và xuống lại không theo cùng một nhịp điệu. Ở bán kết ATP World Tour Finals là một Murray có phần mỏi mệt nên thua nhanh sau hai set. Ở Thượng Hải là một Federer chưa nóng máy sau thời gian nghỉ dài và chỉ quyết định sẽ tham dự trước khi bóng lăn đúng hai ngày. Và Federer cũng thua nhanh sau hai set.

Rafa - Nole là siêu kinh điển - 2

Chỉ có trận chung kết Wimbledon là đáng xem

Thậm chí, đó chưa phải là trận đấu bạc nhược nhất của Federer. Ở Olympic, Federer thua nhanh sau ba set đấu trong một trận tranh HCV theo thể thức đánh năm set thắng ba. Murray ở đó chơi quá hay, còn Federer lại quá tệ. Đó là trận đấu thứ hai hiếm hoi trong sự nghiệp của mình, Federer chỉ ăn được sáu game/ba set (trận còn lại là chung kết Roland Garros với Nadal, chỉ được bốn game).

Murray gặp Federer tạo nên một trận đấu đáng xem chỉ thấy ở chung kết Wimbledon. Đó là thời điểm hiếm hoi cả hai cùng có phong độ và thể trạng tốt. Murray trình diễn thứ tennis khá thông minh và chỉ có sạn ở kỹ năng đánh trái hai tay dọc dây cũng như ngại thực hiện các cú né trái đánh phải nên hơi thiếu đột phá. Federer cũng chỉ hồi hộp trong set một vì anh đã ba năm không vào tới chung kết Wimbledon và hơn một năm vắng mặt ở các trận cuối Grand Slam. Rồi sau đó Federer làm ngất ngây fan hâm mộ bằng các cú tấn công chính xác ở cuối sân kết hợp với những pha tràn lưới đầy nghệ thuật.

Nhưng trận đấu ấy không nghẹt thở. Nó chỉ có bốn set. Và chỉ đáng nhớ thêm bởi những giọt nước mắt làm nao lòng người của kẻ thất bại Murray. Nhưng ngay cả khi so về nước mắt thì cái lần Federer thổn thức sau khi thua Nadal ở chung kết Australian Open 2009: "Con chết mất thôi, Chúa ơi" mới là cảnh kết thúc bi hùng.

Federer - Djokovic: Số 1 và số 2 chỉ là... những con số

Đáng ra đây phải là cặp đấu kinh điển của năm. Vì họ là số 1 và số 2 thế giới trong phần lớn thời gian của mùa giải. Đáng ra họ phải tạo nên những trận chiến long trời lở đất. Vì khoảng cách giữa hai người chỉ là vài chục điểm trong số hơn vạn điểm mà họ tích lũy được - giống như khoảng cách giữa hai hành tinh trong vũ trụ chuẩn bị va vào nhau chỉ còn là một khe nắng lọt qua.

Rafa - Nole là siêu kinh điển - 3

Federer có vẻ không còn là đối thủ với Djokovic

Vậy mà những cuộc đối đầu quyết định giữa họ kết thúc thường để lại dấu hỏi cho những fan hâm mộ của phía thất bại, rằng tại sao anh ấy lại chơi dở như thế? Djokovic đã chơi dưới sức ở bán kết Wimbledon, tại chung kết Cincinnati Masters. Còn Federer chỉ là cái bóng của anh ở bán kết Roland Garros, bán kết Rome Masters, và như một con hùm có trái tim của thỏ đế trong trận chung kết ATP World Tour Finals mỗi khi đứng trước cơ hội chiến thắng (đều dẫn trước trong hai set mà không thắng được set nào).

Cuộc đua tranh ngôi số 1 và số 2 hồi cuối năm của họ thực ra cũng chỉ được phân định một cách gián tiếp. Khi Federer đã phá được kỷ lục số tuần giữ ngôi số 1 của Sampras lập được cách nay một thập kỷ, anh thoải mái nhìn Djokovic giành lại vị trí dẫn đầu ATP. Huyền thoại Thụy Sĩ sau khi thua Del Potro ở Basel, đã không thèm tới Paris BNP Masters để bảo vệ chức vô địch. Djokovic giành lại ngôi số 1 là ở châu Á, trong đó có Bắc Kinh, nơi anh đến và xách đi chiếc cúp như chỗ không người.

Murray - Djokovic: Chương đầu của kinh điển

Nếu vẫn tính tới sự hiện diện của Murray trong một trận đấu hay, chất lượng trong những đường bóng, nghẹt thở trong kịch bản, và xúc động trong cách kết thúc, trận chung kết US Open của anh với Djokovic có lẽ mới là số một.

Rafa - Nole là siêu kinh điển - 4

Murray và Djokovic ít nhiều khiến NHM hài lòng

Nó là trận đấu năm set. Chỉ kém sáu phút là đầy năm tiếng đồng hồ. Chỉ riêng set một đã là một bộ phim hành động, khi Murray thắng tiebreak 12-10. Nó là cuộc rượt đuổi tỉ số, Murray thắng thêm set thứ hai, nhưng lại thua trong hai set sau đó.

Và đến set thứ năm, một trong những giá trị vĩnh cửu của thể thao nói chung và tennis được tôn vinh: Sự khó lường. Đa phần nghĩ rằng Djokovic, một tay vợt kiên cường, một ông Vua lội ngược dòng, một người có nền tảng thể lực tốt hơn sẽ thừa thắng dấn tới giành cúp. Nhưng Murray tạo nên điều kỳ diệu, chơi còn hay hơn hai set đầu, nhấn chìm Djokovic.

Không chỉ ở Scotland hay vương quốc Anh, tinh thần dân tộc bùng cháy. Những ai chờ sự đổi thay trong tennis thế giới có lẽ cũng đã được thỏa mãn. Chiến thắng của Murray trên đất Mỹ như thắp lửa cho phần còn lại của ATP, rằng việc đánh đổ bộ ba Federer, Nadal và Djokovic là có thể.

Các trận đấu còn lại của Murray với Djokovic trong năm 2012 cũng là những cuộc đấu đỉnh cao. Ở Thượng Hải Masters (chung kết), rồi ATP World Tour Finals (bán kết) có thừa sự kịch tính. Và ở bán kết Australian Open hồi đầu năm, đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự trưởng thành của Murray trong năm 2012 cũng như việc đánh bại Djokovic không phải là nhiệm vụ bất khả thi.

Djokovic - Nadal: Chương nào ở Grand Slam cũng là kinh điển

Vì như một chuẩn mực đã đề cập ở trên, bán kết hay cũng chỉ như cơn gió thoảng qua, còn trận chung kết kinh điển mới thực sự ở lại.

Nadal và Djokovic gặp nhau bốn lần trong năm 2012 đều là chung kết. Nó là sự tiếp nối hoàn hảo cho chuỗi sáu trận chung kết cũng hoàn hảo trong năm 2011 (ngay cả khi chỉ nhìn từ một phía là kẻ chiến bại).

Nếu chung kết ở Monte Carlo hay Rome Masters là cuộc dạo chơi của Nadal, thì họ cho thấy cứ tới Grand Slam đều là những trận chiến thực sự, cả hai đều chơi với phong độ đỉnh cao.

Rafa - Nole là siêu kinh điển - 5

Hai tay vợt không thể đứng vững sau trận chung kết Australian Open kéo dài gần 7 tiếng

Djokovic có lẽ đã khiến Nadal vất vả nhất trong tổng số bảy lần tay vợt người Tây Ban Nha lọt vào tới chung kết Roland Garros. Không phải vì trận đấu ấy kéo dài hai ngày (mưa làm gián đoạn), mà ở cách Djokovic chứng tỏ bản lĩnh và sự hoàn thiện ngay cả trên sân đất nện sau khi đã thua hai set đầu tiên. Tỉ số 3-1 thực tế không phản ánh hết được sự căng thẳng trong việc cả hai cùng tạo ra những cơ hội và tận dụng.

Nhưng chung kết Australian Open mới thực sự là đỉnh cao của đỉnh cao trong năm 2012. Một trận đấu chỉ còn thiếu bảy phút là đầy sáu tiếng. Nó là ví dụ điển hình của tennis hiện đại nếu xét trên khía cạnh cuộc chơi giờ đây đòi hỏi ghê gớm về mặt thể lực. Chất lượng của set thứ năm thậm chí còn cao hơn cả bốn set đầu. Gần nửa số điểm của cả trận được phân định sau những loạt đôi công có nhiều hơn tám lần chạm vợt. Nó là cuộc đấu không dành cho những người yếu tim khi Nadal đã có cơ hội rõ ràng để dẫn 5-2 (và tiến gần tới chiến thắng) ở set thứ năm nhưng chỉ vì một cú trái tay đi ra ngoài vài cm, Djokovic từ đó đã làm nên một cuộc lội ngược dòng vĩ đại.

Liệu có quá lời không khi nói rằng ấn tượng về trận đấy ấy như thể mới diễn ra đêm qua? Hay nỗi nhớ Nadal da diết như thể anh đã nghỉ mất năm năm rồi chứ không phải là năm tháng vì cái đầu gối lại sưng tấy?

Liệu có thể 2013 sẽ là những trận chung kết thứ 11, 12 liên tiếp của Rafa với Nole, hay là sự tiếp tục hoàn thiện của Murray cùng sự thăng hoa của Federer sẽ không lạc điệu với những điểm rơi của Djokovic?   

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN