Nghịch lý sân nhà của cử tạ Việt Nam

Sự kiện: SEA Games 32

Tại SEA Games 31 vào tháng 5 tới, đội tuyển cử tạ Việt Nam cũng chỉ hy vọng giành 2 HCV dù hơn 2 năm trước, tại SEA Games 30, các đô cử Việt Nam đã giành tới 4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ. Nghịch lý đặt mục tiêu thấp hơn dù thi đấu trên sân nhà tưởng khó lý giải nhưng lại không quá khó hiểu nếu nhìn vào lực lượng tham dự cũng như mặt bằng của cử tạ Đông Nam Á.

Thời thế ảnh hưởng đến chỉ tiêu

Nếu nhìn vào lịch sử các lần tham dự SEA Games của cử tạ Việt Nam, có lẽ không lần nào gặp thuận lợi như kỳ thi đấu tại SEA Games 30. Thời điểm diễn ra SEA Games 30 vào năm 2019, cũng là lúc cử tạ Thái Lan, Malaysia vẫn đang bị Liên đoàn Cử tạ thế giới cấm thi đấu quốc tế do trước đó có một số vận động viên dương tính với chất kích thích trong thi đấu. Trong khi đó, cử tạ Thái Lan luôn trong nhóm đầu Đông Nam Á và từng sở hữu nhiều đô cử, đặc biệt ở các hạng cân của nữ có thể tranh chấp ngôi vô địch thế giới, châu Á. Nếu cử tạ Thái Lan được tham dự SEA Games 30, đương nhiên cử tạ Việt Nam chỉ có thể đặt mục tiêu giành 2 HCV. Nhưng với thời thế khi ấy, các nhà quản lý đã đề cập đến việc giành 3-4 HCV.

Cũng phải kể đến việc cử tạ Việt Nam khi đó có sự chuẩn bị đầy đủ, theo đúng lộ trình. Trong đó, các chuyến tập huấn nước ngoài đã được thực hiện để giúp các đô cử có thể trạng và tâm lý tốt nhất khi bước vào SEA Games 30. Và thực tế, từ việc cử tạ Thái Lan, Malaysia không được tham dự SEA Games 30 cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng một chút may mắn, xuất thần trên sàn đấu, cử tạ Việt Nam đã giành tới 4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ. Đó cũng là cột mốc, kỷ lục giành huy chương, đặc biệt về HCV của cử tạ Việt Nam tại một kỳ SEA Games.

Mừng thì mừng nhưng ngay sau kỳ SEA Games ấy, Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng đã nói rằng thành tích trên sẽ khó lặp lại nếu Thái Lan được trở lại với sân chơi quốc tế. Dù vậy, những người có trách nhiệm với cử tạ Việt Nam cũng tính toán rằng thành tích trên có thể lặp lại ở SEA Games 31 tại Việt Nam vào tháng 12-2021, khi án phạt cấm thi đấu quốc tế với cử tạ Thái Lan vẫn còn hiệu lực.

Đô cử Hoàng Thị Duyên trong một buổi tập chuẩn bị cho SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng

Đô cử Hoàng Thị Duyên trong một buổi tập chuẩn bị cho SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng

Nhưng khi ấy, chính những nhà quản lý hay Ban huấn luyện đội tuyển cũng không tính tới tình huống SEA Games 31 sẽ phải dời lịch thi đấu. Sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả. Thể thao chỉ là một phần trong hàng loạt đảo lộn do COVID-19 gây ra trên thế giới, trong đó SEA Games 31 buộc phải dời lịch thi đấu, chuyển sang tháng 5-2022. Lúc này, cử tạ Thái Lan đã được trở lại với các giải đấu quốc tế và đương nhiên không thể bỏ qua sân chơi SEA Games 31.

Cũng vì lý do này mà cử tạ Việt Nam buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu huy chương tại SEA Games 31. Đó là điều bình thường khi sự cạnh tranh đã gắt gao hơn hẳn so với dự tính và mặt bằng chung của cử tạ Thái Lan luôn vượt trội so với cử tạ Việt Nam. Từ việc đặt mục tiêu giành 3 HCV, cử tạ Việt Nam đã điều chỉnh chỉ tiêu xuống 2 HCV tại SEA Games 31.

Trong lần trao đổi gần đây, Phụ trách bộ môn cử tạ (Tổng cục Thể dục Thể thao) Nguyễn Huy Hùng cũng phải thừa nhận rằng, kể cả khi đã đặt chỉ tiêu 2 HCV thì các đô cử Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chinh phục mục tiêu trước sự cạnh tranh của các đô cử từ Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Tìm HCV từ đâu?

Đội tuyển cử tạ Việt Nam đã đăng ký danh sách sơ bộ tham dự SEA Games 31. Danh sách đó không có Thạch Kim Tuấn, á quân hạng 61kg ở SEA Games 30 và Vương Thị Huyền, đương kim vô địch SEA Games hạng 45kg. Đó cũng không phải bất ngờ bởi vì nhiều lý do, cả hai đã không thể giành vé tham dự SEA Games 31 sau các cuộc tuyển chọn ở Giải vô địch quốc gia năm 2021. Trong đó, Thạch Kim Tuấn đã không tham dự do chưa hồi phục chấn thương, từng khiến anh không thể hiện được phong độ tốt nhất tại Olympic Tokyo 2020.

Còn Vương Thị Huyền dù tham dự nhưng chỉ giành ngôi á quân thành tích cử tổng (tổng thành tích nội dung cử giật và cử đẩy) hạng 45kg nữ và để vé dự SEA Games 31 vào tay đô cử trẻ Khổng Mỹ Phượng. Theo tiêu chí tuyển chọn VĐV dự SEA Games 31 của đội tuyển cử tạ Việt Nam, chỉ người xếp thứ Nhất mỗi hạng cân sẽ giành vé. Tại SEA Games 31, mỗi quốc gia chỉ được cử 1 vận động viên dự 1 hạng cân nên đó cũng là lý do để Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đưa ra tiêu chí tuyển chọn trên nhằm tránh những tranh cãi không đáng có.

Dù vậy, như người trong nghề đã nhận định, kể cả khi được tham dự SEA Games tới, Thạch Kim Tuấn cũng khó tranh HCV hạng 61kg nam. Ở hạng cân đó, đô cử hàng đầu thế giới người Indonesia Y.Eko (á quân Olympic Tokyo 2020) luôn vô đối tại Đông Nam Á nên bất cứ đô cử Việt Nam nào tham dự cũng chỉ hy vọng tranh HCB.

Thế nên, một đô cử trẻ hơn Thạch Kim Tuấn tham dự nội dung này cũng tốt cho cử tạ Việt Nam, góp phần giúp sự chuyển giao lực lượng thuận lợi hơn. Có lần, Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng từng bảo rằng, giai đoạn hiện nay đang diễn ra sự giao thời về lực lượng ở hạng 61kg nam giữa Thạch Kim Tuấn và một số đô cử trẻ khác. Các đô cử trẻ này càng nhiều cơ hội thi đấu quốc tế thì khả năng kế thừa đàn anh càng cao.

Còn với Vương Thị Huyền, trong vòng 2 năm gần đây, thành tích và phong độ của cô cũng chững lại trong khi các đô cử trẻ vẫn tiến bộ liên tục. Việc Huyền không thể giành suất dự SEA Games 31 cũng giống như chuyện "tre già, măng mọc" và về mặt nào đó cũng có lý do để lạc quan với đội ngũ kế thừa.

Đến lúc này, ở sân chơi SEA Games 31, cử tạ Việt Nam lại trông vào những đô cử từng giành Huy chương vàng ở SEA Games 30 như Lại Gia Thành (hạng 55kg nam), Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ), Phạm Hồng Thành (hạng 64kg nữ) để thực hiện mục tiêu giành 2 HCV dù SEA Games 31 có tới 14 bộ huy chương (7 hạng cân nam, 7 hạng cân nữ).

Không kể, quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 của cử tạ Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Đáng kể nhất là việc cả đội không đi tập huấn nước ngoài dài hạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với việc chỉ tập huấn trong nước, bài toán thành tích tại SEA Games 31 càng nhiều ẩn số khó đoán.Trong khi đó, VĐV một số nước trong khu vực lại thi đấu và tập huấn quốc tế thường xuyên.Vì thế, việc thi đấu trên sân nhà cũng không mang lại quá nhiều lợi thế.

Không kể, cử tạ không thu hút được nguồn lực xã hội hóa như nhiều môn thể thao khác. Sự đầu tư cho VĐV, kể cả khi tập huấn trong nước cũng hầu như không đáng kể. Đấy là vấn đề lâu nay của bộ môn này và đến nay, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cũng chưa thể làm tròn vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp, các nguồn lực xã hội khác với đội tuyển, các VĐV.

Như Phụ trách bộ môn cử tạ (Tổng cục Thể dục Thể thao) Nguyễn Huy Hùng chia sẻ thì lúc này cũng chỉ biết động viên các HLV, VĐV của đội tuyển nỗ lực vượt khó.Đáng mừng là lúc này các HLV, VĐV vẫn đang thể hiện nỗ lực cùng quyết tâm cao độ. Và dù thế nào vẫn phải trông vào yếu tố vận may, kể cả khi thi đấu trên sân nhà.

Để dành Thạch Kim Tuấn cho ASIAD 19

Không tham dự SEA Games 31 nhưng đô cử Thạch Kim Tuấn cũng sẽ được chuẩn bị cho việc tham dự ASIAD 19 vào tháng 9 tới tại Trung Quốc. Theo tính toán của các nhà quản lý, đến thời điểm đó, Thạch Kim Tuấn sẽ đạt thể trạng tốt hơn do có đủ thời gian điều trị chấn thương và có khả năng tranh chấp huy chương hạng 61kg nam. Vấn đề hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của đô cử này. (Minh Khuê)

Nguồn: [Link nguồn]

Miệt thị SEA Games 31, Naujai có thể bị Malaysia cấm đến Hà Nội

Ông vua nhảy cao của điền kinh Malaysia vừa treo dòng trạng thái lên trang xã hội của mình có ý miệt thị “ao làng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN