Nadal và con đường của một huyền thoại
Muốn nhìn lại thật thấu đáo năm 2015 của Nadal thì phải suy xét cả sự nghiệp huyền thoại của anh.
Nadal đã kết thúc năm đấu của anh với một thất bại trước Djokovic ở bán kết World Tour Finals với tỉ số 3-6 3-6. Đó là lần thứ tư liên tiếp Nadal là người bại trận khi họ gặp nhau. Và đó cũng là lần thứ tư liên tiếp Nadal thua mà không thể thắng nổi một set.
Những lần đầu tiên cay đắng
Trong bốn trận thua ấy, thua ở Roland Garros mang lại tổn thất lớn hơn cả và về mọi mặt, bao gồm cả tinh thần cũng như tính biểu tượng: Nadal lần thứ hai trong sự nghiệp thất bại ở giải Grand Slam mà anh đã từng chín lần thắng ở đó, lần đầu tiên anh không thể thắng nổi một set.
Nhưng Nadal không chỉ thua mỗi Djokovic. Và vì thế nên anh mới lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình kể từ năm 2005 mà không giành được một Grand Slam nào.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp, Nadal thua nhiều hơn thắng trong các cuộc đối đầu với các tay vợt nằm trong top 10. Anh có cả thảy 18 trận đấu thuộc dạng này, thắng 7 và thua 11. Nếu bỏ ra 4 trận đấu với Djokovic, người được coi rằng cứ gặp là Nadal thua, thì thành tích đối đầu trong năm 2015 cũng vẫn là 7-7.
Nhưng Nadal cũng không chỉ yếm thế trong Top 10. Anh còn thua nhiều đối thủ khác, nằm rải rác trong Top 50.
Có lẽ, cay đắng nhất với anh và những ai hâm mộ anh là trận thua trước tay vợt người Italy Fabio Fognini ở US Open. Thua sau khi đã dẫn trước hai set là điều chưa từng xảy ra trong sự nghiệp đầy vinh quang của Nadal. Và đó là lần đầu tiên anh bị loại ngay từ vòng ba của giải đấu diễn ra ở New York, nơi anh từng hai lần vô địch.
Cũng với Fognini mà lần đầu tiên, Nadal có một người nằm ngoài Top 10 trở thành kỳ phùng địch thủ sau khi xưa nay đối thủ giằng co qua các giải đấu chỉ có Federer, Djokovic và phần nào đó là Murray.
Nadal thua tuyệt đối Djokovic trong năm 2015
Con đường mang tên huyền thoại
Maria Sharapova có hai lần trong năm nay đứng ra bảo vệ Nadal. Cả hai lần đều đến sau thời điểm Nadal thất bại, và trắng tay ở các giải Grand Slam.
Sharapova và Nadal chỉ có một sự liên kết: Họ cùng là gương mặt đại diện của Nike. Nhưng ngay cả có gắn kết nhiều hơn thì tận cùng của lý do cho sự lên tiếng của Sharapova cũng chỉ là vì Nadal là một huyền thoại, đã từng thành công và thành công rất sớm, nên tới một lúc nào đó cũng phải có sự chững lại và sau này là dừng lại.
Federer đã có sự chững lại như thế. Năm 2013 với Federer là thảm bại. Anh bị đánh bại ở những giải đấu từng là nơi tôn vinh và làm nên sự vĩ đại như ngay từ vòng 2 Wimbledon. Và cả năm ấy, anh chỉ giành được một danh hiệu vô địch ATP 250.
Đó là sự chững lại nghiệt ngã của một người bắt đầu vô địch Grand Slam năm 2003 và thiết lập biết bao kỷ lục dạng "102" của tennis thế giới.
Nhưng, không cần quá tinh ý, mà chỉ cần cộng trừ thôi sẽ thấy đó là chặng đường 10 năm của Federer. Hơn hết, nó là quy luật 10 năm (tương đối) đã từng chi phối tới Pete Sampras – người vô địch Grand Slam đầu tiên năm 1990 và sau đó thực sự thăng hoa ở giai đoạn 1993-2000 thì đến 2001 cũng không giành Grand Slam nào.
Nadal vô địch Grand Slam đầu tiên năm 2005 để mở ra một thập kỷ thành công khi Roland Garros 2014 là Grand Slam thứ 14. Mà Nadal lại là người chơi tốn sức nhất, dính nhiều chấn thương nhất xưa nay. Thế nên, việc anh không thể vượt qua quy luật 10 năm ấy cũng là bình thường.
Nadal trẻ hơn cả hai huyền thoại nói trên, khi anh vẫn chưa bước qua ngưỡng tuổi 30 (sinh năm 1986). Nhưng trong thể thao đỉnh cao và đối kháng cá nhân, đòi hỏi thể lực như tennis, thì tuổi nghề lại quan trọng hơn cả tuổi đời.
Các chỉ số trong năm 2015 với Nadal như một hệ quả tất yếu, đều đưa anh ra ngoài Top 10. Như hiệu suất giành điểm từ giao bóng một của anh chỉ đứng thứ 35 thế giới (với 67,3%), và tỉ lệ thắng game giao bóng (75,7%).
Tỉ lệ bẻ game của đối thủ của Nadal khá hơn, đứng thứ 9 thế giới năm qua, nhưng thua xa so với Murray và Djokovic, 18,3% so với 25,2 và 32,5%.