“Lão hổ thượng sơn”, bài quyền trấn phái trứ danh của võ cổ truyền Việt Nam

(Tin thể thao, tin võ thuật) Từng là bài quyền trấn môn của phái Nam Tông chỉ truyền đệ tử được lựa chọn của bản môn, “Lão hổ thượng sơn” dần trở nên nổi tiếng đến mức các môn sinh võ cổ truyền Việt Nam đều biết.

Tính thực chiến của bài quyền "Lão hổ thượng sơn"

Hổ quyền xuất hiện ở rất nhiều môn phái, chiêu thức của võ cổ truyền của Việt Nam. Tuy nhiên, hiếm có bài quyền về chúa sơn lâm nào nổi tiếng và thông dụng như “Lão hổ thượng sơn”. Bởi lẽ, đây là 1 trong 10 bài võ quy định trong chương trình huấn luyện bắt buộc và biểu diễn trong hệ thống thi đấu quốc gia của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Chuẩn võ sư Nguyễn Thị Tuyết Nhung biểu diễn động tác bài Lão hổ thượng sơn

Chuẩn võ sư Nguyễn Thị Tuyết Nhung biểu diễn động tác bài Lão hổ thượng sơn

Bài quyền này đến nay được phổ cập trong cả nước, là bài thi trong các giải đấu toàn quốc và biểu diễn trong các ngày hội võ cùng nhiều lễ hội dân gian khác. Thậm chí, “Lão hổ thượng sơn” còn được truyền bá ra nước ngoài như là một sản phẩm văn hóa độc đáo của võ thuật Việt Nam.

Trước khi trở nên nổi tiếng đến như vậy, “Lão hổ thượng sơn” từng là bài quyền trấn môn và chỉ truyền cho đệ tử tâm phúc của phái Nam Tông, một võ phái lừng danh do võ sư Lê Văn Kiển (thường gọi là thầy Tám Kiển) sáng lập, có gốc ban đầu từ Thiếu Lâm Bạch Hạc (Trung Quốc).

Võ sư Lê Văn Kiển là người sáng tạo nên bài quyền nổi tiếng này

Võ sư Lê Văn Kiển là người sáng tạo nên bài quyền nổi tiếng này

“Mọi người thường nhầm lẫn rằng chữ “Lão Hổ” có nghĩa là cọp già. Thật ra chữ này hàm ý chỉ con cọp đạt tới mức tinh thông lão luyện, vượt qua nhiều thử thách, tựa như hành trình mà bất cứ môn sinh võ thuật nào phải đi qua để trở thành bậc cao thủ”, võ sư Lê Văn Phước, con trai của chưởng môn Lê Văn Kiển giải thích.

“Lão hổ thượng sơn” được chia làm 10 phân đoạn với tổng cộng 62 động tác. Lấy chúa sơn lâm làm hình tượng, bài quyền mang thần thái uy nghi của loài mãnh hổ.

Động tác dứt khoát, tấn thoái nhịp nhàng, xoay chuyển biến hóa. Lúc chậm thì ung dung, lúc nhanh lại vô cùng dũng mãnh. Các thế đánh và biến thế có tên gọi đặc trưng như: Bạch hổ khởi động, Lão hổ vồ mồi, Đơn tọa phục hổ, Hồi mã đả hổ, Hoành thân phục hổ..., rất dễ nhớ và gây ấn tượng với người xem.

Những môn sinh còn rất nhỏ tuổi đã có thể biểu diễn thuần thục bài quyền trứ danh

Những môn sinh còn rất nhỏ tuổi đã có thể biểu diễn thuần thục bài quyền trứ danh

Đặc biệt, nét độc đáo và tinh hoa của bài “Lão hổ thượng sơn” nằm trong phần phân thế. Do triết lý dụng nhu thắng cương, đòn tay hổ (vuốt hổ) đánh ra không nặng về sức mạnh, mà thiên về kỹ thuật dị biệt. Phòng thủ luôn che phủ kín được thân mình tựa như con hổ đang thu mình nhưng khi linh hoạt chuyển sang tấn công thì dùng hổ trảo đánh vào các yếu huyệt cực kỳ hung hiểm. 

“Có thể nói, Lão hổ thượng sơn đã trở thành tài sản chung của dòng võ cổ truyền dân tộc. Ở các giải trẻ, bài quyền này là nội dung thi đấu ở hạng 6-10 tuổi. Dù vậy, để đánh ra được thần thái và uy lực của “hổ” trong bài quyền thì cần môn sinh phải có thời gian tu tập cũng như hiểu được về tinh thần của bài võ”, chuẩn võ sư Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Thu Nhi: Từ cô bé bán vé số đến nhà vô địch quyền Anh chuyên nghiệp WBO thế giới

Nguyễn Thị Thu Nhi, cô gái Việt đã làm cả thế giới boxing phải giật mình khi cô giành chiếc đai danh giá vô địch quyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong ([Tên nguồn])
Khám phá võ thuật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN