Kỳ vĩ Nadal

Sự kiện: US Open 2024

Danh hiệu Grand Slam cuối cùng trong năm đã thuộc về tay vợt xuất sắc nhất giải đấu và cũng là xuất sắc nhất 2013.

Bước ngoặt của trận đấu

Ngay sau trận đấu, người thua cuộc Djokovic nói rằng: “Nadal đã quá xuất sắc để vô địch US Open.”

Nole không nói sai, kể cả trong khoảnh khắc được cho là đáng sợ nhất đối với Nadal thì cũng thấy ở đấy sức mạnh phi thường của anh: Hai chân của Nadal xoắn vào nhau, anh ngã ngửa ra phía sau khi đang lùi xuống và hơi lệch sang bên (có lẽ) để thực hiện cú né trái đánh phải. Đó là điểm số 0-30 game thứ chín set ba. Điểm tiếp theo, Nole tiếp tục nhồi sâu vào chân của Nadal khiến cú đánh nửa nảy không đi theo ý muốn. Vậy mà Nadal cứu cả ba break point trong game ấy, để giữ được game giao bóng và sau đấy bẻ luôn game giao bóng của đối thủ.

Hãy nói thêm một chút về cú ngã của Rafa, anh bật dậy thật nhanh sau khi cuộn tròn trên sân. Nole chỉ mới kịp bước lên hai bước, chưa kịp hỏi thăm, Rafa đã ra dấu anh OK. Rafa không muốn nằm lâu hơn hòng làm dao động tâm lý của ai, hoặc cũng có thể anh không muốn để bất cứ ai lo ngại về một chấn thương tái phát.

Kỳ vĩ Nadal - 1

Nadal đã biết cách vượt qua thời khắc khó khăn nhất

Vượt qua được thời khắc khó khăn nhất trong trận chung kết, và dẫn 2-1 sau ba giờ đồng hồ thi đấu, Nadal cho thấy anh gần như bỏ túi chức vô địch Grand Slam thứ 13.

Vì Nole hoảng hốt sau khi để thua set thứ ba trong thế đã có cơ hội chiến thắng (bẻ game đầu tiên của Nadal, chơi chủ động và nắm thế trận trong gần chín game đầu), lại thêm nản chí sau khi không chuyển hóa được break point ngay game đầu set bốn khi Nadal cầm giao bóng. Nole đã thua khá nhanh, bị bẻ ngay game tiếp theo, thua 1-6 trong vòng 40 phút, nhanh hơn hai phút so với set đầu tiên khi Nole thua 2-6.

Nole thua toàn diện

Nole thực sự đã thua toàn diện trong cuộc chiến tâm lý. Nole dường như không có nhiều niềm tin vào bản thân anh. Đó là sự khác biệt hoàn toàn so với chính Nole cách nay chưa xa, khi anh mắc sai lầm nhưng vẫn biết tạo ra cơ hội khác để sửa sai. Thậm chí, Nole trong trận bán kết với Wawrinka trước đó hai ngày cũng đã có những thời điểm tưởng thua, nhưng rồi vẫn thắng chung cuộc sau năm set.

Nguyên nhân có lẽ là vì Nadal. Một Nadal chơi không xuất sắc, không bùng nổ như trận chung kết US Open 2010 trước cùng đối thủ, nhưng lại là một Nadal ngày càng tiến bộ về mọi mặt, biến hóa và rất khó nắm bắt.

Ba điểm break points Rafa cứu ở game thứ chín của set ba không phải là do sai sót của của Nole. Điểm đầu tiên Nadal cứu là một cú thuận tay dọc dây ăn điểm trực tiếp dù cho anh không thực sự ở tình thế thuận lợi. Điểm thứ hai Nadal thay đổi tốc độ bóng, sử dụng các cú cắt trái mềm mại làm bối rối Nole (đánh bóng rúc lưới). Và điểm thứ ba là một cú ace khi anh giao bóng vào góc chữ T.

Đấy là điểm ace đầu tiên và cũng là duy nhất của Rafa trong trận chung kết này, cho thấy sự lạnh lùng và tập trung của Rafa. Rafa kết thúc game đấu ấy bằng một pha tấn công lên lưới, smash.

Trong khi ấy, Nole không một lần nào cứu được ba break point liên tục dù về lý thuyết là người serve tốt hơn (ít nhất là về tốc độ). Lần bị ba break point đầu tiên (set 1), Nole thua ngay điểm đầu. Lần 0-40 thứ hai (đầu set 4), Nole thua ở điểm break point thứ ba.

Kỳ vĩ Nadal - 2

Nadal vỡ òa khi đánh bại Djokovic lần thứ 2 tại US Open

Nadal đã biến hóa như thế nào

Nadal đã mang cả sức nặng của sáu trận đấu cực kỳ ấn tượng trong suốt hai tuần qua ở Flushing Meadows và thậm chí là cả một mùa sân cứng phi thường của mình vào trận chung kết để đè lên đôi vai của Nole.

Rafa đã không tấn công dồn dập trong set 1, anh hơi lùi lại phía sau so với sáu trận trước đa phần đều ôm sân tấn công. Nhưng bất cứ đường bóng nào của Rafa cũng đều sâu, và chưa bao giờ thiếu xoáy.

Rafa để Nole trong tâm lý vội vàng tấn công. Rafa chỉ dứt điểm khi bóng thật thuận lợi, ghi tới bảy điểm trực tiếp trong khi anh chỉ mắc bốn lỗi tự đánh hỏng trong set này.

Điều đặc biệt, Rafa trừng phạt thói quen đứng lệch sang trái của Nole bằng cách đối hướng đánh vào tay thuận của Nole khi anh tạo ra cú đánh chiến thuật (cho lần dứt điểm tiếp theo).

Cho tới khi thấy ở bên kia lưới một Nole bắt đầu vào tay, chơi tự tin hơn, không ngừng ôm sân và tấn công mãnh liệt trong nửa cuối set hai và gần hết set ba, Rafa lùi lại sâu hơn để phòng ngự.

Rafa đứng sau baseline ít nhất ba mét để trả giao bóng. Không một lần nào Rafa nhảy bước xoạc đệm (split step) và tiến lên để đón lõng đường giao bóng của đối thủ như anh đã làm trong các trận trước. 

Nhưng khi tìm được nhịp, và có lẽ cũng hiểu rằng nếu tiếp tục đứng lùi sâu, anh sẽ trở nên bị động, Nadal tăng tốc, đứng ôm sân trở lại và tấn công. Sự thay đổi ấy lập tức phát huy, bởi trong cuộc đua tốc độ, sức mạnh, sự tự tin, Rafa vượt trội Nole ở thời điểm này.

Sự biến hóa của Rafa còn thể hiện ở cú cắt bóng trái tay. Có tới 90% các cú cắt bóng của Rafa là đi dọc dây, tìm vào tay trái của Nole. Nadal cắt sâu, chìm, nhưng đôi khi anh cắt bóng khá ngắn, và bỏ nhỏ.

Nole dù có cú trái hai tay hàng đầu thế giới hiện nay, nhưng suốt ba năm qua vẫn có điểm yếu chí mạng là thường giật trái ra ngoài khi gặp ai đó đánh bóng quá xoáy.

Trận chung kết này cũng thế, chỉ có một lần, Nole chống cú cắt trái ấy khéo léo bằng cách tràn lưới, đón trước bằng cú volley ghi điểm, còn lại bối rối.

Nhưng nếu được chọn khía cạnh tiến bộ nhất của Rafa, có lẽ nên chọn khả năng xử lý bóng cận chân nửa nảy của Nadal, chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn tới thành công trên sân cứng mùa này của anh.

Kỳ vĩ Nadal - 3

Không hiểu ai mới là chuyên gia sân cứng thời điểm này?

Những kỷ lục ở phía trước

13 giải đấu kể từ khi trở lại, vào chung kết 12 và giành 10 chức vô địch. Rafa không chỉ dựa vào đất nện. Giành ba Masters sân cứng và vô địch US Open có mặt sân rất nhanh. Không ai giàu thành tích hơn anh trên sân cứng mùa năm nay, kể cả trong trường hợp nếu như Nadal không tham dự hai Masters 1000 ở phía trước và ATP World Tour Finals.

Cũng giống như khi người ta gọi Federer là tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại, vẫn phải tính tới việc huyền thoại ấy thua Nadal nhiều hơn, thì giờ đây, khá phân vân khi vẫn gọi Djokovic là người xuất sắc trên sân cứng khi Nadal chơi trên sân cứng cũng như sân đất nện (xét về hiệu quả).

Nole có bốn trận chung kết US open liên tiếp, vô địch một, thì Nadal cũng vào tới chung kết trong cả ba lần anh tham dự giải đấu này và thậm chí vô địch hai.

Nhưng, đáng kể nhất là việc Rafa giành Grand slam thứ 13 ở tuổi 27, giống như huyền thoại Federer cũng giành Grand Slam thứ 13 tại US Open 2008 sau khi kỷ niệm sinh nhận lần thứ 27 trước đó ít lâu.

Liệu có thể tin rằng thành tích 14 Grand Slam của Sampras sẽ không phải là cái đích cuối cùng của Rafa hay không khi mà Nadal giờ đây không còn cho thấy dấu hiệu anh có vấn đề về đầu gối, chơi thông minh hơn nên bớt tốn sức hơn?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn (Khampha.vn)
US Open 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN