Trận đấu nổi bật

qinwen-vs-xinyu
Dongfeng Voyah Wuhan Open
Qinwen Zheng
2
Xinyu Wang
0
novak-vs-taylor
Thượng Hải Masters
Novak Djokovic
2
Taylor Fritz
0

Khi Djokovic muốn rũ bỏ quá khứ

Trong tennis, chỉ thắng thôi là chưa đủ mà còn phải là cách thắng và cách ứng xử bên ngoài sân đấu nữa mới có thể tạo dựng nên một hình tượng mẫu mực.

Từ một chấn thương bất thường

Ở thời điểm này, có lẽ không hiếm các fan của Djokovic mong anh rút lui khỏi Monte Carlo Masters, dù cho nếu được thấy anh trở lại ở giải đấu này để chứng tỏ thất bại ở Miami Masters mới đây chỉ là một tai nạn xem ra cũng trấn an được nỗi hồ nghi anh sa sút.

Rút lui ở Masters đầu tiên trên sân đất nện trong năm 2013 có thể sẽ chỉ khiến anh mất 600 điểm (chưa thể mất ngôi số 1), nhưng sẽ đảm bảo chấn thương không tái phát (hoặc trở nên nghiêm trọng), và xét cho cùng, mục tiêu cao nhất của Djokovic trong năm nay là chức vô địch Roland Garros.

Bản thân Djokovic cũng xác định rằng, bên cạnh Davis Cup, vô địch Grand Slam trên sân đất nện - điều anh chưa từng làm được - là giấc mơ trong năm 2013.

Khi Djokovic muốn rũ bỏ quá khứ - 1

Djokovic dính chấn thương mắt cá trong trận gặp Sam Querrey

Xét một cách chủ quan, nhưng chắc không phải suy diễn, Roland Garros chính là ước mơ lớn nhất, bởi Nole đã từng mang về cho Serbia vốn không có truyền thống hào hùng về tennis chiếc cúp Davis năm 2010.

Cay đắng thay, chấn thương làm cho Djokovic phải phân vân về kế hoạch thi đấu lại xảy ra ở vòng tứ kết Davis Cup khi anh đánh trận đơn thứ hai của riêng mình để ấn định chiến thắng cho Serbia trước tuyển Mỹ.

Và chấn thương lại xuất phát từ việc tung cả hai chân lên khi vợt tiếp bóng và cả khi kết thúc cùng trong tư thế chân mở để đánh thuận tay góc rộng lúc bị đối phương tấn công vốn được Djokovic thực hiện cả ngàn lần, nhưng cuối cùng cái cổ chân phải lại gần như bị gập theo một góc vuông.

Cũng xin nói thêm là Federer và Nadal hiếm khi thực hiện cú "wide forehand on defense" (hay running forehand) trong tư thế chân mở (open stance) như vậy, dù họ cũng giống phần lớn các tay vợt khác đều vắt vợt qua đầu ở giai đoạn kết thúc (follow through). Cách thực hiện cơ bản và phổ biến nhất là ở tư thế chân đóng (close stance).

Kỹ thuật của Djokovic hiếm gặp hơn, nhưng lại giúp cho anh trở lại trong tư thế sẵn sàng ở giữa sân nhanh hơn hẳn (thậm chí tới hơn một bước chân) so với thế chân đóng. Ngay trong điểm ấy, trước khi bị trẹo chân, Djokovic cũng đã chứng tỏ sự ưu việt của kỹ thuật chân (footwork) này khi xử lý cú thuận tay chéo sân của đối thủ (Sam Querrey), bật lại rất nhanh để đánh trái tay khi bị Querrey điều tiếp sang góc bên trái. Và nó là nền tảng của một giai đoạn thăng hoa và giành tới năm Grand Slam gần đây của Djokovic.

Trong thời gian gần đây (nhất là ở Australian Open), Djokovic hay bị trượt chân khi xoài người, nhưng bị gập cổ chân thì đây là một lần hiếm hoi.

Những dấu hỏi cho Djokovic

Có vài câu hỏi đặt ra ở đây với Djokovic, và việc trả lời nó sẽ như một sự lý giải về phong độ và khát vọng của tay vợt số 1 thế giới.

Thứ nhất, chấn thương ấy có thực sự tồi tệ? Chắc chắn rằng, ở thời điểm xảy ra, nó không ghê gớm tới mức buộc Djokovic phải ngừng lại ngay. Bằng chứng là anh vẫn tiếp tục thi đấu tiếp điểm đó cho tới tận khi nó kết thúc sau cú thuận tay không qua lưới của anh. Có cả thảy thêm ba cú đánh nữa của Djokovic trong đó có hai lần phải chạy từ đầu bên này sang bên kia và thêm một lần anh sử dụng lại kỹ thuật nói trên, rồi mới cần tới sự chăm sóc của bác sĩ

Với một người thông minh, nếu không muốn nói thừa tinh quái như Djokovic, anh hiểu rằng thua điểm đó (15-40) và game đấu đó (1-1 set thứ nhất) chẳng là gì với một trận đấu theo thể thức năm set thắng ba. Anh hoàn toàn có thể bỏ qua mà không lo ngại nó sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc.

Khi Djokovic muốn rũ bỏ quá khứ - 2

Mục tiêu của Djokovic là Roland Garros

Còn việc Djokovic còn đủ lành lặn và thoải mái chơi thêm hai tiếng đồng hồ nữa để kết thúc trận đấu với tỉ số 3-1 sau 2 tiếng 15 phút, trong đó có hai set cuối, anh chỉ cho Querrey thắng đúng một game, rồi sau đó mới phát hiện rằng chấn thương của mình tồi tệ hơn cũng không phải là không quá phổ biến trong thể thao nói chung.

Một chấn thương nhẹ dễ trở nên tồi tệ hơn khi VĐV tiếp tục thi đấu sau khi phát sinh chấn thương, đặc biệt là với những dạng chấn thương ở cổ chân, dây chằng...

Thứ hai, việc Nole dính chấn thương sau khi thực hiện cú đánh quen thuộc ấy có phải là chỉ dấu cho thấy anh bắt đầu sa sút? Câu trả lời là có, dù cho mới chỉ là so với chính bản thân anh thời đỉnh cao năm 2011 và nửa đầu 2012 trên khía cạnh thể lực và tâm lý.

Trong trận thua Del Potro ở bán kết Indian Wells, Nole vẫn là người nhỉnh hơn về mặt thể lực so với một DelPo đã phải phạm luật, đi uống nước ngay cả khi game đấu chưa kết thúc và dừng lại tới gần gấp đôi quy định 25 giây (của ATP) rồi mới giao bóng ở điểm quyết định.

Nhưng chỉ cần sa sút so với chính bản thân anh, đặc biệt là về mặt thể lực, Djokovic đã và sẽ phải đối diện với những rủi ro.

Ở trận thua Tommy Haas tại vòng bốn Miami Masters, Djokovic dường như bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt ở miền Nam duyên hải nước Mỹ nơi nhiệt độ thay đổi rất sâu giữa ban ngày và buổi tối, kèm theo độ ẩm rất cao.

Và rủi ro lớn nhất đó chính là dễ dính chấn thương - vấn đề thường xảy ra khi các tay vợt không ở trong điều kiện thể lực lý tưởng nhất.

Khi Djokovic không muốn buông vợt

Nói cho chính xác là Djokovic đã không bỏ cuộc ở trận đấu với Sam Querrey và vẫn chưa chịu từ bỏ kế hoạch tham dự Monte Carlo Masters, dù cho đến thời điểm này anh cũng chưa xác quyết 100% sẽ bước ra sân trong trận đấu ở vòng hai (trận đầu của các hạt giống hàng đầu) trong chiều tối nay (17/4).

Với nhiều tay vợt chuyên nghiệp, bỏ cuộc giữa chừng là sự đầu hàng. Đó là lý do người ta thấy Nadal nhất quyết không chịu bỏ cuộc trong trận tứ kết ở Australian Open 2011 dù anh hiểu rằng mình có khá ít cơ hội trước David Ferrer (thực tế đã thua) sau khi dính chấn thương cơ bụng lúc đang thi đấu. HLV và là chú của Nadal đã giục bỏ cuộc, nhưng Nadal khẳng định rằng anh không thể dừng trận đấu ở Australian Open hai năm liên tiếp theo một kịch bản, khi gặp Murray ở năm 2010, anh cũng không thể hoàn tất trận đấu.

Khi Djokovic muốn rũ bỏ quá khứ - 3

Anh đã không bỏ cuộc dù biết trước hậu quả

Sự đầu hàng dễ dãi thường làm tổn hại tới hình ảnh của chính các tay vợt, như trường hợp của Azarenka, hay chính bản thân Djokovic của những năm 2005-2010. Nole trong trận đấu đầu tiên gặp Nadal đã không thể kết thúc trận đấu ở vòng tứ kết. Chỉ trích nhằm vào anh vì người ta tin lý do lớn nhất đơn thuần do Nole tin rằng anh không có cửa trên mặt sân đất nện của Nadal và thua 4-6, 4-6 như thế đã là đủ.

Và đó chỉ là một trong chín lần bỏ cuộc giữa trận đấu của Djokovic trong giai đoạn ấy, rồi lần thứ mười và mười một thực ra cũng chưa xa khi Djokovic còn bỏ cuộc ở trận chung kết Cincinnatti 2011 sau khi thua Murray 4-6, 0-3 (sau đó anh vô địch US Open), rồi trận đấu với Del Potro ở Davis Cup 2011 sau khi anh thua 6-7, 0-3.

Ngoài ra, Nole còn có hai lần bỏ cuộc trước khi ra sân khác, với lần gần nhất là ở Masters tại Paris 2011. Đó chính là lý do bên cạnh biệt danh Djoker (hài hước), Nole từng có có hai cái tên khác là Quitter (bỏ cuộc) và Faker (gian dối).

Thế nên, khi Djokovic tiếp tục thi đấu và thắng Querrey ở Davis Cup mới đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi, muốn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp hơn trong môn thể thao vẫn còn nhiều nét quý tộc và hơn trăm năm qua luôn đề cao tinh thần mã thượng. Mong muốn thay đổi ấy, như đã nói, dựa trên thực tế là anh vẫn có thể di chuyển khá thoải mái và không cần phải "nhẹ chân" khi nhảy múa ăn mừng.

Cả khi trả lời truyền hình Serbia sau trận đấu ấy, việc Nole đã khóc khi nói về màu cờ sắc áo và chấn thương, cũng sẽ làm anh với hình tượng người hùng dân tộc của đất nước Serbia trở nên ấn tượng hơn.

Và đó là lý do để cho rằng sự tinh quái của Nole chắc chắn vẫn chưa mất đi dù cho anh đang thay đổi. Có thể những ai chờ đợi Nole lên ngôi ở Roland Garros (khởi tranh ngày 26-5) lo lắng, nhưng chắc chắn là tay vợt người Serbia biết anh đang và cần phải làm gì.

Hãy tin là Djokovic sẽ không đánh đổi cơ hội ở Roland Garros chỉ để lấy sự hài lòng của công quốc Monaco, nơi có thể coi như quê hương thứ hai của anh (định cư cùng với bạn gái nhiều năm qua ở đó). Khi Nole ra sân tức là cái cổ chân phải của anh thực ra lại chẳng có vấn đề gì, hoặc đã hồi phục hoàn toàn, hoặc anh có thể tiến lên phía trọng tài, xin dừng trận đấu và cất vợt vào trong túi với một cái bệnh án đã được rào đón suốt một tuần qua để không ai có thể trách cứ anh cả.

Trong năm kỳ diệu 2011, chính Nole cũng đâu có thèm đoái hoài tới Monte Carlo đó sao!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN