Đua xe F1: “Lính mới” đòi xưng hùng xưng bá

(Tin đua xe công thức 1 - Tin F1) Haas đã có một khởi đầu gây sốc cho tất cả trong năm 2018 tại Melbourne dù kết quả cuối cùng lại là điều họ không hề mong muốn. Chính vì điều này khiến các đối thủ khác bắt đầu hoài nghi về mối quan hệ dường như quá gần gũi giữa họ và Ferrari trong việc phát triển chiếc xe năm nay.

Trước khi mùa giải khởi tranh, mọi dự đoán về cuộc đua top giữa sẽ là giữa 3 cái tên Renault, Force India và McLaren và thực tế là 2 trong 3 cái tên trên đã đúng. Force India đã bị thay thế bởi chính Haas, đẩy ra khỏi cuộc đấu trên như những gì đã diễn ra tại Australia.

Từ đó, mới đây cả McLaren và Force India đã gửi đơn kiến nghị về đội đua này. Theo luật, một đội đua khách hàng có thể mua công nghệ từ đội cung cấp động cơ cho mình, nhưng vẫn phải trong một chừng mực nhất định. Nhưng trong thương vụ này có thể mọi chuyện đã hơi vượt quá giới hạn.

Đua xe F1: “Lính mới” đòi xưng hùng xưng bá - 1

VF-18 được cho là phiên bản copy của SF70H năm 2017

Các đội cho rằng Haas đã “bê nguyên” thiết kế phiên bản chiếc SF70H năm 2017 vào chiếc VF-18 mới nhờ đó mới có sức mạnh như vậy. Tuy nhiên mới đây trong một bài phân tích trên trang Grandprix247, họ lại cho rằng VF-18 lại có phần giống với SF71H nhiều hơn.

Đầu tiên là ở phần đầu xe, tương đồng ở phần mũi cũng như các chi tiết ở cánh gió trước của xe. Sau đó là phần cánh nhỏ trên thân xe cùng với đó là hốc đón gió ngay trên buồng lái (phần này khá nhiều đội đều không có sự khác biệt). Ngoài ra, hai chiếc xe có rất nhiều sự khác biệt quan trọng khác.

CEO của Force India Otmar Szafnauer cho rằng sự thăng tiến của Haas là một điều thần kì và chưa từng xảy ra tại F1. Với chỉ vài năm lịch sử và có rất ít nguồn lực thì họ không thể tạo ra một chiếc xe như vậy được. Còn với chủ tịch đội đua McLaren Zak Brown, ông cũng có cùng hoài nghi với Szafnauer nhưng ông không có bằng chứng để “buộc tội” Haas làm sai luật nên ông muốn FIA điều tra về sự trong sạch trong mối quan hệ Ferrari-Haas.

Trả lời về những ý kiến của các đội đua, trưởng đội Haas Gunther Steiner cho rằng những luận điệu đó đều vô căn cứ và đội đua nước Mỹ không làm điều gì trái với quy định cả.

Đua xe F1: “Lính mới” đòi xưng hùng xưng bá - 2

Trưởng đội đua Steiner và Grosjean đều tự hào về những gì Haas đã làm được

“Tất cả mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến. Nhưng vài người đã có những suy nghĩ mà tôi cho là không có bằng chứng rõ ràng. Và nó không hề có giá trị với tôi, tôi cho rằng cả đội đua có thể tự hào với những công việc đã hoàn thành từ năm ngoái rồi qua mùa đông để có thể tạo ra chiếc VF-18 và có thể khiến nó mạnh mẽ. Đó là công lao của tất cả.

“Nếu mọi người có vấn đề, tôi vẫn cảm thấy ổn. Chúng tôi sẽ trình báo những gì đã làm, như bao người khác, với FIA. Chính vì thế tôi tự tin rằng chúng tôi không hề làm sai điều gì… Chúng tôi thiết kế gói khí động học riêng theo từng quy chuẩn và cũng dùng những chi tiết máy từ Ferrari, một điều mà tất cả đều đã biết cách đây 2 năm. Chúng tôi vui với những gì đang có ở thời điểm hiện tại.”

Với Romain Grosjean, thành công tại Australia thể hiện rằng Haas không còn chỉ nỗ lực “sống sót” tại F1 mà đã biết cách giành được thành công. Đây chính là bước ngoặt đầu tiên trong lịch sử của đội đua đến từ Mỹ và dù không thể ghi điểm ở Albert Park, Grosjean rất nóng lòng được đua tại Bahrain bởi anh nghĩ đây không phải là khoảnh khắc lóe sáng duy nhất của Haas.

Đua xe F1: “Lính mới” đòi xưng hùng xưng bá - 3

Trong khi đó Magnussen lại tỏ ra thận trọng trước khi tới Bahrain

“Chúng tôi có một nền tảng rất tốt và biết được minh cần phải cải thiện ở đâu. Thật là thú vị khi chúng tôi tập trung vào việc có được những cuộc đua tốt thay vì chỉ cố gắng về đích an toàn ở cuối đoàn đua.” Tay lái người Pháp cho biết.

Trái ngược lại, Kevin Magnussen lại tỏ ra thận trọng cho rằng không có gì đảm bảo Haas có thể lặp lại khả năng tại Australia ở Bahrain. Tay lái người Đan Mạch nói các thành viên trong đội cần nỗ lực hơn nữa để hiểu chiếc xe hơn, từ đó mới nghĩ đến việc có thể lấy lại được phong độ trong chặng đua mở màn.

Tổng kết lại, dù chiếc VF-18 có thực sự là phiên bản bắt chước SF70H hay không, đây vẫn là một ví dụ mà các đội đua khác (không phải factory team) cần học hỏi về sự vươn lên của mình. Tại MotoGP trong nhiều năm trở lại đây đã tồn tại mô hình đội đua nhà máy và vệ tinh, với hầu hết các đội vê tinh được tạo ra bởi những phiên bản 1, 2 tuổi từ đội nhà máy.

Dù là phiên bản cũ nhưng chúng ta thường xuyên được chứng kiến những cuộc đua căng thẳng mà trong đó các đội đua vệ tinh mới là người gây ra áp lực rất lớn cho các đội được đánh giá nhỉnh hơn.

Đua xe F1: “Lính mới” đòi xưng hùng xưng bá - 4

Haas sẽ là một đối trọng cần dè chừng trong năm 2018

Họ có thể cạnh tranh sòng phẳng cho vị trí podium hay thậm chí trong một ngày đẹp trời, còn có thể giành chiến thắng chặng chung cuộc. Quay trở lại với F1, Force India hay Williams hoàn toàn có thể mua khung gầm cũ của Mercedes và thực hiện một số điều chỉnh mà họ cho là phù hợp với đội đua.

Từ đó họ có thể bám sát hơn những đội đua dẫn đầu, giành được kết quả cao hơn mà lại có thể bỏ ra số tiền phát triển ít hơn trước (khi mà vấn đề chi phí trong 1 năm tại F1 đang là vấn đề nhức nhối chưa có giải pháp hữu hiệu).

Mới chỉ xuất hiện tại F1 từ năm 2016 nhưng thứ hạng của Haas đã cải thiện đáng kể so với nhiều cái tên khác. Với những gì đã làm được ở chặng đua đầu tiên, chắc chắn mọi đối thủ đều phải dè chừng và không thể xem thường được họ nữa. Nhân tố Haas sẽ khiến cuộc đua cho danh hiệu “mạnh nhất của phần còn lại” trong năm 2018 sẽ trở nên hấp dẫn và căng thẳng hơn.

F1 2018
Theo bạn, ai sẽ là tay đua vô địch F1 2018?

Đua xe F1: Kẻ nhắm tới đỉnh cao, người rơi xuống vực thẳm

McLaren và Williams đều là những cái tên giàu truyền thống của làng đua xe F1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])
F1 2024 - Đua xe công thức 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN