Đua xe F1: Hamilton xuất sắc chạy xe “3 bánh” & phía sau sự cố nổ lốp

(Tin thể thao, tin đua xe F1) British GP vừa qua đã chứng kiến chuỗi "phản ứng domino" với những sự cố nổ lốp liên tiếp trong hai vòng cuối cùng từ ba cái tên đáng chú ý: Lewis Hamilton, Valtteri Bottas và Carlos Sainz. Pirelli đã nhanh chóng mở cuộc điều tra ngay lập tức để tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố đó cũng như những thay đổi trong chặng đua tiếp theo để tránh sự cố tương tự xảy ra.

* Chiến tích chỉ có Hamilton làm được ở thời điểm này

Lốp trước bên trái trên chiếc xe của Valtteri Bottas (Mercedes) là sự cố đầu tiên xảy ra ở vòng áp chót của cuộc đua, buộc anh phải vào pit, mất vị trí thứ 2 và rơi xuống hạng 11 không giành được điểm số nào. Carlos Sainz rơi vào hoàn cảnh tương tự khi rớt từ hạng 4 xuống hạng 13, trong khi đó Lewis Hamilton may mắn hơn cả khi đưa chiếc xe chỉ còn 3 bánh đi qua vạch đích thành công và về nhất cuộc đua.

Dữ liệu tốc độ của Hamilton trong 2 vòng cuối (vạch đỏ là thời điểm nổ lốp)

Dữ liệu tốc độ của Hamilton trong 2 vòng cuối (vạch đỏ là thời điểm nổ lốp)

Bất chấp điều đóm theo dữ liệu phân tích của nhà vô địch #44, anh vẫn thể hiện khả năng tuyệt vời trên chiếc xe… 3 bánh. Vòng thứ 51, Hamilton chạy 1 vòng hết 1 phút 32,1 giây, chậm hơn so với 1 phút 29,4 giây trước đó do kỹ sư phụ trách Pete Bonnington yêu cầu giảm tốc độ vì Bottas bị nổ lốp.  Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ để tránh một thảm họa trước mắt và trên đoạn thẳng Wellington, chiếc lốp của Hamilton đã bắt đầu gặp vấn đề.

Theo bảng dữ liệu tốc độ của Hamilton ở vòng 51 và 52, chúng ta có thể thấy được một phong thái chạy rất bình tĩnh, dù không nhận được bất kỳ cảnh báo nào trước đó, anh tập trung vào các thao tác của mình để có thể đưa chiếc xe cán đích thành công. Thời điểm Hamilton bị nổ lốp anh còn cách vạch đích khoảng 3,8 km và trong suốt quãng đường đó, anh chỉ mất 23 giây so với thành tích 1 vòng trước, nhờ khả năng và sự tập trung của mình.

Anh đi qua khúc cua tốc độ cao Copse với tốc độ 140 km/h (thông thường là 240 km/h) và Stowe là 135 km/h (thường là 190 km/h) – hai khúc cua mà lốp trước bên trái phải chịu áp lực rất lớn. Cùng với đó, anh chạy trên đoạn thẳng Hangar giữa hai khúc cua trên và đạt tốc độ gần 240 km/h khi được thông báo về khoảng cách với Max Verstappen phía sau.

Nhờ việc liên tục push như vậy, anh đã cán đích với thời gian vòng cuối cùng là 1 phút 52,484s, một thành tích không quá thua kém so với race pace của các chiếc xe F3 là bao. Để đạt được chiến tích đó, có lẽ chỉ có Hamilton làm được ở thời điểm này.

Stint thứ 2 quá dài là nguyên nhân dẫn đến sự cố nổ lốp

Stint thứ 2 quá dài là nguyên nhân dẫn đến sự cố nổ lốp

* Nguyên nhân vì sao dẫn tới sự cố? 

Vào thứ 3 vừa qua, Pirelli tiết lộ rằng sự cố nói trên là kết quả của việc stint (quãng đường chạy trên một bộ lốp) thứ 2 trong cuộc đua dài hơn dự kiến, kết hợp với tốc độ rất nhanh của những chiếc xe F1 năm 2020, khiến cho những bộ lốp phải chịu lực tác động lớn chưa từng có.

Trong thông báo chính thức của mình, nhà cung cấp lốp đến từ Italia cho biết: “Nguyên nhân chính được xét đến là một số tình huống trong chặng đua dẫn đến quãng đường sử dụng bộ lốp thứ 2 dài quá giới hạn cho phép”.

“Lần xe an toàn (SC) xuất hiện lần thứ 2 (sau vụ tai nạn của Daniil Kvyat ở vòng 13) đã khiến hầu hết các đội đua đều phải đẩy lên sớm kế hoạch thay lốp kỹ thuật của mình và buộc phải tiến hành stint thứ 2 trong 40 vòng đua, tương đương với khoảng 3/4 quãng đường chặng đua trên một trong những đường đua đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật nhất F1 hiện tại.

“Kết hợp với tốc độ được cải thiện rõ rệt của chiếc xe F1 2020 (kỷ lục pole sau 1 năm nhanh hơn tới 1,2 giây), điều đó khiến những vòng cuối cùng của chặng đua trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, do lực khủng khiếp dồn vào những chiếc lốp tạo ra từ chính những chiếc xe F1 đó…”

Pirelli đã thay đổi mức áp suất lốp tối thiểu trong chặng đua cuối tuần này

Pirelli đã thay đổi mức áp suất lốp tối thiểu trong chặng đua cuối tuần này

Điều kiện để vận hành gặp quá nhiều thách thức nên những chiếc lốp trước bên trái (là lốp phải làm việc nhiều nhất tại Silverstone) đã đi đến giới hạn sau gần 40 vòng chạy khi mức độ mòn lốp cao khiến cho chúng không được bảo vệ trước những “thế lực” bên ngoài (mảnh vỡ trên đường, gờ kerb,…) tác động và trường hợp xấu nhất đã tới.

* Thách thức lớn hơn với chặng đua thứ 2 cũng tại Silverstone

Cuối tuần này trong chặng đua thứ 2 tại Silverstone, các đội đua sẽ còn phải đối mặt với một thách thức lớn hơn bởi Pirelli sẽ mang tới chặng đua 3 loại lốp mềm hơn 1 bậc so với chặng đua đầu tiên bất chấp những sự cố gặp phải vừa qua. Theo đó lốp C2, C3 và C4 lần lượt được đánh đấu Hard (trắng), Medium (vàng) và Soft (đỏ) sẽ được sử dụng thay cho tổ hợp C1, C2 và C3.

Dù vậy, Pirelli sẽ thay đổi mức áp suất tối thiểu cho cả lốp trước và lốp sau trong chặng đua này lần lượt ở mức 27psi và 22psi, tăng lên 2psi với lốp trước và 1psi lốp sau. Họ cũng dự đoán các đội đua sẽ phải sử dụng chiến thuật 2 pit-stops trong cuộc đua, một điều hiếm thấy trong những năm gần đây.

Sự thay đổi lựa chọn lốp mang đến sự khó lường cho cuộc đua

Sự thay đổi lựa chọn lốp mang đến sự khó lường cho cuộc đua

Theo ông Mario Isola, Giám đốc phụ trách mảng đua xe thể thao của Pirelli, lốp mềm hơn đồng nghĩa với các stint lốp ngắn hơn trên lý thuyết vì tốc độ mòn lốp nhanh hơn. Bộ lốp C2 Medium ở chặng trước sẽ là lốp Hard ở chặng này, và theo dữ liệu của cuộc đua British GP Chủ nhật tuần trước, Romain Grosjean là người chạy được dài nhất với 36 vòng và lốp của anh không thể sử dụng được nữa.

Như vậy có thể nói trong cuộc đua kỷ niệm 70 năm tuần này, sẽ không có stint lốp nào có thể dài hơn được trên 30 vòng.

Chúng ta không thể phủ nhận một điều là nhiều tay đua chạy giữ lốp rất tốt, và không thể nói trước được điều gì. Dù vậy để tránh sự cố trên tái diễn, nhiều đội có lẽ sẽ tính đến một chiến thuật an toàn 2 pit-stops để có thể thể hiện hết khả năng của mình thay vì chỉ tập trung giữ lốp.

Cũng theo thông tin của ông Isola, tân binh Nicholas Latifi cũng được phát hiện là đã bị nổ lốp trước bên trái sau cuộc đua và chiếc lốp đã được chuyển về trụ sở của Pirelli tại Milan để phân tích và điều tra thêm.

Vấn đề về lốp sẽ ảnh hưởng đến những lựa chọn lốp trong các chặng đua sắp tới với đặc tính tốc độ cao tương tự Silverstone như ở Spa-Francorchamps, Mugello hay là cả Portimão, Bồ Đào Nha cũng như các loại lốp năm 2021.

Lựa chọn lốp tại Mugello sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cố lốp vừa qua (Ảnh: F1.com)

Lựa chọn lốp tại Mugello sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cố lốp vừa qua (Ảnh: F1.com)

Ông Mario Isola cho biết thêm: “Chúng tôi chắc chắn sẽ cần cân nhắc những điều phải làm trên các trường đua khắc nghiệt như Spa hay Mugello. Về Portimao dù không có nhiều dữ liệu nhưng nơi đây cũng sẽ đòi hỏi về kỹ thuật rất cao… Bên cạnh đó là tính toán chiến lược cho năm 2021.

Bởi hiện tại chúng tôi đang sử dụng một sản phẩm được thiết kế và phát triển cho chiếc xe năm 2019 và tiếp tục sử dụng nó cho mùa giải 2020 và sắp tới sẽ tiếp tục duy trì nó sang đến mùa giải 2021 – đó chính là điều mà chúng tôi cần xem xét để có thể thống nhất đưa ra một sản phẩm cho năm sau”.

* Đón xem ngày đua theo giờ Việt Nam, chặng 5, 70th Anniversary GP: Ngày đua xếp hạng (race): 20h10 Chủ Nhật 9/8.

Nguồn: [Link nguồn]

Đua xe F1, chặng 5, 70th Anniversary GP: Hấp dẫn cuộc đua top giữa

(Tin thể thao - Tin đua xe F1) Ngày đầu tiên của chặng đua 70th Anniversary GP diễn ra tại trường đua Silverstone, Anh với những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])
F1 2024 - Đua xe công thức 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN