Đua xe F1: Đau đầu kiện tụng, giám sát FIA có ngày làm việc vất vả

(Tin đua xe công thức 1 - Tin đua xe F1) Japanese GP 2019 đã diễn ra với những diễn biến hấp dẫn trên đường đua và những bàn tán xoay quanh các tình huống xảy ra trong cuộc đua vẫn rất sôi nổi sau khi 53 vòng đua khép lại. Hãy cùng điểm qua tất cả sự việc đáng chú ý tại chặng đua vừa qua mà bạn đã có thể bỏ lỡ theo trình tự thời gian nó diễn ra.

Đầu tiên là sự cố xuất phát sai của người giành pole Sebastian Vettel khiến anh mất đi cơ hội chiến thắng tại Suzuka. Theo lời kể của tay lái người Đức, anh đã trở nên sốt ruột khi đèn đỏ xuất phát hiển thị quá lâu mà chưa vụt tắt. Theo phản xạ, anh đã nhả côn để chiếc xe trôi đi dù tín hiệu đèn vẫn còn, anh đã kịp dừng chiếc xe lại một lần nữa. Nhưng đúng lúc đó đèn đỏ tắt và cuộc đua bắt đầu khiến Vettel mất hết mọi đà tiến lên và nhịp độ chạy, từ đó anh mới dễ dàng để các tay đua phía sau vượt lên ngay từ khi xuất phát.

Leclerc phải nhận 2 án phạt, cộng 15 giây vào thành tích chung cuộc

Leclerc phải nhận 2 án phạt, cộng 15 giây vào thành tích chung cuộc

Ngay ở chặng đua trước tại Sochi, “lão tướng” Kimi Raikkonen đã mắc phải lỗi tương tự và bị phạt chạy qua pit sau đó. Vụ việc lần này Vettel đã may mắn “thoát tội” do đã dừng lại ngay tức khắc, và chưa vượt qua vạch đỏ quy định trên đường đua.

Theo giám sát của FIA, lý do của việc không phạt Vettel là bởi chiếc Ferrari chỉ di chuyển trong khoảng chấp nhận được theo quy định của hệ thống phân tích cúa xuất phát, nên không có án phạt được đưa ra. Như vậy chúng ta có thể hiểu là có một khoảng giới hạn nhỏ ‘cho phép’ các tay đua mắc sai lầm khi xuất phát trước khi được coi là xuất phát sai so với quy định.

Sự cố trên phần nào ảnh hưởng đến người đồng đội của Vettel là Charles Leclerc khi cả 3 đối thủ chính phía sau là Lewis Hamilton, Valtteri Bottas và Max Verstappen đều có cú depart tốt và vươn lên gây áp lực với bộ đôi Ferrari. Hamilton chạy làn trong nên khi tới cua 1 không còn đường chạy và anh phải rút xuống phía sau, để lại cuộc chiến vị trí thứ 3 giữa Leclerc và Verstappen, người có được làn ngoài do xuất phát thứ 5, hưởng lợi từ sự vươn lên của Bottas.

Mảnh vỡ từ xe Leclerc gây nguy hiểm cho Hamilton

Mảnh vỡ từ xe Leclerc gây nguy hiểm cho Hamilton

Và tới cua 2, tay lái Red Bull vẫn tiếp tục giữ làn ngoài nhằm vươn lên ở cua 3 về bên trái. Anh bám sát về bên trái, để lại khoảng trống rất lớn cho Leclerc phía trong, nhưng chiếc xe Ferrari đã bị understeer rồi trượt vào xe của Max khiến tay lái #33 bị văng ra khỏi đường đua. Dù có thể trở lại nhưng với chiếc xe hư hại quá lớn, Verstappen không thể tiếp tục cuộc đua do bị mất đi 25% downforce (yếu tố quan trọng tại Suzuka) và phải bỏ cuộc vài vòng sau đó.

Vụ va chạm đã được giám sát FIA điều tra nhưng không đưa ra quyết định phạt nào trong lần đầu tiên, khiến cho Verstappen phẫn nộ bởi anh hoàn toàn ở thế “bị hại” trong tình huống đó và lỗi hoàn toàn thuộc về Leclerc. Sau khoảng thời gian cân nhắc, giám sát đã quyết đinh điều tra lại vụ việc sau cuộc đua cùng sự trình diện của cả 2 tay đua liên quan.

Trong khi đó, xe của Leclerc cũng bị hư hại cánh gió trước, vẫn có thể tiếp tục chạy nhưng sẽ gây nguy hiểm cho các tay đua khác. Những mảnh vỡ bay trên đường đã khiến gương bên phải trên xe Hamilton, khi đó chạy phía sau đã bị gãy ra khỏi xe và Lando Norris cũng bị ảnh hưởng với hệ thống phanh có mảnh vỡ mắc kẹt.

Vụ va chạm ở vòng cuối không được tính vào kết quả chung cuộc

Vụ va chạm ở vòng cuối không được tính vào kết quả chung cuộc

Sau cuộc đua, giám sát đã điều tra 2 vụ việc liên quan trên, và phạt Leclerc 2 điểm trên bằng lái và cộng 5 giây vào thành tích đua tại Suzuka do gây ra va chạm với Verstappen. Bên cạnh đó, ở vụ việc còn lại, chạy xe trong điều kiện nguy hiểm với các tay đua khác, Leclerc bị cộng thêm 10 giây thành tích, khiến anh rơi xuống hạng 7 tại Suzuka, đưa Daniel Ricciardo và Renault lên thứ 6.

Đội đua Ferrari cũng bị phạt 25 nghìn euro do đã nói với giám sát rằng sẽ đưa Leclerc vào pit thay cánh gió ngay lập tức nhưng lại thông báo ngược lại với Leclerc, để anh chạy ở ngoài đường đua thêm 2 vòng nữa mới đưa vào.

Vụ va chạm tiếp theo không được nói tới quá nhiều diễn ra giữa Norris và Alex Albon. Trong một vòng chạy đi qua cua 130R tiến tới chicane cuối, Albon chạy núp gió và phanh rất muộn để vượt qua Norris từ rất xa phía sau, điều đó cũng khiến anh mất kiểm soát chiếc xe.

Khi đến cua, hai chiếc xe đã va chạm khiến cuộc đua của tay lái McLaren bị hủy hoại khi không thể ghi điểm với vị trí về đích thứ 13. Nếu xem video quay lại tình huống đó, giám sát FIA hoàn toàn có thể đưa ra án phạt cho Albon nhưng họ đã không làm vậy và coi đây chỉ là một vụ tai nạn bình thường, quyết định khiến McLaren không quá hài lòng.

Vụ va chạm cuối cùng xảy ra ở vòng cuối cùng với cuộc chiến cho vị trí thứ 8 giữa Sergio Perez và Pierre Gasly ở cua 1-2. Tay lái của Racing Point chạy vòng ra phía ngoài chiếc Toro Rosso, vị trí mà Gasly không hoàn toàn có thể nhìn thấy nên cả 2 đã va chạm khến Perez là người bị thất thiệt, văng ra khỏi đường đua và phải bỏ cuộc. Giám sát cũng quyết định đây chỉ là một tai nạn thông thường và không phạt tay lái nào nhưng dù sao vụ việc này cũng không ảnh hưởng vào kết quả cuối cùng do một sự cố hy hữu khác.

Renault chưa thể yên tâm với cáo buộc vi phạm kỹ thuật

Renault chưa thể yên tâm với cáo buộc vi phạm kỹ thuật

Bảng điện tử ở vạch đích đã hiển thị cờ đích ở cuối vòng 52, tức là 1 vòng sớm hơn quãng đường 53 vong của chặng đua. Theo quy chuẩn nghiêm ngặt của F1, kết quả cuộc đua phải được ấn định ở thời điểm cờ đích xuất hiện, và thành tích được tính sau khi kết thúc vòng chạy cuối cùng mà chiếc xe dẫn đầu hoàn thành. Bởi vậy mọi diễn biến trong vòng cuối cùng đều không được tính trong kết quả chung cuộc.

Perez đã may mắn giữ được vị trí thứ 9 và 2 điểm cho mình, nhưng Renault với 2 tay đua trong top 10 lại đang “đứng ngồi không yên” với cáo buộc từ chính đội đua của Perez. Racing Point đã đệ đơn kiện Renault khi cho rằng đội đua nước Pháp đã cài sẵn hệ thống áp lực phanh ở từng thời điểm trên đường chạy, một điều mà đáng lẽ ra phải được làm thủ công bởi các tay đua.

Vì thế, kết quả hiện tại của cuộc đua sẽ có thể thay đổi nếu cuộc điều tra phát hiện ra vi phạm của Renault, và sẽ lại có một sự xáo trộn lớn nữa trong cuộc đua của top giữa vốn đang rất căng thẳng trong những chặng cuối này.

Đua xe F1, Japanese GP: Lịch sử gọi tên Mercedes, Bottas phá vỡ “lời nguyền”

Mercedes là đội đua xuất sắc nhất mùa giải 2019, tiếp tục bất bại ở “xứ mặt trời mọc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])
F1 2024 - Đua xe công thức 1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN