ĐT Vật dự SEA Games 27: Mạnh quá cũng…lo

Sự kiện: Vật - SEA Games 27

Nỗi lo trước thềm SEA Games 27 của các đội tuyển thể thao Việt Nam thì muôn hình vạn trạng, trong đó nhiều môn lo lắng về sự tiến bộ của đối thủ nhanh hơn mình. Tuy nhiên, có một đội tuyển thuộc đoàn TTVN đã trở thành ngoại lệ, đó là môn Vật. Thầy trò các đô vật ở ĐTQG Vật trước kỳ SEA Games nào cũng nơm nớp lo lắng vì một điều tưởng chừng như… nghịch lý: Chúng ta mạnh hơn đối thủ.

Những giọt nước mắt tức tưởi

SEA Games không thiếu những chuyện dở khóc dở cười với những quy định và điều lệ “khác người” khi được tổ chức ở mỗi quốc gia khác nhau trong lịch sử 26 lần diễn ra. Nhưng riêng với môn Vật, đây có lẽ là môn thể thao được chứng kiến những những tấn bi hài kịch “hoành tráng” nhất của đại hội thể thao khu vực.

Hẳn rất nhiều người vẫn còn nhớ về người được coi là có “vận đen” nhất của ĐT Vật Nguyễn Thị Lụa. Sở dĩ nữ đô vật 23 tuổi có biệt danh này là do lần tham dự SEA Games nào trong sự nghiệp cũng gặp trục trặc. Đáng nhớ nhất là SEA Games 25 vào năm 2009.

Thời điểm đó Nguyễn Thị Lụa thực sự không có đối thủ ở hạng 48kg nữ và khi nội dung này được đưa vào chương trình thi đấu, ĐTQG Vật được dự báo có 1 HCV. Mọi chuyện suôn sẻ từ quá trình chuẩn bị cho đến khi Lụa nai nịt gọn gàng để vào trận tại Lào.

Lúc này, một câu chuyện thậm chí có thể nói là đáng xấu hổ với thể thao Đông Nam Á đã diễn ra. Tất cả các đoàn đăng ký dự hạng cân này trước đó đã đồng loạt bỏ cuộc do biết chắc không thể giành HCV và cả hạng 48kg nữ chỉ còn một mình Nguyễn Thị Lụa trong danh sách. Cú “lật kèo” vào phút chót này đã khiến Lụa chỉ còn biết ngồi khóc tức tưởi một mình, vì công sức 2 năm trời đằng đẵng chuẩn bị đều "đổ ra sông ra biển".

ĐT Vật dự SEA Games 27: Mạnh quá cũng…lo - 1

Đô vật Lương Thị Quyên khóc nức nở khi bị mất HCV tại SEA Games 26

Nhưng nếu như trường hợp của Nguyễn Thị Lụa khiến cho các nhà chuyên môn chỉ biết “cười trừ” vì cũng chả trách được ai ở cái sân chơi vẫn bị gọi là “ao làng” này, thì đến trường hợp Lương Thị Quyên người ta chỉ còn biết… khóc.

Lương Thị Quyên đi thẳng một lèo vào đến trận chung kết hạng 65kg nữ SEA Games 26 để tranh HCV với VĐV chủ nhà Ridha Wahdaniyaty. Xác định trước thế nào cũng bị xử ép nên Quyên đã chủ động tấn công với hi vọng giành chiến thắng tuyệt đối để các trọng tài nếu muốn “bênh” cũng không được. Nhưng kể cả khi Quyên “đè” đối thủ “lấm lưng trắng bụng”, tổ trọng tài vẫn làm ngơ và kết quả đô vật quê Thanh Hóa chỉ còn biết ôm mặt khóc như mưa ra về với tấm HCB, mà chẳng biết ai sẽ đứng ra bảo vệ cho mình và bảo vệ cho tinh thần thượng võ của môn thể thao này.

Trên thực tế, các đô vật Việt Nam hoàn toàn có thể “tránh” được những câu chuyện như trên, song tâm lý “dĩ hòa vi quý” của những người có trách nhiệm đã khiến nó trôi đi dễ dàng và trở thành những điều gần như… hiển nhiên ở mỗi kỳ SEA Games.

SEA Games 27: Không phải ngoại lệ

Sẽ là không thừa khi nhắc đến những câu chuyện như trên để ĐTQG Vật chuẩn bị tâm lý đối phó với tất cả những tình huống mà đối thủ của chúng ta (nếu có) thiếu fair-play trong thi đấu tại SEA Games 27. Tại đại hội kỳ này, Vật có tới 21 bộ huy chương và đây có thể là một mùa “bội thu” của ĐTQG Vật trên cơ sở năng lực thực sự của các đô vật và tính toán của các nhà chuyên môn. Bởi không cần nhìn đâu xa, những tấm huy chương châu lục và tấm vé chính thức dự Olympic mà các đô vật VN đã mang về 4-5 năm gần đây đã nói lên tất cả.

Thế nhưng, ngay từ khi ngọn đuốc SEA Games chưa tỏa sáng, các nhà chuyên môn đã có thể “cảm nhận” được những khó khăn mà thầy trò ĐTQG sẽ phải đối diện thông qua điều lệ thi đấu môn Vật, với những quy định được coi như gây khó dễ cho những quốc gia có lực lượng hùng hậu.

“BTC hạn chế số lượng đăng ký và chỉ cho phép mỗi quốc gia được tham dự tối đa 4 hạng cân ở môn vật nữ. Năm nay, BTC cũng không cho phép được đăng ký 1 VĐV dự bị như các lần trước. Ngoài ra, mỗi hạng cân quy định rõ sẽ không tổ chức nếu không có ít nhất 3 VĐV đăng ký, dù lúc này các đoàn đã “chốt” danh sách rồi. Những quy định này thực sự gây khó khăn vì SEA Games luôn có nhiều diễn biến mà không ai lường trước được. Tôi ví dụ đơn giản thế này, chỉ cần 1 VĐV chẳng may bị chấn thương trước khi vào thi đấu mà không được đăng ký VĐV dự bị, coi như mất luôn 1 hi vọng giành huy chương”, HLV trưởng ĐTQG Vật Đới Đăng Hỷ cho biết.

Tại SEA Games 27, Vật Việt Nam sẽ mang 15 VĐV tới Myanmar và đặt chỉ tiêu giành 6 HCV. Đây là một chỉ tiêu có phần… khiêm tốn so với năng lực của chúng ta, nhưng cũng là một sự lựa chọn hợp lý nhằm tránh gây áp lực cho các đô vật, cũng như tránh trường hợp “vỡ kế hoạch” nếu như có nhiều biến cố xảy ra. Dẫu vậy, ai cũng hi vọng, thầy trò ĐTQG Vật sẽ làm được nhiều hơn thế, hay ít ra SEA Games 27 sẽ không còn những câu chuyện dở khóc dở cười.

Kể từ SEA Games 22 tới nay Vật luôn được coi là “mỏ vàng” TTVN với tổng số 46 HCV qua 5 kỳ SEA Games. Cụ thể các đô vật đã đem về 18 HCV ở SEA Games 22, 6 HCV SEA Games 23, 7 HCV SEA Games 24, 7 HCV SEA Games 25, 8 HCV SEA Games 26.

Ở nhiều kỳ SEA Games, số HCV của riêng đội tuyển Vật gần bằng số HCV của 3 hoặc 4 đội tuyển ở một số môn khác cộng lại và là một trong những đội tuyển có thành tích ổn định ở mức cao nhất của đoàn TTVN.

Có một điều đặc biệt khác, đội tuyển Vật luôn là một trong những đội tuyển luôn vượt chỉ tiêu đề ra và điều này khiến cho người trong cuộc đội Vật thường bị chỉ trích là “cố tình” đặt chỉ tiêu… thấp và không đánh giá đúng năng lực. Tuy nhiên trên thực tế, đội tuyển Vật cũng là một trong những đội tuyển bị “mất” HCV nhiều nhất vì các lý do ngoài chuyên môn ở các kỳ SEA Games.   

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc An ([Tên nguồn])
Vật - SEA Games 27 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN