Djokovic lại vô địch Wimbledon: Báo động thế giới tennis, Federer - Nadal có sợ?

(Tin tennis) Djokovic đã trở lại bao phần và liệu anh có thể giành thêm bao nhiêu Grand Slam?

Video Djokovic nhận cúp vàng Wimbledon

Có một quy định ngầm của tennis đỉnh cao đương đại, nếu một tay vợt đánh bại Roger Federer ở Wimbledon và hạ gục được Rafael Nadal ở Roland Garros, chức vô địch đương nhiên thuyết phục.

Nhưng lần này, Djokovic không cần phải đánh bại Federer, người đã bị loại ở tứ kết bởi Anderson, tay vợt sau đó đã vào tới chung kết, cũng đã có một trong những danh hiệu Grand Slam thuyết phục nhất của sự nghiệp.

Djokovic lại vô địch Wimbledon: Báo động thế giới tennis, Federer - Nadal có sợ? - 1

Djokovic trở lại đầy mạnh mẽ

Đã 17 năm qua, không có ai đứng ngoài Top 20 thế giới mà vô địch Wimbledon cho tới khi Djokovic làm được điều đó.

Thực tế này không phải để đánh giá thấp Djokovic, người chỉ xếp hạng 21 ATP trước giải vì sa sút phong độ, mà nó chỉ ra rằng khi đứng ngoài Top 4, Top 8, kết quả bốc thăm thường rất bất lợi.

Djokovic quả thật là đã phải đối đầu với một trong những nhánh đấu khốc liệt nhất, nơi hội tụ Nadal, Del Potro, Nishikory, Kyrgios, Alexander Zverev, Edmund, Khachanov, Gulbis, Thiem…

Và lần lượt từ vòng thứ ba, Djokovic đã gặp toàn những tay vợt có thể gây bất ngờ, có thể quật ngã bất cứ ai trong một ngày đẹp trời của họ. Là Kyle Edmund đã rất ổn định suốt 3 năm qua và mới đánh bại Djokovic ở mùa đất nện. Là Khachanov nằm trong số tinh hoa của Next Gen (Thế hệ tương lai). Là Nishikori, người đã đánh bại Djokovic ở bán kết US Open 2014. Là Nadal không cần phải chú thích thêm anh ta là ai.

Thách thức này lớn hơn bất cứ tay vợt nào khác khi mà Federer phải tới vòng tứ kết mới gặp thách thức, còn Nadal cũng ở vòng tương tự mới phải giải quyết khó khăn từ Del Potro.

Có một suy nghĩ xuất hiện khá lâu rồi là nếu như tất cả các tay vợt cùng khát khao, động lực về danh vọng, tiền thưởng ở Masters 1000 như với Grand Slam, hay Grand Slam có một thể thức bốc thăm để các tay vợt hàng đầu phải đấu với các ngôi sao khác ngay từ những vòng đầu tiên, thì đó mới thực là thách thức đáng có ở Grand Slam. Giải lần này của Djokovic là gần như thế.

Cũng chính bởi vậy, sự tái sinh của Djokovic cứ dần hiện ra qua mỗi vòng đấu, qua mỗi cửa ải mà tay vợt này phải đối mặt và tự tay xua đi những hoài nghi bao phủ. 

Câu trả lời cho tất cả

Khi Khachanov cao 1m98 bị Djokovic đánh bại mà chỉ giành nổi 8 games, tay vợt này đã đưa ra một tuyên bố: Djokovic quá xuất sắc, hoặc tôi quá tệ, và mọi người cùng chờ xem các màn trình diễn sau đây của anh ta để có câu trả lời cuối cùng.

Khi Nishikori bị Djokovic đánh bại, tay vợt người Nhật Bản khẳng định anh vừa thua một người có đủ khả năng đánh bại cả Nadal và Federer trong những ngày tiếp theo.

Và Djokovic đã giúp cho cả hai tay vợt nói trên được thế giới tennis tin rằng họ nói đúng. Đánh bại một Rafael Nadal ở phong độ đỉnh cao là câu trả lời rõ ràng nhất sau một trận bán kết kịch chiến kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ trong một điều kiện không phải là quá bất lợi cho Nadal. 

Djokovic lại vô địch Wimbledon: Báo động thế giới tennis, Federer - Nadal có sợ? - 2

Nole không ngán đối thủ nào

Điều đáng kể là chính những người trong cuộc cũng cực kỳ ngạc nhiên với sự tái sinh ấy. Họ không thực sự kỳ vọng sẽ chơi thứ tennis xuất sắc đến thế và vô địch khi mà những dư chấn của một giai đoạn bị chi phối bởi ‘giáo lý” của Pepe Imaz, từ bỏ thịt mà ăn chay, có vấn đề của cuộc khủng hoảng gia đình.

Đến với Wimbledon lần này, Djokovic chiều cao không đổi, vẫn 1m88, nhưng cân nặng chỉ còn 77,2kg. Cơ thể như vậy nhẹ hơn so với giai đoạn 2011-2015 đỉnh cao khoảng 3kg, và nhẹ hơn rất nhiều so với giai đoạn 2010 trở về trước khoảng 5-7kg. Tham chiếu về cân nặng của Federer và Nadal đều là trong khoảng 80-86kg.

Cân nặng của Djokovic có thể giúp anh di chuyển thanh thoát hơn, nhưng các cú quả sẽ nhẹ hơn, cả khi tấn công lẫn khi phải phòng ngự.

Djokovic một tuần trước khi Wimbledon khởi tranh, đã thua Cilic trong trận chung kết ở Queens kéo dài 3 set. Và mùa đất nện có nhiều thất bại hơn là chiến thắng.

Nhưng Djokovic đã khiến cho Nadal nhận một trong những thất bại ám ảnh nhất sự nghiệp, giữa lúc mà anh kỳ vọng cực nhiều trong một cuộc bám đuổi Federer xem ai đến lúc treo vợt sẽ giành nhiều Grand Slam nhất, và trước mắt là năm 2018 này, ai xuất sắc nhất khi cả hai đã chia nhau Australian Open và Roland Garros.

Vô địch nhờ sự nhỉnh hơn về bản lĩnh

Trong 51 cuộc đối đầu của Nadal với Djokovic trước đó, ai thắng trong set 1 thường có lợi thế rất lớn. Chỉ có 3 trong số 13 trận đấu ở đẳng cấp Grand Slam giữa họ mà người thắng set 1 sau đó bại trận chung cuộc.

Đây là lăng kính để nhìn nhận về khả năng của họ, và lý giải tại sao set 1 lại quan trọng đến thế.

Trong những game đầu tiên, Djokovic chỉ mất tối đa 1 điểm khi cầm giao bóng trong khi Nadal vất vả hơn. Cho tới những game bản lề, trạng thái đó của Djokovic không suy suyển, và thậm chí tới game thứ 7, tức game cầm giao bóng thứ tư của Nadal, anh có tới 3 break points.

Trong cuộc đấu giữa Nadal và Djokovic chúng ta còn có một đúc kết khác, nhất là khi Nadal cải thiện rõ rệt về cú trái, thì ai chơi trái hiệu quả hơn cũng sẽ có cơ hội lớn hơn.

Sau gần 8 game, Djokovic có 4 điểm ghi trực tiếp từ trái tay, còn Nadal là con số 0.

Ở set 3, khi Nadal cực xuất sắc, có những cơ hội rõ ràng để thắng set 3, kết thúc nửa đầu trận bán kết với lợi thế dẫn điểm thì bằng cách nào đó Djokovic vẫn có kết quả tốt.

Djokovic lại vô địch Wimbledon: Báo động thế giới tennis, Federer - Nadal có sợ? - 3

Djokovic sẽ tiếp tục chinh phục và thách thức Federer - Nadal

Nadal đến giờ này, cũng như cả phần thời gian giữa hai ngày thi đấu bán kết có lẽ đã phải tự hỏi rất nhiều tại sao anh lại thua set 3 sau khi đã có 2 set points trước đối thủ và nhất là quyền được cầm giao bóng ở những set point đó.

Câu trả lời là sự khác biệt ở tâm lý, trong thời điểm quyết định, Djokovic bản lĩnh hơn, thực hiện chiến thuật của mình chuẩn xác hơn.

Nếu như Nadal xuất sắc ở việc chơi ôm sân tấn công cả dọc dây và chéo sân, tràn lưới trong các cơ hội có thể, và khai thác cú bỏ nhỏ thường xuyên, thì Nadal lại trả giá ở việc tự đánh mất ưu thế chơi trái tay giao bóng ở ô điểm lẻ (ad court). Nadal không giao xé ra mang mà chủ yếu vào góc chữ T, nhưng lại đi cuộn vào tay thuận của Djokovic.

Sự khác biệt ở bản lĩnh trong những thời khắc quan trọng ấy tiếp tục được thể hiện ở set quyết định, set thứ 5, khi Nadal có break point khi tỉ số là 7-7, Djokovic chủ động hoá giải và giữ lại game đó bằng sự bình tĩnh mà không hẳn là từ ưu thế của cú giao bóng.

Còn khi Nadal giao bóng, 0-40 ở game quyết định, anh sụp đổ ngay ở điểm break point đầu tiên, thua trong trận đấu mà người chiến thắng gần như cầm chắc chức vô địch khi mà đối thủ ở bán kết là Kevin Anderson đã tốn rất nhiều sức ở trận bán kết dài nhất trong lịch sử giải đấu này khi thắng Isner ở set 5 có cả thảy 50 games.

Djokovic mới trở lại 8/10

Hoá giải tất cả các thách thức, giành chức vô địch Grand Slam thứ 13, trải qua một chặng đường không thực sự nhận nhiều sự ưu ái của BTC giải đấu và cả khán giả ở London, Djokovic đã tạo nên bất ngờ lớn nhất của tennis thế giới 2018.

Chính bản thân anh và ê kíp của mình không kì vọng rằng sẽ vô địch ở giải đấu này vì trạng thái thể lực của Djokovic chưa hoàn hảo. Djokovic cũng chỉ mới khẳng định là HLV Vajda và HLV thể lực Gritsch sẽ tiếp tục được gia hạn cho tới hết năm sau khi Wimbledon khép lại.

Hãy nhìn vào trận bán kết với Nadal, người có khát vọng lớn nhưng lại không có sự chuẩn bị hoàn hảo, để thấy rằng, nếu ở đỉnh cao phong độ như 2011-2015, Djokovic có thể đánh bại Nadal suôn sẻ hơn thế.

Đó là lần đầu tiên Djokovic thắng Nadal mà không ghi được nhiều điểm trực tiếp hơn (73-73), chơi phòng thủ nhiều hơn Nadal, thể hiện phần nào qua chỉ số lên lưới (44-50), và giao bóng hai ăn điểm tệ hơn Nadal (47% – 57%). Nadal thậm chí còn ở vị trí tấn công tốt hơn để đến hết set 3, Nadal đã có tới 8 cú bỏ nhỏ thuận tay – một kỹ năng thường chỉ được thực hiện khi đối thủ đứng xa lưới hoặc xa vạch cuối sân hơn.

Nó rõ ràng không thể so sánh với sự áp đảo mà Djokovic ở thời phong độ đỉnh cao, có hai giai đoạn anh đánh bại Nadal 7 trận liên tiếp (2011-2012 là 7 trận chung kết) và 7 trận liên tiếp khác mà Nadal không thể thắng nổi set nào (2015-2016).

Trong những chuỗi trận đó, trận kịch chiến ở chung kết Australian Open 2012 khá tương tự, Djokovic đã ghi 4 điểm trực tiếp nhiều hơn và nếu chỉ tính thuận tay và trái tay là 11.

Nhưng những con số chứng minh một Djokovic chưa trở lại đỉnh cao thực sự mà vẫn đủ khả năng để vô địch Wimbledon 2018 lại là một điều đáng ngại cho toàn bộ thế giới tennis.

Và một lần nữa, cũng giống như Nishikori hay Khachanov, một người thất bại dưới tay của Djokovic là Anderson lại nói rằng rồi trong những ngày tháng tới Djokovic sẽ lại chứng tỏ sức mạnh của mình trước cả Federer và Nadal.

Đó không phải là lời bào chữa cho thất bại. Mà là một sự cảnh báo. Một Djokovic bất khuất dẻo dai như được cấu tạo bằng cao đang trở lại.

Liệu khoảng cách 13 – 17 – 20 Grand Slam của 3 huyền thoại đương đại sẽ dịch chuyển về phía nào sau US Open tháng 9 tới?

Clip hot Wimbledon: Nishikori ”học mót” Federer, Djokovic ”vặn sườn” Nadal

Novak Djokovic giành chức vô địch và cú đánh đẹp mắt nhất cũng gọi tên anh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN