Chuyện nữ võ sĩ 18 tuổi làm nên lịch sử cho karate Việt Nam

Ở tuổi 18, Hoàng Thị Mỹ Tâm đã khiến làng karate khu vực sửng sốt với ba tấm HCV ở Giải vô địch châu Á diễn ra cuối tháng 12/2021.

Con đường sự nghiệp của cô gái vàng này cũng có rất nhiều đặc biệt, nổi bật hơn cả là quyết tâm vươn lên, trở thành một vận động viên tài năng.

Hoàng Thị Mỹ Tâm với những tấm HCV tại giải châu Á 2021. Ảnh: NVCC

Hoàng Thị Mỹ Tâm với những tấm HCV tại giải châu Á 2021. Ảnh: NVCC

Niềm hy vọng trên đấu trường thế giới

Trong danh sách bầu chọn vận động viên Việt Nam tiêu biểu năm 2021, Hoàng Thị Mỹ Tâm là cái tên xa lạ nhất, đồng thời là cái tên trẻ nhất.

Tuy nhiên, không phải bỗng nhiên mà cô gái sinh năm 2003 góp mặt cùng những đồng nghiệp nổi danh như: Nguyễn Quang Hải (bóng đá), Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Hồ Văn Ý (futsal), Nguyễn Thị Thu Nhi (boxing)…

Tại Giải karate vô địch châu Á năm 2021 diễn ra vào tháng 12 vừa qua, Mỹ Tâm xuất sắc giành 3 HCV, 1 HCĐ.

Đáng chú ý, cô gái quê Hà Tĩnh còn giúp karate Việt Nam lập cột mốc lịch sử khi trở thành võ sĩ đầu tiên đoạt HCV cả ở nội dung đối kháng dành cho lứa trẻ (U21) và lứa tuổi trưởng thành (hạng cân 55kg) tại đấu trường châu lục.

Hỏi Tâm về bí quyết thi đấu thành công như vậy dù hai năm mới được tranh tài quốc tế, cô gái trẻ cười nói: “Em chẳng có bí quyết gì cả, em chỉ xác định chơi hết mình để cọ xát nâng cao trình độ. Có lẽ nhờ tâm lý thoải mái nên em đạt được chút thành tựu. Tuy nhiên, bản thân em cho rằng mình còn nhiều điểm phải cải thiện nếu muốn phát triển hơn trong tương lai”.

Trong khi đó, thày Võ Mạnh Tuấn, HLV trưởng đội karate Hà Tĩnh, người từng dìu dắt Tâm từ những ngày đầu không giấu được niềm tự hào với cô học trò nhỏ: “Em vào đội từ năm 2015 và tôi nhận ra em có tố chất đặc biệt, ấn tượng hơn cả là sức bật cực tốt cùng tinh thần nghiêm túc, chăm chỉ. Các bạn cùng lứa chỉ tập tới 17h chiều thì em tập tới 17h30 hay 18h.

Thậm chí, có buổi em chưa làm được động tác thày chỉ đạo thì sẵn sàng tập muộn hơn. Nhờ vậy, một năm tập luyện của Tâm bằng các bạn khác tập 2 - 3 năm và ngay năm 2016, em đã có HCV giải toàn quốc. Chúng tôi cũng xác định đầu tư trọng điểm cho em, đưa đi thi đấu nhiều giải trẻ quốc tế bằng kinh phí tự túc và em đã không khiến chúng tôi thất vọng với những gì đạt được”.

Ông Tuấn cũng dự đoán, Mỹ Tâm chắc chắn còn tiến xa hơn nữa chứ không bằng lòng với thành công hiện tại.

“Tâm còn rất trẻ, có nhiều thời gian để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Rất khó nói trước điều gì nhưng tôi tin em sẽ đạt thêm cột mốc mới, bởi em luôn có ý chí vươn lên trong tập luyện và thi đấu”.

HLV trưởng đội tuyển quốc gia Lê Tùng Dương thì nhận xét, ngoài bản lĩnh thi đấu, Tâm có khả năng biến hóa chiến thuật cực tốt: “Em đánh tốt cả bằng tay, bằng chân, đòn quật và liên hoàn nên khi lên sàn đấu em chơi rất linh hoạt, gây bất ngờ cho đối thủ. Từ đây ban huấn luyện cũng dễ dàng đưa ra những điều chỉnh chiến thuật để đem lại hiệu quả cao”.

Mặc dù vậy, ông Dương cho rằng, nếu muốn nữ võ sĩ 18 tuổi có thể bước lên tầm cao mới thì cần sự đầu tư mạnh mẽ trong tương lai.

“Không có cách nào khác là Tâm phải được thi đấu nhiều và liên tục các giải đấu quốc tế ở cấp độ cao. Nếu được đầu tư tốt, định hướng chuẩn, Tâm sẽ là niềm hi vọng của karate Việt Nam ở đấu trường khu vực, xa hơn là thế giới”.

Tuổi thơ bầm dập tạo nên nhà vô địch

Mỹ Tâm chụp ảnh cùng Ban huấn luyện sau khi giành HCV châu Á hạng cân 55kg. Ảnh: NVCC

Mỹ Tâm chụp ảnh cùng Ban huấn luyện sau khi giành HCV châu Á hạng cân 55kg. Ảnh: NVCC

Sinh ra và lớn lên ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, tuổi thơ của Tâm cũng giống như nhiều đứa trẻ vùng nông thôn. Tuy nhiên, khác ở chỗ, dù là con gái nhưng em lại rất hiếu động, tinh nghịch và thường thích chơi với các bạn nam.

“Ngày bé em nghịch lắm, nghịch hơn cả con trai ấy. Gì chứ việc chạy nhảy, leo tường, trèo cây với em là thường xuyên. Cũng bởi vậy mà em ngã không biết bao nhiêu lần, quần áo rách, chân tay đầy sẹo. Bố em vẫn bảo chắc bà mụ nặn nhầm em là con gái”, nhà vô địch karate châu Á nhớ lại.

Ham vận động nên Tâm rất thích chơi thể thao và luôn là “hạt nhân” của lớp trong mỗi kỳ Hội khỏe phù đổng cấp trường.

Cô gái sinh năm 2003 kể, em chơi được nhiều môn thể thao khác nhau từ bóng đá, bóng chuyền tới điền kinh, kéo co nhưng đặc biệt thích võ thuật.

“Ngày đó gần nhà em có một chị tập karate, em thường theo chị tới lớp và bị cuốn hút bởi những động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Tới năm lớp 7, em xin bố mẹ cho tham gia CLB karate ở trường. Cùng năm, các thày ở đội karate Hà Tĩnh về trưởng tuyển quân, em được chọn sau đợt sát hạch và từ đó bắt đầu xa nhà vào trung tâm sinh hoạt, tập luyện”, cô gái xứ Nghệ chia sẻ.

Những ngày đầu làm quen môi trường thể thao chuyên nghiệp, Tâm cho biết cô cảm thấy rất khó khăn, đặc biệt là với các bài tập thể lực.

“Tại trường em chỉ tập cho có nhưng vào đội rồi thì mọi thứ phải theo khuôn khổ. Nhiều buổi tập mệt quá em nằm luôn ra sàn khi được nghỉ nhưng rồi mọi thứ cũng quen. Còn chuyện nay chấn thương chỗ này, mai bầm dập chỗ khác thì như cơm bữa bởi karate là võ đối kháng. Cho tới lúc này, em thực sự chẳng nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần gặp chấn thương.

Em may mắn khi bố mẹ rất ủng hộ, động viên em từ khi chập chững làm quen với karate tới suốt chặng đường sau này. Có lần em cảm thấy quá áp lực bởi thành tích đã muốn xin rời đội để về nhà, nhưng gọi điện thì bố động viên phải kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn. Vậy là em quyết tâm ở lại và có được ngày hôm nay”, nữ vận động viên sinh năm 2003 bộc bạch.

Mỹ Tâm kể thêm, xa nhà nhiều năm, em đã quen với việc tự lập nhưng mỗi khi bố mẹ gửi quà thì lòng lại bồi hồi: “Em lớn rồi nhưng bố mẹ vẫn lo cho từng chút một. Lúc nào cũng chỉ sợ con gái ở đội ăn uống không đủ nên cứ dăm bữa nửa tháng lại gửi đồ tiếp tế. Bố mẹ em bán thịt lợn nên các loại giò, chả được gửi nhiều nhất. Khi khác là bánh đa, thịt bò khô hay các loại hoa quả. Mỗi lần nhận quả là một lần em nhớ nhà, nhớ bố mẹ đến nao lòng”.

Hoàn cảnh gia đình Tâm ở quê nhà không khó khăn, bố mẹ cũng chẳng yêu cầu em phải giúp đỡ về mặt tài chính nhưng kể từ khi có lương rồi sau này là các khoản thưởng, Tâm đều dành dụm gửi hết bố mẹ: “Em không tiêu gì tới tiền ngoài mấy món đồ lặt vặt. Em càng không có nhu cầu ăn diện nên cũng dễ mua quần áo, chủ yếu là đồ thể thao. Thường em để dành tiền lương, thưởng tới cuối năm mang về gửi bố mẹ. Bố mẹ bảo giữ hộ em tới khi lấy chồng thì trả” (Cười).

“Trong môn karate, khả năng chuyên môn ở cấp độ trẻ khác hoàn toàn so với cấp độ trưởng thành. Việc một vận động viên giành HCV ở cả hai cấp độ là cực kỳ hiếm. Càng đáng nể hơn khi đối thủ của Tâm ở trận chung kết từng nhiều lần vô địch châu Á, hơn hẳn em về kinh nghiệm trận mạc".

HLV Lê Tùng Dương

“Em có rất nhiều thầy cô từng huấn luyện, mỗi người quan tâm, giúp đỡ và chỉ dạy cho em theo một cách khác nhau. Nhưng ấn tượng nhất với em có lẽ là cô Phạm Hồng Hà, HLV trưởng đội tuyển karate trẻ quốc gia. Giữa em và cô không chỉ là tình thầy trò mà còn như mẹ con, cô là nơi mà em có thể tâm sự mọi chuyện. Năm tháng được cô dìu dắt cũng là bước đệm quan trọng để em vươn lên".

Hoàng Thị Mỹ Tâm

Nguồn: [Link nguồn]

Hoảng hồn võ sĩ Medvedev tung đòn giết chết gấu dữ 600kg

(Tin thể thao, tin võ thuật) Sau cuộc chiến kinh hoàng với gấu dữ, mặt của nam võ sĩ biến dạng đến nỗi không ai nhận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN