Bóng chuyền Việt thất bại vì đâu?

Đội tuyển nam không giữ được ngôi á quân còn đội nữ chia tay luôn HCB sau 8 kỳ SEA Games, những đoạn kết buồn khiến người hâm mộ bóng chuyền không khỏi nao lòng

Dẫn trước tuyển Thái Lan, đối thủ mạnh nhất khu vực, đến 2 ván và tưởng đã cầm chắc tấm vé vào chơi trận chung kết, thế nhưng, tâm lý nôn nóng cũng như bản lĩnh quá yếu của các tuyển thủ khiến đội bóng chuyền nam đánh rơi chiến thắng vào phút chót. Cũng có những thời điểm, cách điều hành thiếu sâu sát của trọng tài cũng tác động nhất định đến toàn cục nhưng cũng chính các sự cố này càng bộc lộ rõ sự non nớt, thiếu gắn kết trong lối chơi của đội.

Bóng chuyền Việt thất bại vì đâu? - 1

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ giành HCĐ tại SEA Games 29 Ảnh: QUANG LIÊM

Mất tay đập Từ Thanh Thuận ngay trận mở màn do chấn thương cổ chân khá nặng, tuyển Việt Nam mất hẳn một nửa sức mạnh hàng công. Những giải pháp thay thế của HLV Phùng Công Hưng không thể xóa nhòa sự khác biệt về đẳng cấp vốn chỉ có thể được khắc phục nếu đội tuyển được tập luyện cùng nhau thường xuyên hơn. Đây mới chính là điểm yếu cốt tử của bóng chuyền nam Việt Nam dù đội tuyển đôi lúc được gọi tập trung gấp gáp để thi đấu ở… Cúp các CLB châu lục, nhiệm vụ lẽ ra thuộc về CLB vô địch quốc gia.

Trong khi đó, đội nữ ra trận với thái độ chủ quan "ai cầm quân cũng có HCB" được xem là nguyên nhân dẫn đến thất bại ở đấu trường khu vực. Thua đối thủ luôn bị đánh giá thấp là Indonesia ở VTV Cup, trắng tay trước cả đàn em Philippines tại Giải Vô địch châu Á, thất bại của tuyển bóng chuyền Việt Nam tại SEA Games 29 dường như là kết cục tất yếu dù lực lượng không hề yếu.

Nhìn quá trình chuẩn bị của đội nữ, giới chuyên môn đã có dự cảm xấu về kết quả cuộc tranh tài ở Malaysia. Danh sách đội tuyển vừa được công bố đã bị đả phá, xuyên tạc, gây bất ổn nhưng những người có trách nhiệm ở Bộ môn Bóng chuyền lẫn Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) vẫn bình chân như vại, để mặc cho truyền thông vào cuộc, xử lý khủng hoảng giúp. Chưa một ngày tập trung cùng đội, vị chuyên gia Nhật Bản đã bỏ về nước, không một lời nhắn gửi để lại.

Tưởng chừng đây sẽ là cơ hội tốt để các HLV nội dẫn dắt đội tuyển thì cuộc khủng hoảng nho nhỏ tại VTV Cup khiến HLV Nguyễn Quốc Vũ phải ra đi dù 2 tiêu chí tâm và tầm, ông thầy trẻ này không thiếu. Chuyên gia Hidehiro Irisawa đột ngột trở lại, được giao tiếp nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia nhưng dường như ông thầy người Nhật không màng đến chuyện "phải giành ít nhất HCB" tại SEA Games và đó phải chăng là nguyên nhân để Ngọc Hoa, Kim Huệ cùng đồng đội tiêu tan cả giấc mơ ngôi hậu lẫn á hậu?

Đội nữ còn làm tiếp nhiệm vụ ở vòng loại World Cup 2018 - khu vực châu Á cuối tháng 9 này và dù thành công hay không, đấy cũng sẽ là giải đấu cuối cùng của 2 trụ cột Ngọc Hoa, Kim Huệ. Trẻ hóa lực lượng, khẳng định bản sắc lối chơi là những nhiệm vụ cấp thiết mà hy vọng những người có trách nhiệm sẽ quyết tâm thực hiện vì tương lai của bóng chuyền Việt Nam

Chân dài bóng chuyền VN đấu Indonesia: Bất ngờ khán giả

Nhà thi đấu bóng chuyền tại trung tâm MITEC, Kuala Lumpur không đủ chỗ cho CĐV.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Tùng ([Tên nguồn])
Bóng chuyền SEA Games 30 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN